Quan trọng là tâm mình
Sau cơn mưa nặng hạt vào chiều 1.9, chúng tôi có mặt tại một ngôi chùa ở Q.10, TP.HCM. Cũng tại đây nhiều người trẻ đi cùng với gia đình mình để cầu an, cầu phúc cho người thương yêu vào dịp lễ Vu Lan.
“Vào những ngày rằm hay mùng 1 thì mình thường chọn vài ngôi chùa bất kỳ theo sở thích để đến cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Với mình đi chùa để lòng mình lắng đọng, bỏ hết những sân si...”, chị Thư nói.
|
Cũng có mặt tại ngôi chùa này, anh Lê Khánh An, 27 tuổi, đang ở trọ tại hẻm 45 Lý Thường Kiệt, Q.11, TP.HCM, cho biết trong mùa dịch Covid-19 chỉ đi những ngôi chùa có đảm bảo công tác phòng dịch và hạn chế tụ tập đông người. Với anh Khánh An, đi chùa trong dịp lễ Vu lan là nhắc nhở con cháu nhớ đến công sinh thành của cha mẹ, ông bà.
“Theo mình, việc hiếu thảo có nhiều cách thể hiện, trong đó cầu bình an đến gia đình, ba mẹ từ tâm của mình cũng thể hiện sự hiếu thảo rồi”, anh Khánh An chia sẻ.
Hành động, lòng thành chính là cốt lõi
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc Gia, cho biết ngày lễ Vu lan báo hiếu xuất phát từ Phật giáo. Chữ Hiếu luôn được xem là một giá trị đạo đức quan trọng nhất của người Việt Nam. Lễ Vu lan ngày càng được mọi người quan tâm.
Trong thời đại ngày nay, lễ Vu lan không chỉ là dịp để mọi người báo hiếu, biết ơn những người đã sinh thành ra mình, mà còn mở rộng hơn là biết ơn tổ tiên ông bà, những người giúp đỡ, tạo nên cuộc sống cho mình…
Cô Phạm Thị Thúy nói: “Việc đến chùa hay không tùy vào tín ngưỡng của mỗi người, với những người theo đạo Phật thì chùa là nơi sinh hoạt tâm linh, là nơi hướng thiện. Đến để được nghe các bậc sư tăng nói về giáo lý của Phật, ôn lại những giá trị cao đẹp của lễ Vu lan, chữ hiếu… chính vì lẽ đó đi chùa ngày lễ Vu lan đã trở thành truyền thống của họ, người ta cảm thấy đến đây được an ủi sẻ chia, đặc biệt là những người không may mất cha, mẹ thì càng cần đến. Với những người may mắn còn cha, mẹ thì vẫn đi chùa để họ trân trọng hơn những hạnh phúc mà mình đang có”.
Vị Tiến sĩ xã hội học này còn nhấn mạnh: “Hành động, lòng thành chính là cốt lõi quan trọng cuối cùng. Dù có đi chùa hay không, nhưng ở nhà có hành vi, cách cư xử trái với việc đặt chữ hiếu lên hàng đầu thì đi chùa ngày lễ Vu lan sẻ không còn giá trị. Cho nên đi chùa ngày lễ Vu lan là một động lực, cơ hội để cho ta hiểu sâu hơn về chữ hiếu, đồng thời nhắc nhở bản thân dù làm những việc tốt nhỏ bé thường nhật, nhưng mỗi ngày mình không quên thì ngày nào cũng là ngày Vu lan, báo hiếu”.