Những ngày qua, tôi được nghe nhiều câu chuyện đau lòng từ công việc tham vấn online. Có trường hợp ông bà, cha mẹ đã 2 năm nay không gặp được con cháu do dịch bệnh; cháu nhớ ông bà, con nhớ cha mẹ chỉ có thể gọi điện thoại video, nhìn nhau qua màn hình nhỏ; khi ốm đau cũng giấu nhau, tự lo.
(Tieudung.vn) - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về hình thức học trực tuyến, tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy khẳng định, cùng với giáo viên, phụ huynh cũng phải có hình thức hỗ trợ để trẻ có thể hào hứng, cảm thấy thú vị với phương pháp học này.
Theo chị, cha mẹ cần chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức gì cho con trong bối cảnh giáo dục trực tuyến?
- Trước hết, phụ huynh cần thay đổi nhận thức là học trực tuyến giai đoạn này không phải là thay thế tạm như những mùa giãn cách trước mà sẽ là lâu dài, là giải pháp phải thực hiện ít nhất là hết học kỳ 1 năm nay. Đây là xu hướng tất yếu không phải chỉ năm học này mà có thể cho nhiều năm học tiếp theo nữa. Do đó, phụ huynh cần thay đổi tư duy cho rằng học trực tuyến là tạm thời nên con học thế nào thì học. Nhất là trong tình hình dịch bệnh, trẻ không thể đến trường được, học online là điều bất khả kháng, không muốn cũng buộc phải làm. Dạy học trực tuyến là nhu cầu cấp thiết hiện nay để ứng phó với tình hình dịch bệnh và sẽ là xu hướng tất yếu của giáo dục toàn thế giới trong tương lai, việc học của mỗi người sẽ song song vừa học trực tuyến vừa trực tiếp, học suốt đời, không chỉ trong mùa dịch.
Thứ hai, để giúp con học tốt, cha mẹ cần chuẩn bị cho con thiết bị công nghệ như máy tính, đường truyền mạng Internet phải ổn định. Điều này là khó với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà trường xã hội cần có giải pháp quan tâm, tìm cách hỗ trợ các con. Học trực tuyến mà học từ điện thoại, mạng chậm là không học tốt được, nhất là với các trẻ lớn phải làm bài tập nhiều. Việc này tuy khó nhưng chúng ta phải cố gắng khắc phục, tôi rất mong xã hội quan tâm, hiện một số nơi đã có chương trình tặng máy tính cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đây cũng là tín hiệu đáng mừng.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy
Thứ ba, cha mẹ cần theo sát kênh giao tiếp online với giáo viên và nhà trường. Các trường đều có kênh giao tiếp với phụ huynh, thường qua zalo hoặc facebook. Cha mẹ phải nắm được tất cả quy định, những sự thay đổi, hướng dẫn từ nhà trường, từ giáo viên từng môn học để kịp thời hỗ trợ con, vì nếu không theo sát những thông tin từ thầy cô sẽ khó đồng hành cùng các con. Chẳng hạn như nhà tôi có hai con đang học trực tuyến nên kênh giao tiếp với thầy, tôi đều theo dõi mỗi ngày, trao đổi với thầy để biết các con đang học cái gì, điểm thi ra sao để phối hợp với giáo viên nhắc nhở các con về giờ giấc học tập, về việc làm bài tập...
Với những trẻ học cấp 1, cấp 2 cần có sự nhắc nhở của phụ huynh như phải nhắc con đi ngủ sớm, gọi con dậy sớm, cho con ăn sáng, nhắc con nghỉ ngơi thư giãn giữa các tiết học và trong ngày tạo cơ hội cho trẻ tập thể dục, vui chơi cùng gia đình… giúp con cân bằng giữa chơi và học, đảm bảo con có sức khỏe tốt, luôn tỉnh táo, có năng lượng để học tốt. Nghỉ dịch thời gian dài nên nhiều con còn ngủ nướng, dậy muộn … vì vậy phụ huynh cần theo sát, hỗ trợ con hoàn thành việc học trực tuyến tốt. Mùa dịch ở nhà học online là cơ hội tốt cha mẹ rèn luyện nhiều thói quen tốt cho trẻ từ chuyện ăn ngủ sinh hoạt cho đến khả năng tự giác, tự học, rèn thói quen đọc sách…
Vậy thì với những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, cần giúp con thế nào, thưa chị?
- Với học trò lớp 1 năm nay, sẽ có rất nhiều khó khăn cho các con, giáo viên, phụ huynh. Việc học online của trẻ không thể thiếu sự đồng hành của phụ huynh. Phụ huynh cần tìm hiểu những phần mềm trực tuyến để cùng học với con. Giáo viên dạy từ xa nên không thể cầm tay chỉ dẫn các con được. Cha mẹ cần theo sát các hướng dẫn từ nhà trường, từ thầy cô. Ví dụ như có trường dạy bằng zoom thì phải xem cách thức tham gia thế nào, cách tương tác với thầy cô trước, trong và sau giờ học. Có thể một hai tuần đầu phụ huynh nên ngồi học cùng con, kèm con, giáo viên sẽ hướng dẫn cả học sinh và phụ huynh, phụ huynh sẽ ôn lại với con khi ở nhà. Nhưng lưu ý phụ huynh không được học thay con, cố gắng giúp con thời gian đầu về mặt kỹ thuật online, không can thiệp vào công việc dạy học của giáo viên, tuyệt đối tránh la mắng các con. Các con có thể chưa quen, chưa thích nghi cách học mới, cha mẹ nên động viên khích lệ, kiên nhẫn cùng các con có thời gian làm quen với cách học mới.
Chị có nhận thấy là học trực tuyến như năm nay còn quá mới mẻ và là thử thách không nhỏ với cả thầy cô và học trò?
- Có một tin vui là các trường tại TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện các khóa tập huấn cho giáo viên cách dạy học trực tuyến. Tuần qua, tôi có tập huấn cách dạy học online cho các thầy cô trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Tân Phú. Qua khóa tập huấn 3 buổi các thầy cô được thực hành cách giảng dạy online sao cho hiệu quả, cách giao tiếp với học sinh, phụ huynh thế nào khi học trực tuyến. Tôi nhận thấy qua một số bài giảng mẫu của thầy cô trong quá trình thực hành có nhiều điểm sáng tạo, hấp dẫn … tôi tin là các con sẽ có những buổi học thật là vui.
Quan điểm của tôi là học ít nhưng hiệu quả, các con tương tác với thầy cô bạn bè, làm quen từ từ với chương trình học, với công nghệ. Tất nhiên là còn phụ thuộc vào nghệ thuật truyền đạt và phương pháp sư phạm của từng giáo viên nhưng nhìn chung các trường, các thầy cô đang rất nỗ lực để thích nghi với việc dạy online sao cho đạt hiệu quả cao nhất, do vậy phụ huynh đừng cảm thấy áp lực.
Riêng tôi đã dạy online cho nhiều đối tượng trong hơn hai năm qua, tôi thấy học online nếu có phương pháp cũng hiệu quả không kém gì học trực tiếp vì trên mạng có nguồn dữ liệu học thuật rất lớn, phụ huynh và các con có thể xem đi xem lại. Để chuẩn bị cho chương trình học năm nay, Sở Giáo Dục TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp giúp thầy và trò học online thuận lợi, ví dụ như tạo các bài giảng quay sẵn cho các cấp lớp, để các con có thể học bài ôn bài dễ dàng.
Hiện nay, nhiều phụ huynh phản ánh các con phải học online cả ngày, điều này không khác gì đưa chương trình trực tiếp vào trực tuyến, chị nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Hiện tôi cũng đang khuyến cáo các trường là dạy online không thể như dạy trực tiếp được. Phải giảm bớt số tiết, số phút mỗi tiết vì để học trò học quá lâu trên máy tính là rất mệt mỏi, người lớn còn không chịu nổi chứ đừng nói đến trẻ con. Nếu thời khóa biểu buổi sáng môn chính, chiều là các môn năng khiếu, hay xen kẽ giữa các môn lý thuyết và môn thực hành thì giảm ảnh hưởng xấu cho trẻ. Tốt nhất là học online chỉ nên học 1 buổi/ ngày hay giảm bớt số tiết trong 1 buổi, giảm bớt số phút trong 1 tiết, tránh cho thầy trò mệt và hại mắt khi online liên tục. Mong cha mẹ thông cảm là dạy trực tuyến chính thức như kỳ này là lần đầu áp dụng nên cũng sẽ còn điều chỉnh nhiều từ phía các cơ quan quản lý cũng như giáo viên.
Một số nơi lịch học vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và sau khi học thì tùy theo tình hình thực tế các trường sẽ tiếp tục có thay đổi phù hợp nhất. Nếu lịch học vô lý, gây hại cho trẻ thì phụ huynh cũng nên lên tiếng góp ý với nhà trường. Đây là lần học trực tuyến lớn nhất từ trước đến nay nên chắc chắn cần có thời gian để thực hiện và điều chỉnh sao cho hợp lý nhất. Cha mẹ cần thông cảm cho nhà trường, giúp con vượt qua khó khăn.
Học trực tuyến kéo dài có ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ?
- Nhiều phụ huynh sợ ảnh hưởng tâm lý con. Phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong tạo niềm vui cho con, động viên con học, đồng thời tạo niềm vui cho con ở nhà, ví dụ như cho con tập thể dục, cho con chơi đùa cùng người thân. Đồng hành cùng con trong học online, con có khó khăn gì thì hỗ trợ ngay . Kết nối về tình cảm rất quan trọng, không nên để con tự vật lộn mà phải hỗ trợ con trong việc học trực tuyến. Tạo tâm lý thoải mái cho con khi học trực tuyến, ngoài giờ học bố mẹ cần tạo nên những không gian sinh hoạt chung với các con để con cảm thấy vui vẻ, không áp lực với việc học mới mẻ này.
Trẻ bây giờ thích sử dụng thiết bị công nghệ nên nếu bố mẹ vì bận rộn cứ để trẻ với máy ipad, điện thoại cả ngày trẻ vẫn không cảm thấy buồn, khác với cha mẹ khi ở nhà quá lâu sẽ cảm thấy bí bách vì nhiều lý do. Điều này cũng có cái lợi nhưng cũng có cái hại, nếu không kiểm soát được thời gian và nội dung xem thì rất nguy hiểm.
Cho nên cha mẹ đừng quá lo lắng cho con trong mùa dịch, những tình huống khó khăn từ trải nghiệm của tôi và từ nhiều ca tham vấn trong mùa dịch hầu hết đều liên quan đến việc ứng xử với con. Cha mẹ hay nhắc nhở, la mắng trẻ nhiều quá, nói những câu tiêu cực trong khi ít động viên, không tạo niềm vui cho con khiến trẻ dễ phản ứng. Đặc biệt trẻ tuổi dậy thì là tuổi nổi loạn nên dễ gây mâu thuẫn, ở nhà lâu không phải là quá khó khăn với trẻ trừ những em năng động thì có thể cảm thấy hơi khó chịu một chút nên cha mẹ cần tạo những hoạt động thay thế tránh mỗi ngày lặp lại sẽ gây nhàm chán.
Với trẻ đang ở độ tuổi thành niên, bố mẹ có thể cùng con xem một bộ phim, cùng nghe nhạc với con. Trẻ nhỏ thì thích bên cha mẹ nhưng trẻ lớn không thích bên chúng ta lâu đâu. Ăn cơm xong có thể cả nhà cùng trò truyện, cùng nghe nhạc. Cha mẹ cũng cần chịu khó chấp nhận những cá tính ở trẻ, nếu việc gì không gây hại thì không nên phán xét, không nên góp ý tiêu cực. Ví dụ: như nhạc này cũng nghe, phim này mà cũng xem. Nếu cha mẹ giao tiếp tiêu cực thì sẽ gây mâu thuẫn nhiều hơn. Vì tuổi này các con muốn khẳng định mình, muốn độc lập, muốn được tôn trọng, lắng nghe.
Nếu cha mẹ không tuân thủ quy tắc giao tiếp với trẻ tuổi dậy thì chắc chắn sẽ gây mâu thuẫn xung đột vì chúng ta ở nhà nhiều với con. Chính cha mẹ nên học cách cân bằng tâm lý, cha mẹ căng thẳng do những khó khăn của dịch, ảnh hưởng về kinh tế và rất nhiều mối lo lắng khác khiến bị stress nên sẽ dễ nổi cáu, cho nên con chưa căng thẳng mà bị cha mẹ đã la mắng cũng dễ kích hoạt sự nổi nóng của con, vì cảm xúc thì dễ lây lan. Vì vậy muốn con ổn và bình tĩnh thì trước tiên cha mẹ phải bình tĩnh trước đã. Giữ tâm trong an mùa dịch rất quan trọng trong việc dạy con, giúp con học online hiệu quả!
Xin cảm ơn chị!
Đừng quên tập thể dục tại nhà!
Cân bằng và tích cực
Cơ hội để làm mới bản thân
|
Khi mẹ phải vắng nhà đi cách ly tập trung, em Kỳ Duyên (10 tuổi, TP. Thủ Đức) trở thành "người lớn" duy nhất trong nhà, phải tự chăm sóc bản thân và lo cho đứa em 2 tuổi.
“Trước khi đi, mẹ dặn em phải chăm sóc em gái, cẩn thận khi sử dụng bếp và điện trong nhà để phòng ngừa cháy nổ, hạn chế tiếp xúc với người lạ, thường xuyên đeo khẩu trang và không được mở cửa cho người lạ vào nhà khi trời tối. Thú thật, khi nghe tin mẹ sẽ vắng nhà nhiều ngày, em rất sợ và lo lắng. Em cố gắng bình tĩnh nhất có thể để chăm sóc em gái và làm việc nhà để mẹ an tâm đi cách li”, Duyên kể.
Em nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cô chú hàng xóm, anh chị áo xanh. Họ lo cho hai chị em đồ ăn, thường xuyên gõ cửa hỏi thăm. Em bình tĩnh hơn vì có nhiều người đồng hành.
“Nếu chuyện gì không biết làm, em gọi ngay cho mẹ. Nếu cần thêm gì, em gọi điện nhờ các anh chị trên phường hỗ trợ. Với em, việc nhà khó nhất là dỗ em đi ngủ. Em còn nhỏ khi nhớ mẹ thường khóc, không chịu ngủ nên em phải dỗ mãi mới xong. Nhiều lúc nhớ mẹ, em cũng khóc nhưng cố gắng bình tĩnh và dỗ dành em để không khóc và ngủ ngoan hơn”, bạn kể tiếp.
Hành trình cách li tại nhà, Duyên tự rút ra nhiều bài học cho bản thân như cảnh giác với dịch bệnh, tuân thủ quy tắc 5K, thường xuyên rửa tay. Hai chị em luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
Qua mùa dịch này, em biết tự lập, làm thêm việc nhà và biết cách chăm sóc em bé. Duyên chỉ em tô màu, dạy em hát múa, cùng em tập thể dục… Em Bình nay đã biết giúp chị tự dọn dẹp đồ chơi.
Mỗi ngày, mẹ gọi hai chị em từ 2-4 cuộc. Mỗi lần gọi, mẹ đều hỏi thăm ở nhà các con đang làm gì, ăn cơm chưa, tắm chưa, có nhớ mẹ không… Hai bạn thì tíu tít hỏi mẹ có khỏe không, nay có gì vui không… “Nhiều lúc thấy mẹ trên điện thoại, hai chị em nhớ mẹ quá nên bật khóc nhưng mẹ dỗ dành, hứa sau cách li sẽ về với tụi em”, Duyên quẹt nước mắt.
Giờ đây, sau thời gian cách li, mẹ em đã về nhà. Dù vẫn phải theo dõi sức khỏe nhưng ba mẹ con của Duyên rất vui vì ở bên nhau là điều hạnh phúc nhất.
Theo chị Trần Thúy Hằng (Phó Bí thư Thành Đoàn Thủ Đức), Thành phố Thủ Đức có nhiều trường hợp trẻ em phải ở nhà một mình khi ba mẹ đi cách li, điều trị do dịch Covid-19 hoặc ở lại nơi làm, trẻ đang ở nơi cách li, phong tỏa như trường hợp của em Duyên.
Các anh chị áo xanh đã thực hiện nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa để kịp thời hỗ trợ Duyên và các em thiếu nhi như tổ chức chương trình “Mang Tết thiếu nhi đến với trẻ em ở khu cách li phong tỏa”, trao tặng 6352 hộp sữa tươi cho các bạn ở khu cách li trên địa bàn thành phố, vận động và trao 237 suất “Quà tặng bạn” cho U14 ở khu phong tỏa.
Khi nhận phần quà của chương trình Quà tặng bạn do Hội đồng Đội TP.HCM phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức, Duyên xúc động bày tỏ: “Em cám ơn anh chị và các bạn đã gửi quà đến tụi mình. Hai chị em có nhiều quà bánh, tập vẽ, bút màu để mình chỉ em tập tô, có đất sét để chơi cùng nhau, có báo để đọc giải trí và kể chuyện cho em trong những ngày sắp tới. Tụi em thích lắm! Em ước mong nhiều bạn khó khăn như mình cũng may mắn được các anh chị, các bạn quan tâm và tặng quà như chị em tụi mình”.
Chị Trần Thúy Hằng cũng cho biết, bên cạnh các hoạt động chăm lo, Hội đồng Đội TP Thủ Đức cũng tổ chức các sân chơi trực tuyến nhằm mang đến niềm vui cho các bạn khu vực cách li, phong tỏa như Vui hè sáng tạo, bảo vệ môi trường, Hành trình Thông điệp xanh, Cùng em vui khỏe, chào đón mùa hè…
“Chúng ta đang có một mùa hè quá khác so với mọi năm, chị mến chúc các em đội viên, thiếu nhi đặc biệt là các em đang ở khu cách li, phong tỏa sẽ luôn mạnh khỏe, an toàn trong mùa dịch, mong chúng ta sẽ thật hiện thật tốt công tác phòng chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K để thành phố nhanh chóng mạnh khoẻ trở lại”, chị Hằng nhắn nhủ.
Chị Thúy Hằng cũng khuyên U14 nên gọi điện thoại để các anh chị áo xanh hỗ trợ khi xa ba mẹ, gọi tổng đài 1022 - nhấn phím 2 để được tư vấn.
Theo chuyên gia tâm lí Phạm Thị Thúy, trong mùa dịch, tình huống trẻ em phải ở nhà một mình khi bố mẹ đi cách li, đi lao động, thậm chí bố mẹ là F0 qua đời là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Trong đó, trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần thật bình tĩnh để giải quyết những điều sau đây:
- Bạn nên động viên bản thân và anh chị em trong nhà tự lập, tự giác để bố mẹ yên tâm công tác hay điều trị bệnh.
- Chú ý duy trì ăn uống đúng, đủ bữa. Bạn có thể nhờ cơ quan chức năng, hàng xóm giúp đỡ nếu có khó khăn. Bạn có thể tập nấu những món cơ bản, điều gì không biết có thể gọi điện cho ba mẹ, người thân đang ở xa để hỏi. Chú ý sự an toàn trong bếp, đề phòng cháy nổ.
- Tạo ra trò chơi, niềm vui trong nhà như tập thể dục, trồng cây, đọc sách… Bạn không nên sa đà vào điện thoại, chơi game hay đọc quá nhiều tin tức tiêu cực để giảm tối đa sự mệt mỏi, bi quan, chán nản.
- Tạo nếp sinh hoạt đúng giờ, không nên thức quá khuya.
- Thường xuyên có sự kết nối với mọi người qua điện thoại, mạng xã hội như ba mẹ, hàng xóm, cơ quan chức năng… Nếu em hay em của em đang không khỏe, hay bạn đang lo lắng, căng thẳng, bạn đừng vượt qua một mình. Bạn cần lên tiếng tâm sự để mọi người hỗ trợ. Bạn nên chủ động tìm người giúp đỡ.
- Nhà có em nhỏ, bạn cần đảm bảo sự an toàn cho em trong nhà. Ổ điện, hộp quẹt, dao kéo,… bạn nên cất cao để tránh em nghịch ngợm.
- Luôn tạo tiếng cười trong nhà. Anh chị em chính là chỗ dựa vững chắc cho nhau để bố mẹ yên tâm điều trị hay đi công tác.
Chuyên gia cho rằng, sức khỏe là điều bạn cần lưu ý. Có sức khỏe thật tốt, chấp hành đúng 5K, bạn sẽ không còn lo sợ dịch bệnh.
Cô Thúy còn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh khi đi cách li, điều trị hay công tác nên gọi điện thoại về hỏi thăm các con. Phụ huynh không nên quá căng thẳng, than phiền về bệnh tình mà hãy chia sẻ thông tin tích cực để con ở nhà an tâm. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn giữ sức khỏe, giữ nguyên tắc phòng dịch để nhanh chóng trở về bên gia đình thân yêu.
PHƯƠNG VY thực hiện
TTO - Không ít bạn trẻ tăng các vấn đề tâm lý trong mùa dịch COVID-19, nguyên nhân chính là những khó khăn do dịch bệnh, xung đột trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè và thông tin tiêu cực về các sự kiện xã hội.
Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, trong 3 đợt giãn cách vừa qua, chị thường xuyên nhận được lời cầu cứu từ người trẻ đang trầm cảm vì COVID-19 tác động. Họ thường hỏi về những lo lắng, căng thẳng khi đối mặt với khó khăn do dịch, chuyện gia đình, mối quan hệ vợ chồng, cách nuôi dạy con cái trong mùa dịch…
"Một bạn nam gần 30 tuổi gọi tôi với sự cô đơn, tuyệt vọng. Anh chưa có gia đình, tinh thần luôn chông chênh, cô độc. Công việc trong mùa dịch bất ổn, kèm theo sự tiêu cực trong những mối quan hệ trước đó khiến anh than phiền", chị nói.
Chị Thúy cho biết trạng thái tinh thần thường ngày sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ của người trẻ trong mùa dịch. Đặc biệt, môi trường sống trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Nếu mối quan hệ cha mẹ, con cái bất ổn, xung đột, người trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, họ quan tâm nhiều đến những mối quan hệ với bạn bè trên mạng xã hội. Trong thế giới thật và ảo, sự chế giễu, gièm pha sẽ khiến bạn trẻ dễ tổn thương sâu sắc. Khoảng cách trong mùa dịch khiến nhiều bạn dễ hiểu nhầm, gây tổn thương cho nhau.
"Tại sao COVID-19 khiến càng nhiều người trẻ mắc các bệnh về tâm lý? Bạn trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương khi bước vào xã hội đang có nhiều thay đổi. Trong mùa dịch, bao ước mơ bị khép lại, chậm lại, như du học, chọn trường, khởi nghiệp… Nếu không có ước mơ, bạn dễ chán nản. Tâm lý không vững vàng sẽ khiến một số bạn trẻ hoang mang nhiều hơn trong mùa dịch", chị nói.
Dịch bệnh là hoàn cảnh khách quan. Khi nhận thức không né tránh điều này, bạn sẽ tránh được bi quan, chấp nhận được hoàn cảnh.
Nhiều bạn bị stress tâm lý vì các số liệu của COVID-19, cảm thấy sợ hãi khi có nhiều ca nhiễm tăng lên, tin giả, tin xấu. Theo chuyên gia tâm lý, việc cập nhật tin tức là cần thiết, tuy nhiên bạn không nên đọc quá nhiều những thông tin tiêu cực. Việc của mỗi người là tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Trong mùa dịch biết tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể đã là yêu nước.
Thay vì buồn rầu, chán nản, than thở, bạn trẻ nên tận dụng cơ hội để làm những việc có ích. Đây chính là cơ hội vàng để học hỏi những kiến thức, rèn luyện kỹ năng mới, vì đang có rất nhiều khóa học online. Bạn có thể học ngoại ngữ, viết văn, đọc sách, trồng cây,… Những việc trên sẽ giúp bạn không chỉ có kiến thức, mà còn có nhiều niềm vui, sự tự tin, gia tăng giá trị bản thân. Công việc sẽ xua đi nỗi buồn chán. Người bận rộn không có thời gian để buồn!
Bạn cũng nên tiết chế xem các bộ phim bạo lực, kinh dị, khiêu dâm. Hoạt động tiêu cực sẽ tăng thêm nhiều hành vi xấu. Ngoài ra, bạn cần cách xa những luồng thông tin có hại.
Bạn cũng nên tranh thủ thời gian để tập thể dục tại nhà, vừa ra mồ hôi, thải độc…, vừa giúp ta khỏe hơn, vui hơn, gia tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch. Chị cũng khuyên các bạn trẻ sắp xếp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi một cách khoa học, không nên nuông chiều bản thân, như xem phim quá khuya, lười vận động, ngủ nướng...
Thay vì than phiền trong bóng tối, chúng ta hãy tự nắm bắt cơ hội trong mùa dịch để hoàn thiện chính bản thân mình.
Chuyên viên tâm lý PHẠM THỊ THÚY
Bộ Thông tin - Truyền thông vừa có Quyết định số 874 về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội (QTUX MXH), áp dụng với cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân sử dụng MXH và nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Ngay khi ra đời, Bộ QTUX này đã nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia về vai trò, tính quan trọng, cần thiết.
Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội sẽ tác động thay đổi thói quen, hành vi của người sử dụng mạng xã hội, nhất là đối tượng học sinh (ảnh minh họa)
Dù là không gian ảo cũng phải có chuẩn mực
Bộ QTUX hướng tới xây dựng chuẩn mực về đạo đức, hành vi ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng; tạo điều kiện phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam; đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh; không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước; phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Bộ QTUX đặt ra 4 QTUX chung cho người sử dụng: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin và Trách nhiệm. Đồng thời, khuyến khích người dùng mạng nên sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH. Các tổ chức, cá nhân chia sẻ thông tin dựa trên nguyên tắc có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải các nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không sử dụng ngôn ngữ nhạy cảm vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, sai sự thật, quảng bá kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng MXH một cách an toàn, lành mạnh.
Đặc biệt, Bộ QTUX đặt ra QTUX cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ MXH, trong đó yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ MXH phải hướng dẫn người sử dụng MXH, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật...), sử dụng MXH an toàn, lành mạnh, nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên MXH; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên MXH theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Là một chuyên gia tư vấn tâm lý học đường tại một trường THCS ở TP.HCM, cô L.B.H chia sẻ, những mâu thuẫn học đường, bạo lực học đường, thậm chí là mâu thuẫn giữa gia đình - nhà trường đa phần đều bắt nguồn từ MXH. Học sinh tìm đến MXH để thể hiện cái tôi, phụ huynh tìm đến MXH để “đấu tố thầy cô, nhà trường”.
“Bộ QTUX tạo điều kiện để mỗi người tự hoàn thiện cách thức sử dụng MXH một cách thông minh, có văn hóa, lành mạnh. Đặc biệt là sẽ tác động mạnh mẽ đến thói quen, hành vi sử dụng MXH của đối tượng người trẻ, đối tượng học sinh, sinh viên, giúp các em tận dụng MXH một cách thông minh, hạn chế tình trạng bạo lực học đường, bắt nạt học đường từ MXH”, cô B.H nói.
Đứng ở góc độ nhà quản lý giáo dục, ThS. Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - nhận định, khi giáo dục đang tiến tới giáo dục thông minh, chuyển đổi số, cả thầy và trò đều tận dụng MXH ứng dụng trong học tập, kết nối thì Bộ QTUX MXH đưa ra sẽ tạo thêm sự an tâm để phát huy thế mạnh của MXH trong giáo dục. Đồng thời, dựa vào Bộ QTUX được Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành, nhà trường sẽ khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sử dụng MXH một cách có định hướng, hiệu quả.
Hãy lành mạnh hóa không gian mạng của chính mình
Nhìn lại hành trình 12 năm sử dụng MXH (Facebook), TS. xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (phân viện tại TP.HCM) - đánh giá cao ảnh hưởng của MXH đến người dùng khi tạo ra môi trường giao lưu, chia sẻ, kết nối các cộng đồng với nhau.
Dù vậy, TS. Thúy nhìn nhận, MXH cũng có những mặt tiêu cực, phản cảm khi nhiều người dùng lợi dụng để bán hàng không rõ nguồn gốc; đăng tải những bài viết mượn một vấn đề nào đó để phê phán nhục mạ cá nhân, tổ chức, kích động bạo lực, thù hằn; lừa đảo, ném đá giấu tay… gây tác động xấu đến những người chưa đủ kiến thức, niềm tin. Không nhìn đâu xa, ngay trong mảng giáo dục cũng có tình trạng lợi dụng MXH đăng bán những khóa học online theo kiểu kinh doanh đa cấp, nhóm kín mà không có ai kiểm chứng về chất lượng để lôi kéo phụ huynh học sinh theo học. Thị trường MXH khốc liệt đến mức đôi khi chỉ những ai đủ tỉnh táo, trình độ và sự chọn lọc thì mới tránh được những thông tin xấu, độc, nhất là khi hiện nay ngày càng đông người đang tìm niềm vui trên MXH nhiều hơn thế giới thực...
Trước thực tế này, TS. Thúy cho rằng, Bộ QTUX MXH ra đời là hết sức cần thiết để có sự điều phối, tạo ra khung, hành lang “chuẩn, chỉnh” trong giao tiếp, ứng xử trên MXH; để đảm bảo quyền của người dân trên nguyên tắc “tự do của người này nhưng không thể vi phạm quyền tự do của người khác”. Từ chính các quy tắc chung khi sử dụng MXH như tôn trọng, lành mạnh, an ninh, trách nhiệm và các quy tắc riêng cho từng nhóm đối tượng mà Bộ QTUX đặt ra sẽ giúp mỗi người tự soi rọi vào đó, biết được rằng đâu là ranh giới của những ứng xử phù hợp. Song, các quy tắc đặt ra trong Bộ QTUX không có nghĩa là để đo lường, áp đặt, bóp nghẹt sự sáng tạo, tự do cá nhân mà là để định hướng người dùng, hướng tới lành mạnh môi trường mạng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tiến tới lành mạnh hóa môi trường mạng, TS. Thúy cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phổ biến, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu hơn về Luật An ninh mạng, về Bộ QTUX MXH. Hãy bắt đầu từ trong giới trẻ, từ trong mỗi trường học, trong mỗi gia đình. Chính các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh sẽ là người học cách sử dụng MXH một cách văn minh để chia sẻ, dạy lại cho các em.
“Để tạo ra môi trường MXH lành mạnh đúng như kỳ vọng của Bộ QTUX, mỗi cá nhân sử dụng MXH phải tự lành mạnh hóa không gian mạng của mình, tự ý thức hình thành văn hóa sử dụng MXH của mình; qua đó tiến tới góp phần lành mạnh hóa cả cộng đồng mạng. Mỗi người tự trồng thêm hoa thơm để cỏ dại bớt mọc, nhiều hành vi ứng xử đẹp, câu chuyện đẹp được chia sẻ thì những cái xấu cũng sẽ từng bước bị triệt tiêu”, TS. Thúy nhấn mạnh.
Nam Định
Nguồn: https://www.giaoduc.edu.vn/can-thiet-khi-bo-quy-tac-ung-xu-mang-xa-hoi-di-vao-doi-song-2021-2021.htm
Những trang tin online với tít, bài vở đậm chất câu view
Soi mói đời tư, tin nhảm “lên ngôi”
Ngày 2-6, chúng tôi truy cập trang tin “e…đ…”, một trang chuyên về chuyện làm đẹp dành cho phái nữ. Ngay từ giao diện chính của mục chủ đề “hot” là 3 tin liên tiếp soi mói về đời tư các đại gia quanh chuyện ngàn tỷ và nợ nần, như: “Nữ đại gia kiện bà P.H…”, “Đại gia P.H. livestream”…
Tương tự, ở trang tin A. chuyên về đời sống và mẹo vặt gia đình, ngay mục hot nhất là tít “H.L. dính lùm xùm 14 tỷ từ thiện”, và khi click vào tin, trang tiếp tục hiện ra hơn 35 bài viết quanh câu chuyện này và đời sống cá nhân nghệ sĩ H.L.
Ghi nhận vào ngày 3-6, trang tin K., được giới thiệu là chuyên về đời sống giới trẻ, ở mục “Đang được quan tâm” có 6 tin thì đã 3 tin ăn theo chuyện ồn ào của giới nghệ sĩ như: “Status văng tục của nghệ sĩ…” (178.360 lượt xem - view), “Lộ giấy vay nợ 5 tỷ của nghệ sĩ H.L.” (244.950 view), “Bà P.H. bóc phốt ca sĩ…” (190.456 view)…
Chuyên mục “Ký sự pháp đình” hay “Câu chuyện pháp luật” từ lâu là những mục khá được quan tâm trên các báo và trang tin về pháp luật. Đây là một cách để giáo dục và nâng cao ý thức của người dân về luật pháp bằng chính những câu chuyện có thật từ tòa án. Tuy nhiên, mục này giờ trở thành “miếng mồi ngon” để câu view trên một số báo, đài và trang tin. Gõ từ khóa “Ký sự pháp đình”, “Câu chuyện pháp luật” lên công cụ tìm kiếm Google, lập tức có 139 triệu kết quả trong chưa đầy một giây, trong đó có nhiều video dựng lại tình huống của đài truyền hình V. Những cái tít… hết hồn về tình yêu éo le như chị dâu - em chồng, em dâu - anh rể, quý bà - trai trẻ… Những tình huống tình cảm éo le dẫn đến hành vi phạm tội rợn người được dựng lại một cách chi tiết, thu hút từ hàng chục ngàn đến cả triệu view mỗi video.
Chỉ một dòng trạng thái vô thưởng vô phạt về việc “mất đôi giày phong thủy” cùng lời đề nghị chuộc lại với số tiền 50 triệu đồng trên trang cá nhân của D.N., ấy vậy mà các trang tin online thi nhau viết như một sự kiện gây chấn động dư luận. Còn nhân vật chính thì sau đó cảm thán với giọng điệu đầy mỉa mai: “Cuộc đời tui tồn tại 36 năm lần đầu tiên mới thấy một người bị mất đôi giày cũng bị lên báo nữa. Không biết nên vui hay nên mừng, khóc hay cười, thiếu điều muốn quỳ lạy báo luôn”.
Thực ra, D.N. chẳng phải người nổi tiếng. Anh chỉ là một gymer, được biết đến từ đám tang của nghệ sĩ Chí Tài, khi có những lời lẽ không hay với người đã khuất. Bức xúc vì hành động vô lễ này, hàng trăm người đã đến tận phòng gym của D.N. (quận Bình Tân, TPHCM) đòi “trị tội”. Câu chuyện này từng gây náo loạn khu phố lẫn mạng xã hội. Bẵng đi một thời gian, D.N. trở thành Hot Facebooker, nhất cử nhất động đều được các trang tin “chăm sóc” kỹ lưỡng không khác một ngôi sao trong giới giải trí!
Chẩn trị bằng luật pháp
D.N. không phải là trường hợp hiếm hoi trở thành “miếng mồi” để câu view cho các trang tin điện tử. Rất nhiều người đã trở thành nhân vật cho các trang tin này chỉ vì… cắn lưỡi chảy máu khi ăn bánh tráng trộn, mất đồng hồ trị giá hàng tỷ đồng, ngồi một mình giữa 3 cái ghế sắt… Đặc biệt, khi một nghệ sĩ nào đó qua đời, lập tức các trang tin đổ xô “ra trận”, thu thập tất tần tật những thông tin, hình ảnh liên quan (hoặc không cần liên quan) đến người đã khuất. Họ đi sâu vào khai thác đời tư của nghệ sĩ rồi phơi bày trên báo mà không cần biết những hệ lụy có thể xảy ra.
Theo anh Phan Nam (ngụ quận 6, TPHCM), hiện nay bên cạnh báo chí chính thống, có quá nhiều trang tin hoạt động một cách tự do, dễ dãi dẫn đến việc đưa tin nhảm, tin xạo nhằm mục đích câu view, lượt thích (like). Điều đáng nói là những trang tin này được thiết kế về hình thức rất bắt mắt và na ná website của các tờ báo chính thống. Dần dà, người đọc hiểu lầm các trang tin đó chính là báo chí chính thống. “Điều này rất tai hại cho độc giả, nhất là giới trẻ. Việc họ tiếp cận với lối đưa tin đó sẽ làm cho họ có cảm giác báo chí chỉ toàn đưa những tin vặt vãnh, chuyện cá nhân, riêng tư; thậm chí không còn tin vào tiếng nói của báo chí bởi sự nhầm lẫn này”, anh Phan Nam bày tỏ.
Điều đáng báo động hiện nay đối với những trang tin online chính là khai thác sâu quá mức vào đời tư của những nạn nhân bị xâm hại tình dục, kể cả tội phạm của một vụ án nào đó. Dưới góc độ xã hội học và tâm lý, TS Phạm Thị Thúy cho rằng, việc báo chí đang khai thác quá sâu vào đời tư của một nhân vật nào đó là thực trạng có thật và có hại cho những người liên quan. “Chẳng hạn, bố mẹ phạm tội mà tất cả những thông tin đời tư của họ bị khai thác, phơi bày trên báo chí hay các phương tiện truyền thông thì con cái chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, TS Phạm Thị Thúy lo ngại.
“Bên cạnh nạn nhân và người thân của họ, một đối tượng khác cũng chịu tác động không nhỏ từ các bài viết có nội dung nhảm nhí, tiêu cực chính là người đọc. Các thông tin trên mạng, trên báo chính thống hay phi chính thống hiện nay đang là món ăn cho mọi người. Nếu vô tình chúng ta ăn phải đồ ăn bẩn, độc hại, chắc chắn chúng ta sẽ bị nhiễm độc. Thông tin cũng vậy, nó có thể làm cho người đọc nhiễm độc. Gần đây có khái niệm “Hội chứng Fomo”, là hội chứng sợ bị mất tin tức trên mạng, làm cho người ta phải online suốt ngày. Và việc giật tít, câu view, khai thác quá đà của báo chí cũng là nguyên nhân tạo nên hiện tượng này”, TS Phạm Thị Thúy nói.
Một trong những hệ lụy từ cách đưa tin bài của các trang tin online như hiện nay, theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, là tạo ra cảm giác tiêu cực, phẫn uất tập thể, để rồi tập thể ấy sẽ lại trút giận lên ai đó bất kể lý do gì. Hiện tại chúng ta mới quy hoạch về mặt chính sách nhằm hạn chế những trang tin online nhảm; tuy nhiên vẫn chưa quản lý hết được các YouTuber, Facebooker cùng hàng trăm phương tiện khác. PGS-TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Giải pháp ở đây không phải quy hoạch mà là quản lý. Chúng ta công nhận sự tồn tại, và quản lý các trang thông tin này một cách chặt chẽ sẽ tốt hơn là quy hoạch. Hiện tại, ranh giới giữa người làm nghiệp vụ truyền thông và việc chia sẻ thông tin cá nhân đang bị mập mờ, chồng lấn. Thực trạng này đang đặt ra một mối quan hệ rất mới, không đơn thuần là mối quan hệ theo chiều dọc từ trên xuống, mà là mối quan hệ đa dạng, phức tạp”.
TS PHAN ĐÌNH TÂN, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương: Nỗi lo nhiễu loạn, lệch chuẩn văn hóa Việc vàng thau lẫn lộn trong văn hóa, dễ dãi trong tiếp nhận sản phẩm cẩu thả, thậm chí sai lệch về thẩm mỹ, nghệ thuật ngày càng rõ rệt, theo tôi không phải do sự cởi mở hơn trong quản lý, chưa mạnh về hậu kiểm, mà do việc vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chậm, có lúc còn lúng túng (có nơi còn dễ dãi, dung túng) trong xử lý, làm đạo đức và văn hóa ngày càng bị nhiễu loạn, lệch chuẩn. Để tạo “lá chắn” cho người dân, đặc biệt là trẻ em và các bạn trẻ, việc vào cuộc của các cơ quan chức năng phải kịp thời. Bên cạnh đó, cần có dự báo và lường trước các tình huống để cảnh báo xã hội. Hơn ai hết, những người lãnh đạo cơ quan, công sở, người lớn cần phải nêu gương, có trách nhiệm hơn, có đời sống mẫu mực hơn, cần phát huy vai trò của gia đình và xã hội, trong đó trường học cần tăng cường giáo dục những kiến thức công dân về trách nhiệm, về đạo đức… Tạo sức đề kháng với thông tin độc hại Thời đại số đã trao cho mỗi người tham gia mạng xã hội quyền được phát thông tin bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Các thông tin này đến từ mọi tầng lớp xã hội nên hình thức và nội dung rất đa dạng. Điều này thu hút sự chú ý của công chúng. Việc giao tế trong xã hội đã chuyển từ không gian vật lý lên không gian mạng. Hai thế giới này có liên hệ với nhau như hai mặt không tách rời của một đồng xu, chính vì thế, các nguyên tắc hành xử văn minh nơi công cộng, trong giao tiếp ngoài đời thực cũng phải được áp dụng trên không gian mạng. Do vậy, việc ban hành một bộ quy chế ứng xử trên mạng xã hội chung, để đảm bảo hành xử văn minh, phòng chống gian lận và tội phạm trên mạng là điều cần thiết. Muốn tránh xa những sự lôi kéo xấu xa này, người trẻ nên tự trang bị cho mình nhiều thú vui lành mạnh như đọc sách, xem phim, tập thể thao, nghiên cứu khoa học… Chúng ta cần trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên ngay từ trường học cũng như có các lớp thảo luận trên lớp, trong câu lạc bộ, kênh truyền thông đại chúng để tạo “sức đề kháng” cho mỗi người. |
LTS: Xu hướng hội nhập đã và đang đặt ra những bài toán hóc búa trong việc dung hòa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa xu hướng mới và giá trị cũ, giữa hai mặt tốt - xấu của sản phẩm văn hóa. Người trẻ luôn là đối tượng dễ bị tác động nhất bởi những loại “rác văn hóa” trong cuộc sống hàng ngày. Sự tác động của “rác văn hóa” như một mạch chảy ngầm, không thể hiện ngay lập tức nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. |
Từ lập nhóm “anti” đến tấn công trên diện rộng
“Cô gái được tìm kiếm nhiều nhất trên Facebook, Google, TikTok hôm nay đây rồi. Vào để nhận link nhé mọi người!”. Sau lời thông báo trên nhóm mạng xã hội là hàng chục ngàn bình luận: “Xin link bạn ơi!”, “Có video 8 phút ở bồn tắm không bạn?”, “Ông bà nào xin link inbox tôi nhá”, “V.T. ngon lắm mọi người ạ. Vai nam diễn không đạt lắm, phải chi lúc đó là tôi đã khác”, “Xem clip full 8 phút (hiệp 1) và 1 phút (hiệp 2) thì vào link này nhé”…
Cứ thế, các video clip 18+ của V.T.A.T., một diễn viên quần chúng từng đóng 1 bộ phim truyền hình đình đám, từng ghi danh tham gia cuộc thi hoa hậu, được truyền đi với tốc độ… ánh sáng. Đã có rất nhiều lời chửi bới, thóa mạ, làm nhục cô gái, trong khi dù với bất cứ lý do gì thì cô vẫn là nạn nhân trong vụ việc xâm hại quyền riêng tư cá nhân.
Lợi dụng sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền nhanh của thông tin trong không gian mạng, những năm gần đây, mạng xã hội trở thành nơi để tấn công cá nhân, bằng việc lập các nhóm để nói xấu, chế ảnh để công kích một người nào đó, nhất là giới nghệ sĩ và những ai đang sở hữu nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội.
Từ sau vụ hoa hậu chuyển giới H.G. bị một nhóm anti-fan thu hút 125.000 tài khoản tham gia chỉ để nói xấu và chế hình ảnh nhằm bôi nhọ những phát ngôn của H.G., các nhóm anti-fan bùng lên như một trào lưu. Hàng loạt gương mặt ca sĩ, diễn viên trong làng giải trí như: T.T., L.V.D., CEO M.L.,… đều bị những nhóm này nói xấu, chế ảnh, viết bài công kích. Việc tấn công người khác trên mạng xã hội bắt đầu trở thành nỗi lo khi những người có chút năng khiếu viết lách, chụp hình đẹp, làm video hay thu hút nhiều lượt theo dõi cũng trở thành đối tượng để các nhóm anti tấn công.
Không chỉ với những cá nhân trong nước, một bộ phận người Việt ở nước ngoài cũng xấu xí với nhau qua những hội nhóm này. Chị T.N. (một người Việt sống tại Italia) kể lại, bản thân chị không chỉ bị tấn công bằng những hội nhóm nói xấu, bóc phốt trên mạng mà nhóm người này còn tấn công đến người thân và đối tác làm việc của chị.
Cuốn tự truyện của chị trong lần ra mắt đã bán nhanh một cách suôn sẻ vì được nhiều người ủng hộ. Khi tái bản vào cuối năm 2020, thì công ty phát hành sách phải thu hồi vì bị nhóm anti nhắn tin đe dọa sẽ dùng truyền thông và đánh giá xấu để gây hưởng không tốt cho fanpage của đơn vị này trên mạng xã hội.
Livestream vô tội vạ
Mạng xã hội giờ đây đang thực sự trở thành “quyền lực thứ năm”, bởi không chỉ là nơi thu hút sự tương tác rất lớn của người dân mà còn là một trong những kênh thông tin hàng đầu, cập nhật nhanh chóng tất cả vụ việc, sự kiện, hoạt động…
“Quyền lực thứ năm” này đang bị lạm dụng để đăng tải những thông tin, hình ảnh, video clip, livestream (phát trực tuyến) có nội dung xấu, độc, giả, phản cảm, đi ngược lại những điều hay, lẽ phải. Một số người sử dụng đủ loại chiêu trò để sản xuất ra các sản phẩm nhảm nhí, ngôn từ dung tục, thậm chí là vi phạm pháp luật, bất chấp tác hại và hệ lụy đối với người xem. Chưa kể, những livestream với triết lý sáo rỗng, video của các “thánh chửi” được tung hô… càng khiến dư luận lo lắng.
Xuyên suốt nhiều ngày qua, “đại chiến” livestream giữa các đại gia kinh doanh và dàn sao Việt đã khiến giới nghệ sĩ náo loạn, chấn động đám đông bởi loạt thông tin gây sốc. Đứng sau những buổi đăng đàn livestream là cả ê kíp hùng hậu hỗ trợ. Những buổi livestream ghi nhận đến hơn 225.000 người theo dõi và hơn 32.000 lượt chia sẻ.
Ở khía cạnh nào đó, ngoài việc chủ đề “bóc phốt nghệ sĩ” được nhiều người quan tâm, thì rõ ràng, sự việc “người người nhà nhà” ngồi hóng những buổi livestream như trên gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Có một thực tế là, nói sai, thậm chí càng cố tình gây sốc thì lượt xem càng cao, nhanh chóng được “nút vàng”, “nút bạc”, việc kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội càng “khủng”. Vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua thêm lần nữa cảnh báo chúng ta về rác văn hóa từ nền tảng chia sẻ video YouTube.
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa YouTube và truyền hình cho thấy, nhu cầu giải trí của nhiều người, nhất là giới trẻ hướng sang các kênh trên YouTube ngày càng nhiều. Và những video từ hay đến độc hại trên nền tảng này hoàn toàn không vô thưởng vô phạt nữa, khi tiền chảy về túi người làm clip, còn sự nguy hiểm thì hướng đến người xem.
Theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu (Văn phòng Luật sư Hiếu và cộng sự), trong tất cả phát ngôn, người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng và nên xem xét phát ngôn của mình có khả năng gây tổn hại, ảnh hưởng đến người khác hay không. Việc Nhà nước chưa xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa truy cứu trách nhiệm hình sự, không đồng nghĩa với việc anh không hoặc chưa phạm pháp mà còn tùy thuộc vào tính chất phức tạp của quá trình điều tra, mức độ, tính chất của từng hành vi, mà việc xử lý vi phạm có thể sẽ được thực hiện vào một thời điểm hợp lý khác.
"Một số quyết định xử phạt gần đây chỉ cho chúng ta thấy thực trạng đáng báo động cũng như sự bất lực nhất định của các cơ quan quản lý đối với những hành vi ứng xử không phù hợp trên mạng xã hội. Nếu chúng ta chỉ xử phạt, kể cả mang tính làm gương, thì sẽ không bao giờ chấm dứt những hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng khi mà nguyên nhân sâu xa nhất chưa giải quyết rốt ráo. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trên không gian này. Những bộ quy tắc đạo đức, Bộ luật Dân sự dành riêng chế tài các hành vi không gian mạng (không chỉ là an ninh mạng) sẽ phải là những ưu tiên để chúng ta thực hiện trong thời gian tới", PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia |
Đối với góc độ người tiếp nhận thông tin, Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, mọi thứ khi đã lọt vào mắt, vào tai đều để lại dấu ấn trong bộ nhớ và cảm xúc của chúng ta. “Chúng ta không nên chủ quan với những gì mình nghe, nhìn hàng ngày. Rất nhiều người chỉ vì xem quá nhiều thông tin tiêu cực mà bị xuống tinh thần, thậm chí bị trầm cảm. Cho nên, chúng ta phải thận trọng với tất cả những gì chúng ta nghe, nhìn. Giống như đồ ăn vậy, mỗi ngày một chút độc thì cuối cùng nó tích tụ trong cơ thể mình, đến lúc quá tải sẽ sinh bệnh tật. Thông tin cũng như vậy. Vì đó là món ăn, nên một là bổ hai là độc, chọn cái nào là tùy thuộc vào sự tiêu dùng thông minh của chính bạn”.
Mới đây, Bộ TT-TT có văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có nhận định việc thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat) để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT-TT đề nghị các địa phương phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn… |