Nghệ sĩ làm thiện nguyện trong bão lũ chính là thể hiện trách nhiệm xã hội và cái tâm của họ, nhưng với nhiều trường hợp, việc đứng ra quyên góp vật lực từ đám đông không thể thực hiện một cách tự phát.
Nghệ sĩ từng vướng lùm xùm từ thiện
Đợt bão lũ năm 2020, nhiều nghệ sĩ như Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh… vướng lùm xùm khi bị tố ăn chặn tiền từ thiện khiến hình ảnh của họ bị ảnh hưởng rất nhiều, sau đó là sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các nghệ sĩ phải tung sao kê lên trang cá nhân để minh oan.
Mới đây, khi đang thực hiện chuyến cứu trợ đến đồng bào các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, ca sĩ Thái Thùy Linh cũng bị một tài khoản trên mạng xã hội tấn công với những lời lẽ bôi nhọ, vu khống, không tin tưởng vào những gì nữ ca sĩ đang làm để cứu trợ đồng bào vùng bão lũ. Thái Thùy Linh đã bức xúc phản ứng công khai trên trang cá nhân, yêu cầu người này xin lỗi.
NSND Trịnh Kim Chi và diễn viên Lý Hùng, Lý Hương tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM ngày 16.9 trao số tiền đóng góp của các văn nghệ sĩ, nhà hảo tâm gửi đến đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
Ảnh: FB Trịnh Kim Chi
Chia sẻ về chuyện này, Thái Thùy Linh cho biết: "Mấy ngày nay tôi bị tấn công, vu khống, thêu dệt những chuyện sai sự thật, người ta tìm mọi cách tấn công để làm tổn thương mà tôi không hiểu vì sao như vậy. Khi hết dịch Covid-19, tôi từng xin phép dừng các hoạt động thiện nguyện nên tài khoản thiện nguyện "Người Việt thương nhau" của tôi nằm yên từ năm 2022. Giờ đây khi chứng kiến đồng bào mình gặp thiên tai đau thương, tôi không nghĩ mình sẽ bị phiền toái, thị phi gì cả nên cứ làm những việc cần làm thôi".
Có thể thấy các nghệ sĩ từng vướng lùm xùm từ thiện là do họ tự đứng ra kêu gọi, quyên góp vào tài khoản cá nhân và nghệ sĩ sau đó thực hiện cứu trợ tự phát, không nắm rõ về quy định, tài chính - kế toán, không chủ động công khai các khoản thu chi minh bạch.
"Từ xưa đến giờ tôi không kêu gọi, mà có bao nhiêu làm bấy nhiêu và cũng chỉ vận động người thân trong gia đình. Với đợt bão lũ này, tôi chọn đến Ủy ban MTTQ VN tại TP.HCM để gửi 200 triệu đồng ủng hộ người dân", nghệ sĩ Lý Hùng chia sẻ.
Lan tỏa giá trị đẹp cần đúng cách
Sau những vụ nghệ sĩ vướng thị phi khi kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, một số nghệ sĩ tiếp tục tham gia hoạt động thiện nguyện cá nhân, theo nhóm, chọn cách công khai số tiền thu chi minh bạch, rõ ràng trên trang cá nhân và sử dụng công cụ hỗ trợ.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, tiếp nhận biểu trưng số tiền 190 triệu đồng do diễn viên Huy Khánh (giữa) và MC Lý Chánh, đại diện RuNam Star United - Saigon Warriors và những người bạn ủng hộ tại buổi quyên góp hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, tại tòa soạn báo chiều 16.9.2024
Ảnh: Nhật Thịnh
"Phải minh bạch số tiền thu vào là bao nhiêu, nhận từ ai và mình đã chi ra bao nhiêu tiền cho các việc gì, mua cái này hết bao nhiêu và sau khi mua những mặt hàng cứu trợ thì những thứ đó đã đi về đâu. Phải đủ 3 bước thì mới minh bạch. Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã xây dựng app minh bạch thiện nguyện, tài khoản chỉ 4 chữ số thôi. Tài khoản này sẽ cấp cho một tổ chức, cá nhân và nó công khai hoàn toàn phần thu chi. Cứ cài app vào thì bất cứ người nào, không cần mật khẩu cũng có thể xem được các khoản thu và chi. Giờ còn thiếu tính năng là tải lên các hóa đơn mua hàng và chi tiết hàng đi về đâu thì app minh bạch thiện nguyện này sẽ là trợ thủ đắc lực cho các hoạt động thiện nguyện", ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ.
Theo thạc sĩ luật Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố… phải đảm bảo công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 1 đến 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện.
Để tránh thị phi và áp lực cho nghệ sĩ khi tham gia hoạt động từ thiện, theo các chuyên gia, nghệ sĩ nên kêu gọi đóng góp vào các tổ chức như Ủy ban MTTQ VN, Hội Chữ thập đỏ VN, các cơ quan báo chí có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thiện nguyện; và bản thân nghệ sĩ cũng có thể tham gia trực tiếp vào đoàn cứu trợ của các tổ chức này.
"Gần đây đã có những quy định rõ ràng hơn, giúp các nghệ sĩ có cách làm minh bạch hơn. Xét về khách quan, các cá nhân, nghệ sĩ nên tìm hiểu và thực hiện đúng quy định của Nhà nước, pháp luật liên quan đến công tác thiện nguyện, cùng với các cơ quan chức năng kết nối các đầu mối thu chi các nguồn tài trợ. Thậm chí họ cũng có thể làm đại sứ thiện nguyện cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để dùng sức ảnh hưởng của nghệ sĩ lan tỏa đến công chúng", tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nói.
Theo luật sư Lê Trung Phát (Hãng luật Lê Trung Phát, TP.HCM): "Pháp luật không đặt vấn đề về việc những người đứng ra kêu gọi quyên góp phải đồng hành cùng với cá nhân, tổ chức nào để thực hiện việc hỗ trợ. Bởi đây là khả năng, lương tâm và trách nhiệm của họ. Họ có thể tự làm mà sẽ không phải lo sợ trách nhiệm pháp lý nếu làm đúng lương tâm, trách nhiệm và đặc biệt là không trục lợi cho bản thân. Nếu số tiền ủng hộ mà họ nhận được quá lớn, hoặc trong quá trình triển khai việc cứu trợ gặp khó khăn trong xác định đối tượng cần hỗ trợ, phương tiện đi lại, nhân lực, thì họ có thể kết hợp cùng các cơ quan, tổ chức… để triển khai việc cứu trợ được kịp thời, hiệu quả nhất".
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, cho biết gần đây thay vì kêu gọi quyên góp vào tài khoản cá nhân, nhiều nghệ sĩ chọn trực tiếp ủng hộ hàng hóa, kinh phí và vận động dư luận ủng hộ vào các tổ chức, đơn vị xã hội uy tín như Ủy ban MTTQ VN, Hội Chữ thập đỏ các cấp, các cơ quan báo chí... mà họ tin tưởng, tín nhiệm để hỗ trợ đồng bào các tỉnh thành miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
"Tôi cho rằng đây là cách làm cần được phát huy trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp văn nghệ sĩ khắc phục được những vấn đề có liên quan đến công tác tổ chức cứu trợ và không bị ảnh hưởng sau cứu trợ. Khi gửi vào các tổ chức trên, nghệ sĩ có thể đề xuất dùng số tiền đó ủng hộ cho địa phương nào, hoạt động gì một cách cụ thể. Việc phối hợp thực hiện như vậy đúng với quy định của pháp luật, làm cho công tác cứu trợ của các tổ chức tại địa phương hoặc đơn vị tiếp nhận sẽ dễ dàng, thuận lợi và minh bạch hơn. Số tiền đóng góp khi phân phát cũng được công bằng, tránh được câu chuyện nơi thì thừa, còn nơi lại không có gì. Tôi tin với những điểm sáng đó, các văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức uy tín để thực hiện hoạt động thiện nguyện của mình", ông Trần Trường Sơn nói.
Lạc Xuân
Đạo diễn Việt Tú cùng những người bạn vừa tổ chức đêm nhạc Tiếng gọi yêu thương (tối 15.9, quỹ Hạt Vừng đại diện) gây quỹ giúp đỡ bà con bị thiệt hại vì bão lũ, với sự tham gia của các nghệ sĩ như Tùng Dương, Trung Quân, Mỹ Anh… Đạo diễn cho biết, dù có những "nghi vấn" trước đây nhưng các nghệ sĩ không e ngại việc kêu gọi từ thiện và vẫn đang làm thiện nguyện cùng toàn xã hội. "Về sự nghi vấn, tôi nghĩ là điểm tích cực để tăng cường giám sát xã hội trong công tác từ thiện, không chỉ riêng với giới nghệ sĩ mà bất kỳ đối tượng nào để đảm bảo tấm lòng của các nhà hảo tâm đến được đúng và đủ với bà con hoạn nạn", đạo diễn Việt Tú chia sẻ. Đạo diễn Việt Tú cho rằng, nhìn từ bên ngoài, chúng ta chỉ thấy kết quả cuối cùng là tấm lòng, tình yêu thương và sự lan tỏa. Tuy nhiên, để điều đó được trọn vẹn, đó là một hành trình đòi hỏi kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, sự kết nối hệ thống, các quy trình vận hành.
Trinh Nguyễn