Xem hình ảnh cô gái bị đánh hội đồng ở Hà Nội, chuyên gia tâm lý sốc vì mức độ bạo lực trong vụ việc. Nữ chuyên gia cho rằng, ngay lúc này, bố mẹ, người thân cần cho nạn nhân cảm giác an toàn.
Sự việc cô gái 17 tuổi ở Hà Nội bị nhóm nam, nữ đánh hội đồng ở khu vực hồ Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Theo đó, nghi do mâu thuẫn trên mạng xã hội, cô gái sinh năm 2008 (hiện là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội) bị nhóm nam, nữ quây đánh hội đồng. Người mẹ sau khi biết sự việc đã phẫn nộ chia sẻ trên mạng xã hội.
Trước sự việc đau lòng, nhiều người bày tỏ nỗi lo ngại về sức khỏe thể chất cũng như vết thương tâm lý của nạn nhân.
PV VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Phạm Thị Thúy - Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu, giảng viên khoa Xã hội học và Phát triển, Trường Học viện Chính trị khu vực II (TPHCM) về vấn đề này.
- PV:Cảm xúc của chị thế nào khi xem video cô gái bị đánh hội đồng ở khu vực hồ Yên Sở (Hà Nội)?
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy: Tôi thấy sốc. Nhiều năm trong nghề, tôi không còn lạ với những sự việc tương tự nhưng bị đánh ở mức độ tàn bạo như trường hợp này, thì vẫn thấy choáng váng.
- Cùng với những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất, nạn nhân sẽ đối mặt với vết thương tâm lý thế nào khi bị đánh hội đồng, thưa chuyên gia?
Phải nói là có thể ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề, tùy thuộc vào mỗi nạn nhân và sự trợ giúp từ bên ngoài. Tổn thương về mặt tâm lý không chỉ trong thời gian ngắn, mà còn có thể về lâu dài. Thậm chí, có người bị ám ảnh tổn thương suốt đời.
Nạn nhân có thể bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), bị ám ảnh, sợ hãi, lo lắng, bất an... Nạn nhân cũng có thể bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như bỏ ăn, mất ngủ, ngủ gặp ác mộng, rối loạn cảm xúc, dễ tức giận, cáu gắt...
- Theo chị, gia đình nên làm gì để hỗ trợ nạn nhân bình ổn tâm lý và hồi phục sức khỏe tinh thần sau sự việc đau lòng?
Ngay lúc này, vai trò của gia đình rất quan trọng. Thứ nhất, bố mẹ, người thân cần cho nạn nhân cảm giác an toàn. Họ đang bị rối loạn cảm xúc nên gia đình cần tạo ra không gian an toàn để nạn nhân thấy được đồng cảm, chia sẻ, tôn trọng, yêu thương.
Như trong sự việc trên, bố mẹ cô gái không cần nói nhiều, đôi khi chỉ cần ôm con vào lòng nhiều hơn cũng đã giúp giải tỏa căng thẳng...
Gia đình không nên khai thác nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, lý do khiến con bị đánh... Làm vậy dễ khiến con có cảm giác bị kết tội, thêm mặc cảm tội lỗi cho nạn nhân. Phải nhớ rằng, bị đánh hội đồng thì bạn ấy chính là nạn nhân.
Thay vào đó, hãy ở bên, giao tiếp bằng xúc giác, lắng nghe, an ủi, chia sẻ để con vượt qua cơn sốc, hóa giải cảm xúc căng thẳng...
Bố mẹ cũng không cần cổ vũ con phải mạnh mẽ, kiên cường hay phải làm gì đó để nhanh chóng vượt qua cú sốc. Đối với một số người, việc này rất khó khăn. Chỉ cần ở bên con, chia sẻ, thông cảm với cảm xúc hiện tại của con.
Thứ hai, nếu thấy nạn nhân có dấu hiệu khủng hoảng kéo dài, cụ thể là trên 2 tuần, ảnh hưởng đến cuộc sống của con, bố mẹ cần đưa con đến gặp chuyên gia như bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên gia tâm lý để có những hỗ trợ kịp thời.
Thứ ba, nên cho nạn nhân tham gia các hoạt động phù hợp sở thích, sở trường của gia đình, nhà trường... Kéo họ vào các hoạt động tích cực để họ giải tỏa tâm lý, phục hồi tinh thần, khẳng định được giá trị của bản thân.
Có câu: “Ánh sáng đến đâu thì bóng tối lui dần tới đó”. Khi được sống trong môi trường tích cực, nạn nhân sẽ tự tin hơn.
Thứ tư, gia đình cần tìm đến các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân. Việc bà mẹ đã làm trong câu chuyện trên tôi thấy rất đáng quý. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, nạn nhân sẽ thấy được an ủi vì biết mình được bảo vệ.
- Vậy bản thân nạn nhân cần làm gì để sớm vượt qua cú sốc tâm lý?
Về mặt nhận thức, nạn nhân cố gắng nghĩ tích cực về sự việc, không đổ lỗi cho bản thân. Về mặt hành vi, nạn nhân cần tiếp nhận sự hỗ trợ của gia đình, cố gắng giữ nhịp ăn ngủ điều độ để hồi phục sức khỏe thể chất.
Về mặt giao tiếp xã hội, nạn nhân nên chủ động gần gũi với người mình tin tưởng, thoải mái chia sẻ cảm xúc.
- Gần đây, mạng xã hội xôn xao trước nhiều sự việc xô xát nhau trên đường phố, xuất phát từ những mâu thuẫn, va chạm nhỏ. Điển hình là vụ việc shipper bị đánh sau khi va chạm giao thông. Theo chuyên gia, tại sao con người dễ có hành vi bạo lực chỉ từ những va chạm nhỏ như vậy?
Nguyên nhân khiến tôi băn khoăn, trăn trở nhất là sự suy đồi về đạo đức. Tại sao con người ta dễ dàng dùng nắm đấm và coi thường sức khỏe, tính mạng người khác như vậy? Đó là vấn đề nghiêm trọng về mặt đạo đức.
Người có hành vi bạo lực đánh mất sự tôn trọng về thân thể, nhân phẩm của người khác. Ở khía cạnh này, sự giáo dục của gia đình và nhà trường rất quan trọng.
Nguyên nhân tiếp theo thuộc về bản năng con người. Ông bà ta có câu “cả giận mất khôn”, khi giận dữ, não bộ con người sinh ra cơ chế phản ứng, chiến đấu.
Trở lại với vấn đề đạo đức. Người có đạo đức sẽ kiểm soát bản năng tốt hơn, còn người không có đạo đức thì dễ bộc phát hành vi bạo lực.
Nguyên nhân thứ ba là áp lực cuộc sống quá lớn - áp lực về công việc, tiền bạc, gia đình... khiến con người dễ bộc lộ cảm xúc tiêu cực.
Nguyên nhân thứ tư dẫn đến hành vi đánh hội đồng là tâm lý đám đông. Họ có thể rủ rê, kích thích nhau thực hiện các hành vi sai trái. Ở thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, tâm lý đám đông càng dễ bị kích hoạt.
Cảm xúc lây lan, nóng giận tập thể... khiến người ta dễ bị cuốn theo các hành vi tiêu cực, tăng nguy cơ bạo lực nhóm.
Nguyên nhân thứ năm là thiếu kỹ năng sống, cụ thể là thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, quản lý cảm xúc... Việc thiếu nhóm kỹ năng này khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
- Vậy khi xảy ra mâu thuẫn hoặc gặp những va chạm nơi công cộng, nên hành xử ra sao để không bị cuốn vào các hành vi bạo lực thưa chuyên gia?
Đầu tiên, cần thay đổi nhận thức. Chúng ta muốn mình trở thành người thế nào? Muốn mình là người tốt, được người khác tôn trọng thì phải tôn trọng người khác. Từ đó, ta tự suy xét và đấu tranh với cái xấu của bản thân, luôn hướng đến điều tốt đẹp.
Thứ hai, cần nhận diện được thái độ của chính mình và người khác khi xảy ra xung đột. Ta cần biết mình có đang nóng nảy không, khi biết rồi thì dễ dừng lại, còn khi không biết thì dễ bị cơn giận kéo đi.
Có một kỹ thuật tôi luôn đề cao thực hành đó là hít thở sâu. “Khi ta quan sát hơi thở, cơn giận vơi đi một nửa” – đó là câu nói rất hay của một thiền sư nổi tiếng.
Thứ ba, chúng ta phải học kỹ năng giao tiếp. Trong cơn mâu thuẫn, ta rất khó để kiềm chế bản thân. Bởi vậy, chúng ta phải học kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày để khi mâu thuẫn xảy ra, ta chủ động giao tiếp, xử lý một cách khôn ngoan.
Tôi xin nhấn mạnh, việc học và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng chuyển hóa cảm xúc nóng giận... rất quan trọng. Và chúng ta phải học cách yêu thương để biết tôn trọng và bảo vệ bản thân cũng như mọi người.
- Xin cảm ơn chuyên gia!