“Vạch áo” nhà chồng
Ảnh mang tính chất minh họa
Vì ấm ức trong lòng hoặc do hay “chóp chép”, nhiều cô vợ trẻ cứ đem chuyện nhà chồng kể cho... thiên hạ nghe. Đáng lưu ý là, họ lại nói những chuyện “cần phải giấu” khiến gia đình xào xáo.
Đi làm về, chưa kịp cất đôi giày thì chị M. T (28 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP. HCM) đã bị mẹ chồng chặn lại: “Đúng là nuôi ong tay áo, tôi tưởng cô hiền lành không ngờ cũng ghê gớm lắm!
Họa vì... “chóp chép”!
Đây không phải là lần đầu tiên chị T. chọc giận mẹ chồng chỉ vì cái tính hay mang chuyện trong nhà rêu rao khắp xóm. Lần này, chị T. với mẹ chồng cãi nhau chỉ vì bà nói chị không biết dạy con, để chúng “chạy rong” suốt ngày nên quen tật, sinh lì lợm. Bản thân chị cũng cứng đầu, biết rõ mẹ chồng không thích món củ cải muối nhưng cứ một hai bữa, chị lại mua về hầm thịt một lần.
Hậm hực vì những lời chỉ trích của mẹ chồng bấy lâu, chị đem chuyện đi ngồi lê đôi mách. Tai hại hơn, chị T. còn “tiết lộ” nhiều chuyện khác, thêm mắm giặm muối để hình ảnh mẹ chồng đậm chất vô lý, ngang ngược. Chưa hết, chị còn lên cả Facebook, tham gia hội những người thích “ném đá” mẹ chồng. Ngỡ dùng nickname thì tha hồ nói cạnh nói khóe, ai ngờ, một sự bất cẩn tai hại khi chị quên tắt nick đã bị chồng phát hiện. Anh điên lên vì biết vợ bêu rếu mẹ mình với thiên hạ.
“Tội” hay “tật”?
Chuyện các nàng dâu “vạch áo” nhà chồng không hiếm. Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy (Phòng Tham vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia Đình, Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP. HCM) cho rằng, phần lớn phụ nữ đều thích chia sẻ, tâm sự những chuyện liên quan đến mình, có điều nhiều người vì non kinh nghiệm, không biết đâu là chuyện nên nói, đâu là điều nên giữ kẽ dẫn đến nhiều sự cố rầy rà.
“Dù lỡ lời thì nguy cơ bị nhà chồng trách mắng, đánh giá cũng khó tránh. Còn nếu vì hiềm khích mà đi kể tội nhà chồng thì y như đổ thêm dầu vô lửa”, chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy cho biết. Chưa kể, khi nói xấu mẹ chồng, nàng dâu đã vô tình để lộ sự không khéo léo của mình dẫn đến những mâu thuẫn trong gia đình. Đường nào, chị em cũng nên cẩn thận trong chuyện này.
Tránh họa từ miệng
Nói xấu ai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nói xấu nhà chồng lại càng cực kỳ nguy hiểm. Hôn nhân của bạn có thể bị “vạ lây” chỉ vì những câu nói dù vô tình hay cố ý phát ra trong lúc nóng giận. Cho nên, trước khi muốn đem tất tần tật chuyện nhà kể cho người ngoài nghe, bạn cần cân nhắc:
- Mục đích khi nói ra những điều ấy của bạn là gì? Chỉ để giải tỏa áp lực tâm lý đang bực bội, nóng giận hay để vạch tội? Khi nói ra những điều ấy, có làm những ai liên quan trong gia đình bạn bị tổn thương không? Suy nghĩ kỹ một chút về những điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh được cảm xúc, từ đó cân nhắc nếu có kể cho người ngoài nghe thì kể cái gì, với giọng điệu và thái độ ra sao?
- Trường hợp lỡ miệng, kể ra những điều không hay, thấy có lỗi thì nên nhận lỗi. Bạn có thể chuộc lỗi bằng những hành động thực tế như ở nhà nhiều hơn, dành thời gian làm việc nhà và chăm sóc chồng con, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của những người trong gia đình nhiều hơn.
- Khi nói xấu nhà chồng đồng nghĩa là bạn đặt chồng vào thế “kẹt”, phải đứng giữa bạn và người thân trong gia đình. Bênh vực bên nào, bỏ bên nào đều khiến chàng khó xử. Nếu không khéo léo, cả gia đình lớn lẫn tổ ấm nhỏ của bạn đều căng thẳng. Người chồng trong trường hợp này cần là cầu nối để nàng dâu hàn gắn với cả nhà. Người chồng nên nhẹ nhàng phân tích thiệt hơn để làm dịu tình hình.
Nếu vợ sai, cần nhỏ nhẹ góp ý để vợ sửa chữa. Ngược lại, nếu thật sự vợ bị bức bách quá nên mới đi kể tội nhà chồng thì đức lang quân cũng nên nhìn nhận đúng vấn đề, có những chia sẻ, phản hồi lại với gia đình trên tinh thần xây dựng.
HOÀI ÂN