Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0” Featured

(NLĐO)- Nhà báo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhận xét tọa đàm ghi nhận nhiều giá trị. Đây là những chất liệu để Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức những hoạt động chung tay với xã hội giữ gìn hạnh phúc, giá trị của gia đình.

 

08:12 - 04/07/2024

Tọa đàm vinh dự đón tiếp nhiều đại biểu

Tham dự tọa đàm có GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, đại biểu Quốc hội khóa XV; ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM; ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí xuất, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Dự tọa đàm còn có các chuyên gia đến từ các trường đại học: TS Phạm Thị Thuý, giảng viên chính, Phó Khoa Quản lý Kinh tế - xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP HCM; TS Võ Văn Nam, chuyên gia tư vấn, tham vấn, chăm sóc tinh thần, nguyên Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM; Ths Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM.

Đặc biệt là sự hiện diện của các gia đình văn hóa - hạnh phúc trên địa bàn thành phố: gia đình bà Trần Thị Thu Hà (phường 11, quận 3), nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; gia đình ông Nguyễn Lê Hoàng Vũ (phường 7, quận Tân Bình), nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Về phía các đơn vị đồng hành có ông Vũ Hồng Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn CT Group; bà Hà Mai Anh, Giám đốc truyền thông Vietjet.

Về phía Báo Người Lao Động có nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

 

08:57 - 04/07/2024

Vai trò quan trọng của gia đình

Mở đầu tọa đàm, nhà báo – TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: "Gia đình đóng vai trò như thế nào?" đến các đại biểu tham dự.

TS Phạm Thị Thúy khẳng định ngay: "Gia đình là điểm tựa vững chắc nhất đối với tôi, không có gia đình, tôi không thể làm gì được".

Trong khi đó, anh Nguyễn Lê Hoàng Vũ chia sẻ: "Trong gia đình nhỏ, vợ là người thân duy nhất của tôi ở TP HCM, là điểm tựa vững chắc nhất của tôi, giúp tôi yên tâm làm việc, cống hiến. Gia đình là nơi tôi muốn về nhất sau một ngày làm việc mệt nhọc".

Tiếp lời chia sẻ của các đại biểu, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết tọa đàm được đón tiếp một nhân vật rất đặc biệt.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân

"Anh sinh ra trong một gia đình rất đặc biệt, có bố là giáo sư Nguyễn Thiện Thành. Đó là anh Nguyễn Thiện Nhân. Khi còn rất trẻ, anh đã đi du học ở nước ngoài. Quá trình học tập và nỗ lực của anh là một trong những tấm gương để lớp trẻ chúng ta noi theo"- TS Tô Đình Tuân bày tỏ.

 

09:06 - 04/07/2024

Câu "Gia đình là tế bào xã hội" nên trở lại Hiến pháp

Tiếp lời gợi mở từ Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, đại biểu Quốc hội khóa XV, đã chia sẻ về tình cảm của ông đối với gia đình mình. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết tuổi thơ của ông không được gần gũi với gia đình. Bởi ba mẹ ông phải đi chống Mỹ, ông được bộ đội nuôi nhưng đó lại là động lực để ông cố gắng, phấn đấu. Đến năm 1983, ông mới được quay về sống cùng với ba mẹ. Càng lớn ông càng hiểu sự hy sinh của ba mẹ. Hình ảnh người mẹ là hình ảnh thiêng thiêng nhất đối với ông.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Mở rộng vấn đề, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của đất nước. Ông phân tích, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đất nước ra dựa trên cấu kết làng xã. Trong làng xã thì gia đình là gốc.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Hiến pháp năm 1980, điều 64 có ghi Gia đình là tế bào của xã hội. Tuy nhiên, sau đó câu này đã không còn trong Hiến pháp. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất đưa câu này trở lại Hiến pháp của Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước. 

 

09:22 - 04/07/2024

Điểm tựa không gì thay thế

Sau lời chia sẻ của GS Nguyễn Thiện Nhân, một lần nữa Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định gia đình là điểm tựa đặc biệt, không có gì thay thế được.

"Gia đình là điểm tựa không gì thay thế được trong hành trình sinh ra, lớn lên và đi đến tương lai. Gia đình là tài sản vô giá, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi thành công cũng như thất bại... nơi trở về đều là gia đình"- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đúc kết.

Theo ông Tô Đình Tuân, đây chính là lý do mà Báo Người Lao Động quyết định tổ chức tọa đàm này với một mong muốn rất tha thiết góp một chút gì đó cho sự nghiệp chung giữ gìn truyền thống gia đình.

"Giờ chúng ta nói về phát triển kinh tế, xã hội. Đây là những điều rất cần nhưng tất cả những cái đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không còn gia đình" - ông nhấn mạnh.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Ông Tô Đình Tuân khẳng định gia đình là điểm tựa đặc biệt, không gì có thể thay thế

Theo Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, thời đại bây giờ là 4.0 nhưng sắp tới có thể là 5.0, 6.0, 7.0, 8.0. Biến động là quy luật, không thể dừng lại được. Trong biến động đó làm sao giữ được gia đình bình yên là điều rất khó.

"Trước hết là sự biến động trong gia đình, nếu trước đây đi làm về gặp con, gặp vợ thường xuyên nhưng bây giờ gặp con rất khó. Mạng xã hội đang làm thay đổi nền nếp gia đình, thay đổi con cái của mình.

Biến động thứ hai rất lớn là biến động trong tổng thể gia đình, trong  xã hội. Đó là việc hành xử với nhau, nếu không khéo một ngày nào đó gia đình sẽ biến mất giống như GS Nguyễn Thiện Nhân qua nghiên cứu đã cảnh báo.

Cảnh báo này đối với nhiều người như khoa học viễn tưởng, nhưng cá nhân tôi cảm nhận rất rõ. Một ngàn năm đối với đời người là rất dài nhưng đối với lịch sử, vũ trụ là một cái chớp mắt"- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ.

 

09:32 - 04/07/2024

6 điều quan trọng

Chia sẻ về nội dung gia đình là nơi trải nghiệm yêu thương, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, TS Võ Văn Nam lưu ý có 6 điểm đáng chú ý. Trong đó, gia đình là cái nôi mỗi cá nhân sinh ra, nuôi dưỡng, được dạy đỗ để trưởng thành trong suốt cuộc đời. Ảnh hưởng gia đình sẽ ảnh hưởng sâu nặng trong mỗi con người. 

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

TS Võ Văn Nam

"Mỗi cá nhân từ nhỏ đã nghe những tiếng lời ru của mẹ, để khi vào đời gặp những áp lực cuộc sống, lúc đó tiếng ru của mẹ thuở nào lại hiện lên. Ngay từ tấm bé, qua lời ru mẹ đã gửi gắm thông điệp trong cuộc sống, đó là chất liệu để chúng ta trưởng thành hơn. Trong suốt thời thơ ấu đó là sự nuông dưỡng về mặt thể chất, tình cảm để con người lớn lên, trưởng thành. Mỗi chúng ta có dấu ấn gia đình, gia đình không những là cái nôi mà còn chắp cánh cho chúng ta trưởng thành

Thứ hai, gia đình là chốn đi về hàng ngày và có thể kéo dài suốt cuộc đời. Xét về tâm lý giáo dục, nơi nào tác động con người lâu dài thì sẽ tác động, tạo dấu ấn sâu nặng. Để rồi những lúc gặp những áp lực cuộc sống, chúng ta mong trở về gia đình. Gia đình là nơi an ủi, vỗ về để chúng ta thấy nhẹ lòng. Trong giáo dục Việt Nam cũng đặt rõ gia đình – nhà trường – xã hội là ba nền tảng để hình thành một con người tốt, có ích cho xã hội.

Thứ ba, gia đình là nơi được yêu thương vô điều kiện, vô bờ bến và là nơi thể hiện tình yêu thương với những người còn lại. Bữa cơm mẹ nấu là bữa cơm ăn ngon lành nhất bởi nó không có điều kiện.

Đồng thời gia đình cũng là nơi thể hiện tình yêu thương vộ điều kiện, là nơi hun đúc tình cảm để mỗi khi vào đời cá nhân có thể thể hiện tình yêu thương, sự bảo vệ với người khác, cộng đồng, từ đó đến yêu đồng bào, yêu nước.

Thứ tư, gia đình là nơi mỗi thành viên tự bộc lộ, thể hiện mình một cách tự nhiên, thoải mái, tự do. Nếu ra đường chúng ta hoá trang, đeo mặt nạ để mọi người tránh đánh giá thì khi về nhà mọi sự hoá trang, đối phó đó ta không cần nữa. Đây là nơi chúng ta được tự nhiên, nhờ đó cha mẹ thấy được mặt tích cực, tiêu cực của con cái để uốn nắn, khuyên ngăn, dạy bảo trước khi quá muộn.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 2.

Thứ năm, gia đình là viên gạch để xây dựng nền tảng nhân cách mỗi cá nhân. Hoàn cảnh gia đình sẽ ghi dấu ấn mà dù muốn hay không thì chúng ta vẫn mang nó ở cả mặt tích cực và tiêu cực, nơi chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Cuối cùng, gia đình là trường học đầu đời của mỗi con người. Ở đó cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy dỗ từng thành viên là con cái của mình. Những lời dạy của cha mẹ xuất phát từ trái tim chân thành, chính bài học đó đã nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, để thật sự trưởng thành trong xã hội. Như Chủ tịch nước Tô Lâm từng nói mới đây rằng gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, thành trì quan trọng nhất của mỗi người. Gia đình luôn gắn liền với cộng đồng, khu phố, làng xã, là nền tảng vững chắc phát huy sức mạnh, sự trường tồn của dân tộc"  - TS Võ Văn Nam nói.

 

09:44 - 04/07/2024

Bí quyết để duy trì gắn kết gia đình

Bà Trần Thị Thu Hà (gia đình Văn hóa - Hạnh phúc tiêu biểu cấp TP HCM) khẳng định Gia đình là điểm tựa và cũng là nơi hình thành nhân cách của mỗi cá nhân.

Bà Hà kể cha mẹ mất sớm nhưng may mắn của bà là có điểm tựa vững chắc từ gia đình chồng, nhất là mẹ chồng và chồng. Mẹ chồng bà Hà có nhiều con nhưng vẫn dành nhiều tình cảm cho con dâu. Mẹ chồng vẫn thương yêu bà Hà như con gái. Bà Hà cũng học được cách yêu thương con dâu từ mẹ chồng. Từ đó, bà Hà yêu thương con dâu, con rể của bà như yêu thương con ruột của mình.

Bà Hà tâm sự mọi sự tiến bộ trong sự nghiệp của bà đều có sự ảnh hưởng tích cực từ gia đình, nhất là người chồng.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Bà Trần Thị Thu Hà

Bà Hà và chồng quyết tâm xây dựng gia đình nền nếp, chăm lo, nuôi dạy con cháu học hành thành tài. Đến nay, con cái của bà Hà đều có công việc ổn định, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện đại, bà Hà băn khoăn thực tế mỗi người đều phải sử dụng các thiết bị công nghệ để phục vụ cho công việc, đời sống. Từ đó làm gián đoạn đi sự gắn kết trong gia đình. 

Gia đình bà Hà đặt ra quy định mỗi tháng gia đình sẽ tổ chức một bữa ăn gia đình với đầy đủ các thành viên. Mỗi năm gia đình bà Hà sẽ có một chuyến du lịch chung. Mùng 1 Tết các con cháu phải tập trung về gia đình để chúc tết ông bà. Đó chính là cách để gia đình bà Hà duy trì sự gắn kết của gia đình.

Bà Hà cũng nhấn mạnh rất cần những bữa cơm gia đình. Cha mẹ tốt thì sẽ nuôi dạy con cái tốt.

 

09:48 - 04/07/2024

"Bếp nhà phải luôn cháy"

Chia sẻ câu chuyện gia đình mình, anh Nguyễn Lê Hoàng Vũ gửi lời cảm ơn đến cha mẹ rất nhiều. 

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Lê Hoàng Vũ

Ba anh thường xuyên đi công tác xa nên mẹ là người dạy dỗ, đồng hành với anh mỗi ngày. Nhân cách, tinh thần học hỏi của mẹ ảnh hưởng rất lớn đối với anh Vũ.

Anh kể trước ba mẹ yêu cầu làm gì thì làm vẫn phải về ăn cơm với gia đình. Lúc còn nhỏ, anh Vũ thấy yêu cầu này rất khó chịu và ràng buộc, nhưng khi lớn lên đây là điều cực kỳ quan trọng.

Nói về gia đình nhỏ, anh Vũ cho biết hai vợ chồng thường xuyên tâm sự với nhau vào cuối ngày.

"Ba mẹ luôn dặn cái bếp nhà phải luôn cháy để duy trì tình cảm gia đình, để gia đình luôn gắn kết"- anh Vũ kể và cho biết chính vì thế, mỗi ngày vợ chồng anh Vũ đều cùng nhau nấu bữa cơm gia đình.

 

09:49 - 04/07/2024

"Gia đình tốt thì xã hội mới tốt"

Là tổ chức chính trị - xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, chia sẻ bản thân có gia đình nhỏ giống mọi người trong xã hội. Với vai trò được phân công tại Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, bà Linh rất vui, nhận thức sâu sắc hơn vai trò của gia đình để thực hiện những công việc tổ chức giao cho mình một cách tốt nhất.

"Như nhà yêu nước Phan Bộ Châu từng khẳng định nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ,  gia đình cũng có đầy đủ vấn đề, như một thể chế xã hội đặc biệt, đồng thời cũng là một đơn vị mang tính kinh tế, xã hội. Dưới góc độ tâm đắc câu nói đó cùng những hoạt động xây dựng gia đình mang tính toàn diện, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM nghiên cứu và thấm nhầm lời dạy của Bác Hồ từng dạy gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Gia đình tốt thì lan toả ra toàn xã hội, từ đời cha ông đến nay cũng đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này. 

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Vai trò của gia đình như một tế bào nuôi cơ thể phát triển, gia đình phát triển tốt, mạnh khoẻ thì xã hội mới mạnh khoẻ, tốt đẹp được. Chúng ta chăm chút gia đình từ những góc nhỏ nhất để đóng góp cho sự phát triển của xã hội" - bà Nguyễn Thị Ngọc Linh nói.

 

10:06 - 04/07/2024

"Gia đình hạnh phúc, quốc gia mới thịnh vượng"

TS Phạm Thị Thuý, giảng viên chính, Phó Khoa Quản lý Kinh tế - xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP HCM nhìn nhận xã hội biến đổi quá nhanh, quá mạnh, thậm chí là ngoài sự dự đoán của nhiều người.

Gia đình là tế bào, hạt nhân của xã hội nên sẽ chịu sự ảnh hưởng của xã hội. Xã hội càng biến động thì gia đình cũng biến động.

"Mong ước của chúng ta là làm sao trước biến động của xã hội như vậy vẫn giữa được gia đình bình yên, hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc, quốc gia mới thịnh vượng... Đây là câu nói mà tôi rất thích.

Nghị quyết 13 của Đảng, Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về công tác gia đình rất đề cao vai trò gia đình. Tôi có niềm tin dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vấn đề gia đình sẽ luôn được quan tâm.

GS Nguyễn Thiện Nhân có đề nghị đưa câu "gia đình là tế bào của xã hội" vào Hiến pháp. Đối với đề nghị này, tôi rất ủng hộ. Mong Báo Người Lao Động là kênh thông tin quyết liệt cho vấn đề này.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Tôi may mắn khi được làm công tác tham vấn tình yêu, gia đình từ năm 1999, nên được lắng nghe rất nhiều câu chuyện gia đình.

Từ đó, tôi nhận ra có 3 thách thức, biến động lớn mà các gia đình gia đình trong thời hiện đại đang gặp phải.

Một là biến đổi quy mô gia đình. Gia đình đơn thân ngày càng xuất hiện nhiều, tỉ lệ ly hôn đang gia tăng,  giới trẻ kết hôn ngày càng muộn, thậm chí không kết hôn. Đây là một xu hướng làm quy mô gia đình ngày càng nhỏ hơn. Chính những điều này làm cho gia đình ngày càng lung lay.

Thứ hai là biến đổi chức năng gia đình, có hai chức năng biến đổi rất kinh khủng. Đó là biến đổi chức năng tái sản xuất con người, sinh ít, sinh muộn, có khi là không sinh con. Do đó, tôi rất mong Luật Dân số được thông qua.

Biến đổi nữa là không chú trọng con trai.  Có tính cực, bình đẳng giới ở đây.

Thứ ba là biến đối trong dạy con cái. Mối quan hệ cha mẹ và con cái trở nên dân chủ hơn, con cái được lắng nghe nhiều hơn nhưng con cái trở nên khó dạy hơn. Giờ ăn bữa cơm với con cái rất khó" - TS Phạm Thị Thúy nói.

 

10:08 - 04/07/2024

Cần tôn trọng sự khác biệt

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, đôi khi chúng ta cảm thấy cô đơn trong gia đình. Dù bị chi phối bởi nhiều yếu tố nhưng nhu cầu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, có thể phương thức để gắn kết, kết nối giữa các thành viên sẽ khác nhau.

Vị chuyên gia cho rằng nên tôn trọng sự khác biệt lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình cần có những buổi nói chuyện thẳng thắn, chân thành dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Từ đó sẽ hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau, gắn kết với nhau hơn.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui

Một phương pháp khác thiết lập các thứ tự ưu tiên cho gia đình. Mỗi cá nhân trong gia đình phải tự cân bằng được bản thân. Ưu tiên về thời gian, nguồn lực, tài chính… để dành cho gia đình. 

"Thực tế hiện nay, giới trẻ càng ngày càng thiếu sự ưu tiên cho gia đình. Do đó, người trẻ cần chủ động dành thời gian cho gia đình, cho cha mẹ. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần chủ động đến với người trẻ. Người trẻ có thể hiểu biết nhiều nhưng lại rất cần sự am hiểu sâu sắc của người lớn" - Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui phân tích.

"Hãy dành sự yêu thuơng, chủ động, tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một gia đình an toàn, hạnh phúc" - vẫn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui.

 

10:11 - 04/07/2024

Làm cha mẹ cũng cần học

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho hay rất tâm đắc với nhiều ý kiến. Ông nói điện thoại, Internet giúp tăng năng suất, giảm thời gian làm việc, vậy hãy dùng nhiều thời gian cho gia đình  

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên có thêm những tọa đàm. Cụ thể như tọa đàm những người có gia đình rồi làm thế nào để vừa đảm bảo công việc, vừa dành thời gian cho nhau; tọa đàm về giới trẻ ngày nay với gia đình như thế nào.

"Học nghề để kiếm được tiền, nhưng không có môn học để biết cách làm mẹ, làm cha hạnh phúc là thiếu. Hơn 10 năm nay, có một môn mới là môn hạnh phúc học, nên đưa môn học này vào trường học, bởi lúc kết hôn mà mới biết thì đã muộn. Biết cách giải quyết vấn đề trước lúc lập gia đình thì mới tốt.

Chúng ta muốn làm gì cũng phải học, kể cả làm cha mẹ. Cần học khoá học giải quyết xung đột gia đình. Những cuộc tọa đàm gìn giữ gia đình của hai thế hệ rất hay, để mọi người ở trong tâm thế sẵn sàng. Hãy sử dụng công nghệ mới để tiết kiệm thời gian, dành thời gian cho những việc hướng tới gia đình" - " - GS-TS Nguyễn Thiện Nhân nói.

 

10:16 - 04/07/2024

Gia đình 3 thế hệ "hòa bình" nhờ xây dựng nguyên tắc

Nhà báo Đan Hà cho biết gia đình chị là gia đình 3 thế hệ. Chị và các con cũng đặt ra những nguyên tắc. Những nguyên tắc này dựa trên sự tôn trọng sở thích lẫn nhau, sự riêng tư giữa các thành viên trong gia đình. 

Từ khi áp dụng các nguyên tắc đó, gia đình Nhà báo Đan Hà được "hòa bình". Dù là gia đình 3 thế hệ nhưng các thành viên trong gia đình lại gần gũi, gắn kết, trở thành những người bạn của nhau.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Nhà báo Đan Hà

 

10:17 - 04/07/2024

Đưa vào các trường môn khoa học hạnh phúc

TS Phạm Thị Thúy, giảng viên chính, Phó Khoa Quản lý Kinh tế - xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP HCM, mong môn khoa học hạnh phúc được đưa vào các trường cũng như lan tỏa trong các chương trình, đến từng nhóm đối tượng.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

TS Phạm Thị Thúy mong muốn vấn đề hạnh phúc được lồng ghép vào các chính sách công.

Nêu quan điểm giá trị hạnh phúc là cao nhất,  TS Thúy mong muốn vấn đề hạnh phúc được lồng ghép vào các chính sách công.

"Để đình hạnh phúc không có gì to tát cả nếu những điều chúng ta đang nói, đang thảo luận hôm nay được lan tỏa rộng rãi" - TS Thúy nói.

 

10:28 - 04/07/2024

Dành nhiều thời gian bên nhau

Để duy trì giao tiếp hàng ngày giúp các thành viên trong gia đình gắn kết tình cảm, hiểu biết và chia sẻ với nhau những khó khăn, niềm vui và những vấn đề trong cuộc sống. Theo TS Võ Văn Nam, có hai vấn đề chính.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Theo TS Võ Văn Nam phát biểu

Một là cố giữ gìn sự kết nối trực tiếp giữa cha - mẹ, cha mẹ - con cái thông qua những bữa ăn, những giây phút tâm sự với nhau. 

"Chúng ta thấy rõ rằng bữa ăn cùng nhau là dịp rất quý để các thành viên thông hiểu nhau, bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho nhau. Thực tế ở nhiều gia đình điện thoại thông minh đã thay thế bậc làm cha mẹ, con cái đối diện nguy cơ bị cô độc dù không cô đơn trong mái ấm của mình. Mà rời xa gia đình là rời xa đạo đức gia phong"- ông nói.

Thứ hai, giữ gìn thế cân bằng giữa công việc với cơ quan, nhà máy. Ít nhất mỗi ngày phải dành một tiếng là thật sự kết nối, để lắng nghe con cái... 

 

10:30 - 04/07/2024

Động viên để mỗi thành viên hoàn thành mục tiêu, ước mơ

Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, để cùng giúp nhau để hoàn thành mục tiêu, ước mơ thì người trong gia đình phải chia sẻ mục tiêu, ước mơ của mình cho thành viên còn lại. Cùng dành cho nhau những hành động, lời nói để cổ vũ, động viên, khích lệ nhau để hoàn thành những mục tiêu, ước mơ là điều rất nên làm.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui

Gia đình là nơi để mỗi người bộc lộ chân thật về nhân cách của bản thân. Tuy vậy, đôi khi có sự lạm dụng không khí thoải mái của gia đình để nói những lời nói làm ảnh hưởng, làm tụt đi sự khao khát, giảm đi động lực của các thành viên.

Do đó, các thành viên trong gia đình phải lắng nghe, động viên, cổ vũ lẫn nhau để mỗi người đều có thể thực hiện được ước mơ, hoài bão, mục tiêu của mình. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vui, hãy hành động bằng những việc làm vụ thể. Tất cả phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

 

10:46 - 04/07/2024

Nâng cao nhận thức

Để gia đình là điểm tựa vững chắc cho mọi cá nhân, qua đó góp phần làm cho xã hội ổn định, phát triển bền vững và hạnh phúc, vài trò của nhà nước rất quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM nhìn nhận chính sách, pháp luật về gia đình hiện nay đã được quy định rõ,

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM, cho rằng cần nâng cao nhận thức về vai trò gia đình

Tuy nhiên, trước sự biến động của gia đình, xã hội có nhiều vấn đề mới phát sinh nên chính sách, pháp luật về gia đình cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện. Điển hình như vấn đề già hóa dân số, cần được luật hóa, quản lý. Hay như sự thay đổi về cấu trúc, mô hình của gia đình thì điều chỉnh như thế nào là vấn đề phải nghiên cứu. Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM tự nhận thấy đây là nhiệm vụ của mình.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, song song đó, trước mắt vận dụng những chính sách, pháp luật hiện có để nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về vấn đề gia đình. Việc xây dựng gia đình là nhiệm vụ của toàn xã hội, chứ không chỉ của một, hai cơ quan, đơn vị nào.

"Cần có sự kết nối với cộng đồng trong vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM sẽ kêu gọi sự đồng hành của nhiều cơ quan, tổ chức để vấn đề này được thực hiện tốt hơn" - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM nhấn mạnh.

 

10:52 - 04/07/2024

Giải pháp gìn giữ giá trị gia đình

Phát biểu kết luận tọa đàm, Nhà báo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhận xét tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến hay, có giá trị. Đây là những chất liệu để Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức những hoạt động để có thể chung tay với xã hội giữ gìn hạnh phúc, giá trị của gia đình.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Từ thảo luận của các đại biểu, ông Tô Đình Tuân đúc kết có nhiều giải pháp để gìn giữ giá trị và hạnh phúc gia đình. Trong đó, các thành viên trong gia đình phải thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng nhau; cần hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong gia đình; tăng cường tính kết nối giữa các thành viên; chia sẻ, cảm thông, đồng hành với nhau...

Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục về giá trị của gia đình và hạnh phúc; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí... là những giải pháp quan trọng tiếp theo.

 

10:59 - 04/07/2024

Tri ân đơn vị đồng hành

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Nhà báo, TS Tô Đình Tuân tặng hoa tri ân và thư cảm ơn cho ông Vũ Hồng Quang, Phó Chủ tịch HĐQT CT Group; và bà Hà Mai Anh, Giám đốc Truyền thông Vietjet - 2 đơn vị đồng hành của tọa đàm

 

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng và phát triển con người; là điểm tựa tinh thần vững chắc để mỗi thành viên nhận được sự yêu thương, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0”- Ảnh 1.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, gia đình cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Mạng xã hội, internet và các thiết bị thông minh có thể khiến các thành viên trong gia đình dành ít thời gian cho nhau hơn, giảm đi sự kết nối, dẫn đến sự xa cách.

Chính vì lẽ đó, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0" nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của gia đình trong thời đại mới.

Tọa đàm có sự tham dự Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, đại biểu Quốc hội khóa XV; lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM; chuyên gia đến từ các trường đại học cùng điển hình gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" lần 2, năm 2023-2024 được Báo Người Lao Động phát động từ tháng 7-2023, dành cho mọi bạn viết chuyên, không chuyên trong và ngoài nước, với các thể loại phóng sự, ký sự, ký chân dung nhân vật, phỏng vấn.

Từ rất nhiều tác phẩm gửi về dự thi, Ban tổ chức đã chọn đăng những bài viết chất lượng phục vụ bạn đọc. 20 bài nổi bật nhất tiếp tục được xem xét chấm điểm chung khảo, chọn ra 8 bài viết để trao giải.

Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành Cuộc thi “Lòng tốt quanh ta”: Công ty CP Tập đoàn CT Group, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank).

 

Nguồn: https://nld.com.vn/bao-nguoi-lao-dong-to-chuc-toa-dam-diem-tua-gia-dinh-giua-nhung-bien-dong-cua-thoi-dai-40-196240703213508015.htm

Rate this item
(0 votes)
  • Last modified on Thứ sáu, 05 Tháng 7 2024 15:11
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.