Bố mẹ đam mê công việc và các mối quan hệ ngoài xã hội, con cái sau giờ học căng thẳng lại làm bạn cùng trò chơi điện tử hoặc dán mắt vào màn hình ti vi, bữa cơm gia đình ngày càng thiếu vắng, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa… Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy xoay quanh chủ đề: Làm sao giữ nếp nhà trong thời hiện đại?
Là người tư vấn tâm lý về lĩnh vực tình yêu - hôn nhân - gia đình nhiều năm nay, bà có thể cho biết vấn đề lớn mà nhiều gia đình trong thời hiện đại đang gặp phải là gì?
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Điều lo lắng nhất trong thời hiện đại là đa phần các gia đình đang thiếu những bữa ăn chung. Gia đình nào cũng bận rộn, bố mẹ thường đi làm quá giờ, làm thêm, tăng ca… Từ những người công nhân bình thường cho đến những người làm việc tại các công ty lớn, họ gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp một bữa ăn chung.
Nhiều người tâm sự với tôi rằng để cả nhà cùng dùng một bữa ăn chung trong ngày là hiếm hoi lắm. Trong khi đó, bữa ăn chung là yếu tố quan trọng nhất tạo nên nếp nhà, tạo nên sự gắn kết giữa ông bà, cha mẹ và con cái. Từ chuyện cùng nhau nấu, bày bàn ăn, cùng ăn chung cho đến cùng nhau trò chuyện sau bữa ăn, tất cả những hoạt động đó tạo nên mối quan hệ giữa con người với con người trong gia đình. Con người bày tỏ sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau xoay quanh bữa ăn.
Không chỉ thiếu mâm cơm gia đình đầm ấm mà nhiều gia đình còn thiếu không gian sinh hoạt chung, thiếu những giây phút trao đổi thông tin và lắng nghe, chia sẻ cùng nhau. Điều này nguy hiểm như thế nào đối với mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái - những người đang chung sống dưới một mái nhà? Và điều này sẽ tác động như thế nào đổi với sự phát triển của trẻ?
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Bên cạnh sự thiếu vắng của bữa ăn chung, nhiều gia đình hiện đại ngày nay còn chịu sự chi phối bởi các thiết bị công nghệ số. Về nhà, bố mẹ mỗi người cầm một chiếc điện thoại, con trẻ mỗi người một cái máy tính hoặc ti vi. Cơ hội cùng nhau chơi, cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau trò chuyện là rất hiếm. Nếp nhà không chỉ thể hiện ở cách sinh hoạt mà còn thể hiện ở cách con người giao tiếp với nhau như thế nào.
Việc lạm dụng thiết bị công nghệ số chuyển chúng ta sang chế độ giao tiếp gián tiếp với những người thân yêu trong gia đình. Thiết bị công nghệ số kéo chúng ta đến gần mọi người nhưng lại đẩy ra xa những người thân yêu hơn.
Nhiều thành viên gia đình than phiền với tôi rằng rất khó để họ có những buổi trò chuyện với nhau bên mâm cơm, về một chương trình truyền hình hay chủ đề nào đó. Rất khó có những lúc bố mẹ và con cái đùa giỡn, vui vẻ bên nhau, nhất là khi con cái bước vào tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành. Công nghệ đang đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình.
Phải chăng do cách nghĩ về gia đình của con người trong xã hội hiện đại đã khác nên họ thay đổi thói quen, tạo nên nếp nhà mới?
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Cách suy nghĩ của con người trong thời hiện đại là yếu tố chi phối khá mạnh đến nếp nhà. Điều đáng lo là nhiều người trong chúng ta đang chạy theo quá nhiều về nhu cầu vật chất. Bố mẹ chạy theo công việc để có thể kiếm tiền lo cho gia đình. Con cái thì chạy theo học hành, thi cử để sau này bảo đảm bằng cấp cũng như cơ hội việc làm.
Nhu cầu vật chất đang khiến nhiều người quên đi những nhu cầu tinh thần mà không cần quá nhiều tiền người ta vẫn có thể có được tại nơi mình gọi là tổ ấm. Đó là niềm vui, sự sẻ chia, tình yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Những điều này tiền không mua được và không phải đợi đến khi có tiền mới làm được. Nhưng nhiều người hiện vẫn chạy theo những giá trị vật chất.
Chính yếu tố đó đang làm cho gia đình ngày càng xa nhau. Nó đang làm cho gia đình chỉ là nơi ở trọ để các thành viên tối về ngủ, sáng mai lại đi. Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình hiện nay rất lỏng lẻo. Đó sẽ là mối nguy nếu chúng ta không nhìn nhận lại và cùng nhau gìn giữ.
Vậy phải làm sao để chúng ta cân bằng được cuộc sống trước khi… đi xa quá?
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Điều quan trọng là phải tìm cách cân bằng giữa nhu cầu vật chất và tinh thần, chủ động tạo thêm không gian và cơ hội để các thành viên gần gũi, trò chuyện cùng nhau thay vì ôm điện thoái, máy tính. Gia đình là trường học đầu tiên. Bố mẹ là người thầy đầu tiên của con. Việc hình thành và duy trì nếp nhà đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình nhân cách của trẻ sau này.
Vậy nên các bậc cha mẹ phải tìm cách giữ cho bằng được nếp nhà. Phải để tổ ấm của mình là môi trường sinh hoạt có nề nếp, gia phong, có trên dưới và nhất là có niềm vui, thái độ sống tích cực. Muốn vậy, bao giờ bố mẹ cũng phải làm gương cho con trong mọi việc. Khi được sống trong môi trường tràn ngập tình thương yêu, sự quan tâm đúng mực của ông bà, cha mẹ, trẻ sẽ có sự phát triển toàn diện hơn.
Xin cảm ơn bà!