LTS: Hiện nay, số lượng học sinh gặp vấn đề về tâm lý, trầm cảm, rối loạn tâm thần… ngày càng có xu hướng gia tăng. Để hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh tốt hơn, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định mỗi trường (từ cấp tiểu học đến THPT) đều có một vị trí việc làm về tư vấn tâm lý cho học sinh.
“Trẻ em hiện nay như nồi áp suất cần được xả van” - TS Phạm Thị Thuý, Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP.HCM nhấn mạnh.
Cô đơn trong chính nhà mình
Bà Thúy dẫn sự việc một học sinh (HS) lớp 8 vừa nói vừa khóc trong một diễn đàn được tổ chức tại Bình Dương mới đây. Em chia sẻ rất hiếm gặp ba mẹ vì khi em chưa dậy ba mẹ đã đi làm, khuya ba mẹ về em đã vào giấc. Bởi vậy, em hầu như không nhận được sự quan tâm, nếu có thì lại là những lời la mắng, cấm không được thế này, thế kia.
“Đây chính là biểu hiện của mất kết nối với gia đình thời gian dài khiến em ấy buồn và khóc nức nở trước đám đông. Đáng nói, đây không phải nỗi buồn nhất thời của con nhưng ba mẹ em không hề hay biết” – bà Thúy nêu.
Ths-BS Nguyễn Quốc Cường, khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) đang tư vấn tâm lý cho một trẻ tại bệnh viện. Ảnh: BVCCTheo Ths-BS Nguyễn Quốc Cường, khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), trong khoảng 20.000 lượt khám tâm lý hàng năm tại đây thì nhóm trẻ dưới 6 tuổi và độ tuổi tiểu học chiếm hơn 70%. Tỉ lệ trẻ ở nhóm tuổi lớn hơn gặp các vấn đề về rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, stress… cũng được ghi nhận tăng dần qua các năm.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Một là cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi quá sức. Hai là trẻ tự tạo áp lực lên bản thân khi muốn là người vượt trội, không thua bạn kém bè. Ba là những mâu thuẫn ngấm ngầm, dồn nén với thầy cô khi bị trách phạt, đối xử thiếu công bằng, bị bè bạn tẩy chay… làm trẻ khủng hoảng” – BS Cường nói.
Cũng theo BS Cường, khi đến khám tại bệnh viện, đa số trẻ đã xuất hiện dấu hiệu báo động, cần được hỗ trợ, tư vấn tâm lý. Một số trẻ ở mức độ nặng, buộc phải điều trị tâm lý kết hợp với thuốc tâm thần.
“Không ít cha mẹ đã sai lầm khi cho rằng các vấn đề tâm lý trẻ gặp phải chỉ là chuyện nhỏ, không đáng lo ngại. Có người còn nói bệnh tâm lý – tâm thần phải là khi trẻ có tình trạng rối loạn nào đó nặng nề, rõ rệt. Vì vậy, trẻ khi được đưa đến bệnh viện thì đa số đã trong tình trạng đáng báo động” – BS Cường thông tin thêm.
Học sinh gặp vấn đề tâm lý tăng sau COVID-19
Tại các trường học ở TP.HCM, tình trạng học sinh gặp vấn đề về tâm lý khá nhiều, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 đến nay.
Lãnh đạo một trường THPT tại quận trung tâm TP bày tỏ lo lắng do từ sau dịch COVID-19, học sinh của trường gặp vấn đề tâm lý ngày càng tăng. Trong đó, một vài em bị hoang tưởng, thậm chí có em từng nuôi ý định tự tử, nhảy lầu. Có em suýt gây hại cho bạn, may mà trường phát hiện kịp và làm việc với gia đình để đưa em đi hỗ trợ tâm lý.
Sau dịch COVID-19, chỉ tính riêng số lượng bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám do các rối loạn tâm lý chung cũng như các vấn đề tâm lý liên quan đến áp lực học tập tăng từ 10-20% so với trước đó.
“Học sinh gặp vấn đề về tâm lý rất cần sự hỗ trợ kịp thời của chuyên gia tâm lý, tiếc là trường không có bộ phận này. Giáo viên chủ nhiệm, bộ môn thì công việc chuyên môn đã chiếm hầu hết thời gian…” - vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, thừa nhận học sinh ngày nay gặp nhiều áp lực trong cuộc sống và học tập. Các em rất cần được người khác lắng nghe, chia sẻ và cho lời khuyên, tư vấn tâm lý để vượt qua khó khăn.
“Các trường cần thiết phải có chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp để tham mưu cho Ban giám hiệu về chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh. Tuy nhiên, cái khó là không phải trường nào cũng xây dựng được phòng tư vấn tâm lý cũng như có chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp” – ông Khoa nhấn mạnh.
Bà Đỗ Thị Việt Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), cũng nhận xét học sinh gặp vấn đề về tâm lý ngày càng nhiều.
“Tại diễn đàn đối thoại giữa BS và ban giám hiệu trường đầu năm nay, có một HS muốn phát biểu nhưng cách diễn đạt rất có vấn đề. Làm việc với phụ huynh tôi được biết em bị rối loạn tâm lý. Một em khác xung phong ý kiến song lại không biết bày tỏ cảm xúc thế nào” – bà Phương dẫn chứng.
Lãnh đạo trường sau đó đã họp và quyết định thành lập ngay tổ tư vấn tâm lý gồm năm người để hỗ trợ học sinh vào tháng 11-2023. Đến tháng 1-2024, tổ đã hỗ trợ được 43 học sinh gặp các vấn đề tâm lý. Theo bà Phương, con số này không phải nhỏ.
Một số dấu hiệu nhận diện trẻ có vấn đề tâm lý
Có những thay đổi bất thường về tâm trạng, cảm xúc: trầm buồn, giảm các hứng thú hoặc hưng phấn quá mức, dễ cáu gắt…
Xuất hiện thay đổi bất thường trong hành vi: tăng động, dễ kích động, chống đối hoặc thu rút bản thân, tránh né…
Thay đổi bất thường về sinh hoạt và học tập: rối loạn ăn uống, cân nặng, giấc ngủ, giảm khả năng tập trung, chú ý…
Ths-BS NGUYỄN QUỐC CƯỜNG - khoa Tâm lý (BV Nhi đồng 2, TP.HCM)
Nguồn: https://plo.vn/tu-van-tam-ly-cho-hoc-sinh-tre-noi-loan-do-mat-ket-noi-post790214.html