Bí kíp dạy con bớt ích kỉ

 

TTO - Ngoài việc giáo dục có định hướng, nêu gương…, bố mẹ trẻ tuổi cần trao cho trẻ sự tự tin qua việc tự do phát huy năng lực bản thân.

TS Phạm Thị Thúy - Giảng viên học viện hành chính quốc gia TP.HCM

 

 

Đây cũng là cách dạy cho trẻ sự tử tế, tránh xa cám dỗ và không dễ sa vào cạm bẫy vô bổ.

 

Chia sẻ về vấn đề này, TS xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên học viện hành chính quốc gia TP.HCM - cho biết, có nhiều khía cạnh trong vấn đề sa ngã của giới trẻ.

 

Nhưng để nhận thức được bản thân đang dần khó chống lại các cám dỗ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách để làm một người tốt, có ích cho xã hội, đặc biệt để trở thành một cán bộ nhà nước hay muốn tiến thân con đường chính trị, các bạn cần lưu ý đến 2 dấu hiệu sa ngã: khi bản thân chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, không quan tâm đến người khác sẽ bị tổn hại như thế nào; thứ hai là bắt đầu có những hành động bất chấp lợi ích của người khác mà chỉ vì lợi ích cá nhân và bằng mọi cách đạt được mục đích.

 

Lúc này con người cần phải thay đổi, bắt đầu từ việc thắng được những cám dỗ dù rất nhỏ mới mong thắng được những cám dỗ lớn hơn. Đặc biệt, ai cũng có lòng tham, và dễ phạm ở điểm yếu này.

 

Đây là bài toán dài hạn, cần được định hướng giáo dục từ nhỏ, ngay trong chính gia đình. Ban đầu, một đứa trẻ được giáo dục từ sự nêu gương của bố mẹ, người lớn xung quanh và môi trường trường học.

 

Việc bố mẹ giáo dục ý thức cho con sẽ giúp trẻ nhận thức được phải biết quan tâm đến chính mình trước, từ đó sẽ cảm nhận được việc quan tâm người khác như thế nào.

 

Bố mẹ ứng xử với con bằng sự tôn trọng sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Trẻ lớn lên sẽ học được bài học tôn trọng mọi người xung quanh. Nếu cho rằng nghiêm khắc, áp đặt, khắt khe sẽ khiến trẻ vào khuôn khổ, có thể bố mẹ dễ mắc sai lầm "phản ứng ngược" cho trẻ. Việc bố mẹ mưu cầu sau này trẻ làm người tốt là điều khó thành.

 

Việc đứa trẻ đối xử với mọi người như thế nào chính là sự phản chiếu cách mà trẻ được đối xử, được giáo dục.

 

Có nhiều bố mẹ mắc sai lầm, từ nhỏ dạy trẻ coi mình là số một, muốn con phấn đấu giỏi nhất, luôn đứng đầu... Điều đó có thể sẽ hình thành cho trẻ sự ích kỷ, dễ quên đi mối liên hệ của mình với mọi người và môi trường xung quanh - nơi trẻ trưởng thành và thể hiện nhân cách một con người hoàn thiện.

 

Trẻ hiểu sự kết nối giữa mình với mọi người mọi vật xung quanh trẻ mới hiểu cần tôn trọng và giúp đỡ bảo vệ lẫn nhau để chung sống hòa hợp, không được làm hại nhau.

 

Khi trẻ càng lớn, trẻ cần càng được trải nghiệm nhiều hơn nữa, được cùng làm việc để thấu hiểu hơn nữa giá trị của bản thân và người khác, từ đó trân trọng bản thân và mọi người xung quanh. Đó là cơ hội cho trẻ học làm người tốt.

 

TS Phạm Thị Thúy nhấn mạnh, qua việc trải nghiệm, cần trao thêm cho trẻ quyền nói lên quan điểm của mình, quan điểm chính trị chẳng hạn, là cách trẻ phát huy năng lực.

 

Khi trẻ tự tin được là chính mình, trẻ được tự do, được tôn trọng được yêu thương trẻ sẽ không dễ sa ngã vào những cám dỗ vô bổ.

DIỆU NGUYỄN

Nguồn: https://tuoitre.vn/bi-kip-day-con-bot-ich-ki-20180321084851808.htm

 

 

TS. Xã hội học Phạm Thị Thúy: “Bạo lực bùng phát vì thiếu tình yêu thương”

 

Có thể nói, TS. Phạm Thị Thúy là một người đa năng. Vừa nghiên cứu lĩnh vực xã hội học, vừa lấy bằng thạc sĩ tâm lý trị liệu, lại học thêm phương pháp sư phạm. Chính vì kết hợp 3 trong 1 như vậy, nên những bài giảng và tư vấn của chị mang lại nhiều góc nhìn mới mẻ, nhân văn. 

Hơn 10 năm nay, chị tham gia nhiều khóa tập huấn về bạo lực gia đình, cung cấp kỹ năng tham vấn cho phụ nữ bị bạo hành, tham gia chủ trì tọa đàm về bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình... Đặc biệt, dù rất bận rộn, chị còn tham gia tư vấn tâm lý miễn phí sáng thứ 5 hàng tuần tại Phòng Tham vấn TYHNGĐ, Nhà văn hóa Phụ nữ, TPHCM.

Trong quá trình tư vấn, chị thấy nổi lên những vấn đề gì với phụ nữ bị bạo hành hiện nay?

- Trong các trường hợp đến phòng tham vấn, phần lớn là phụ nữ bị bạo lực dưới nhiều hình thức. Đau lòng nhất là trường hợp chị công nhân Bình Dương, bị chồng hành hạ, đày đọa, đánh đập nhiều năm, thậm chí còn… đi tiểu lên đầu. Các ca khác phần lớn là đánh chửi lẫn nhau trong cuộc sống gia đình, người chồng coi thường vợ mình, trong khi công sức người vợ bỏ ra là rất lớn, từ việc nội trợ, đến nuôi con, hoặc người vợ coi thường chồng kém cỏi... Một dạng bạo lực nữa là chồng chỉ đi nhậu, ăn chơi, không mang tiền về; người phụ nữ phải gánh hết mọi chi phí trong nhà, lại còn bị chồng chửi mắng, đòi đưa tiền để đánh bạc. Trường hợp này ở vùng quê khá nhiều.

Tỉ lệ thành công trong các ca tham vấn ra sao, thưa chị?

- Có hai trường hợp xảy ra: Một là tôi giúp cho họ nhìn lại thực tế và họ biết chấp nhận lẫn nhau, từ từ cải thiện cuộc sống cho dịu đi những căng thẳng. Hai là chỉ cho họ lối thoát khỏi bạo lực. Thực ra, những người cố tình đánh đập vợ không nhiều, chỉ khi họ quá bực bội, căng thẳng, nóng giận mà mất khôn chứ không phải vì ăn ở quá tệ với nhau. Các ca bạo lực phải được nhìn dưới góc độ mối quan hệ thực sự của họ, chứ không phải nhìn vào hiện tượng mà phán xét. Tôi cho rằng, họ cũng chỉ là nạn nhân của sự căng thẳng bên trong, cũng như rất nhiều uẩn ức ở quá khứ. Họ từng bị ai đó đánh đập, hoặc được nuôi dưỡng trong một gia đình bạo lực, nên phản ứng của họ cũng mang tính chất bạo lực. Qua trò chuyện, tôi giúp họ thấy bản chất mối quan hệ của họ, giúp cho người trong cuộc nhận ra và hiểu con người thật trong người chồng/vợ của họ, để họ giúp bạn đời của mình, và giúp chính mình thay đổi, sống thật hơn, không gồng mình kiểu bản năng, học cách thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ.

Một số ca đã hóa giải được mâu thuẫn, xung đột, làm cho hai bên đều thay đổi, còn một số ca buộc phải hướng người phụ nữ giải thoát khi bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần. Nhưng quyết định là làm gì tốt nhất cho cuộc sống của họ là ở chính họ. Chúng tôi chỉ phân tích tình huống, giúp họ nhận diện rõ vấn đề, hiểu rõ sức mạnh của bản thân để dám thay đổi giúp cuộc sống của họ tốt hơn.

Có tài liệu thống kê cho thấy, 50% phụ nữ Việt đang bị bạo hành. Nhưng là người trực tiếp tham vấn, theo chị, con số đó có cao hơn nữa?

- Theo quan sát thực tế của tôi, tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành là khá lớn, chứ không phải chỉ 50%. Vì bạo hành rất đa dạng.

Khi người chồng đánh vợ lần đầu tiên, người phụ nữ phải biết cư xử sao cho dứt khoát không để người kia đánh mình lần nữa. Khi người phụ nữ biết nói không với bạo lực ngay từ lần đầu tiên, và thể hiện sự mạnh mẽ của mình, nhận ra mình là một cá thể cần được tôn trọng, không ai được xúc phạm, thì sẽ dám tự tin lên tiếng bảo vệ bản thân một cách tích cực, người chồng mới biết dừng lại.

Theo chị, vì sao các cơ quan chức năng vẫn thờ ơ với nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, chỉ khi báo chí lên tiếng thì mới vào cuộc?

- Từ phía người quản lý, nhiều người còn rất xem nhẹ chuyện bạo lực. Người Việt hay có câu “yêu cho roi cho vọt”, nên nhiều người có tâm lý họ có quyền đánh con mình, đánh ai đó trong nhà mình để răn dạy - dường như suy nghĩ này đã thành thói quen. Cho nên, họ thường cho rằng, bạo lực là chuyện nhỏ. Nên người ta cứ khuyên phụ nữ phải "đóng cửa bảo nhau”, hay ho gì mà vạch tội chồng là vậy. Rất ít người ủng hộ việc người phụ nữ phải lên tiếng.

Một số nơi Hội phụ nữ làm tốt công tác tư vấn khi có dự án hỗ trợ. Nhờ các dự án có tài trợ, nhiều nơi tổ chức được chuyên đề phòng chống bạo lực gia đình cho chị em, tổ chức nhà tạm lánh, tổ chức tư vấn ca, tập huấn kỹ năng tư vấn... Còn nếu không có kinh phí, họ sẽ khó tổ chức thực hiện những hoạt động trên để hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành.

Vậy theo chị, mô hình nhà tạm lánh ở TPHCM có hoạt động hiệu quả?

- Khi phụ nữ bị bạo hành, họ thường giấu kín không cho người thân biết. Nên khi có sự cố bạo lực gia đình, họ không biết đi đâu. Vì thế mô hình nhà tạm lánh là rất cần thiết. Có một số nơi làm rất tốt khi tổ chức nơi tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành. Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương mô hình nhà tạm lánh chưa có nhiều. Một số nơi, sau khi dự án rút đi thì không còn nhà tạm lánh. Mặt khác, mô hình nhà tạm lánh ở VN khó thực hiện vì chỉ dựa vào thiện nguyện, không phải ai cũng dễ dàng đồng ý cho người lạ sống tạm trong nhà mình.

v Những phụ nữ bị bạo hành thường bị tổn thương tâm lý đến mức nào, thưa chị?

- Những tổn thương đó không thể đo đếm được. Tổn thương về tinh thần lớn nhất là họ cảm thấy mất giá trị, họ thấy mình không là gì nữa trên đời, nên nhiều người tìm đến cái chết. Sở dĩ, gần đây, có nhiều hiện tượng cha/mẹ giết con rồi tự tử, là bởi họ không còn đường lui nữa. Nếu sống chung với ông chồng bạo lực thì coi như cuộc sống cũng không còn, mất nhân phẩm, mất giá trị. Còn để con sống tiếp với người chồng hung bạo thì đời con sẽ ra sao? Chính vì thế mới có những thảm kịch mẹ chết chung cùng con vì suy nghĩ nông nổi rằng, để con mình đỡ khổ...

Chị từng nói, bạo lực học đường bùng phát vì thiếu tình yêu thương, và đừng đưa ra hình phạt đẩy người ta đến đường cùng…

- Thực ra, ở các trường bây giờ học trò học hành nhiều quá không còn thời gian để yêu thương nhau. Thầy cô cũng không có thời gian để tâm tình với trò. Vừa rồi, xuất hiện clip cô giáo cắt tóc cho trò rất dễ thương, thế mà cũng có người nói ra nói vào rằng, đó là bạo lực, chắc là cô phạt trò. Hình ảnh cô trò chăm sóc cho nhau như vậy quá hiếm trong môi trường học đường hiện nay, vì cả hai bên đều không có thời gian thể hiện tình yêu thương. Tình bạn của học trò cũng thế. Tôi buồn nhất là hiện nay, cứ một năm là người ta lại đảo lớp, khi đổi lớp, tất cả xáo trộn, bạn bè thân cũng thành sơ. Lý do có người giải thích nếu để học trò học chung cùng nhau lâu năm, chúng sẽ kết băng nhóm, sẽ tăng bạo lực học đường nhiều hơn! Nếu muốn học sinh bớt bạo lực, bớt hung bạo, thì càng phải xây dựng tình bạn tốt đẹp, chứ sao lại nghĩ học sinh học nhóm, thân nhau là sẽ trở nên quậy phá?

Thế còn câu chuyện học khoan dung, tha thứ có khó không, thưa chị?

- Khó chứ! Người ta chỉ tha thứ được cho người khác khi người ta biết tha thứ cho chính mình, biết chấp nhận và yêu thương bản thân. Khi đó, họ tự tin nhận ra mình là người có giá trị, là duy nhất, khác biệt với những người xung quanh. Mọi người xung quanh cũng khác biệt, không ai giống nhau cả. Họ sẽ ngừng so sánh họ với người khác. Họ ngừng bắt người khác phải như ý họ. Khi đó, họ có sự tôn trọng thực sự đối với mọi người xung quanh. Đó là cốt lõi trong bài giao tiếp của tôi khi tôi nói chuyện với các đối tượng khác nhau, là phải nhận ra mình là ai, nhận ra sự khác biệt giữa con người và con người, phải biết mình là cá thể duy nhất, mình có giá trị riêng và người khác cũng vậy. Bố mẹ cũng không giống con cái, không giống có nghĩa là đừng bắt ai theo ý mình và mình cũng không cần thiết phải theo ý mọi người. Hãy sống là chính mình, tôn trọng cá tính của mình để tự hoàn thiện. Ai cũng có ưu nhược điểm, hãy bao dung với mình và với người. Hiểu như vậy sẽ bớt nổi nóng.

Chị nghĩ sao khi xã hội đang khuyết dần niềm tin và người ta đối xử với người thân, người gần gũi xung quanh như với kẻ thù?

- Một trong những câu chuyện về giá trị là hiện nay người ta quá coi trọng giá trị vật chất. Người ta quên mất việc làm cái gì có ích cho mọi người, mà chỉ hướng đến giá trị là tiền và thật nhiều tiền để phục vụ bản thân họ. Chạy theo đồng tiền nên mới xảy ra chuyện đó.

Nhưng tôi không bi quan. Tôi nghĩ, đó chỉ là mặt trái. Đương nhiên, xã hội đang phát triển thì có những cái tệ, cái xấu không tránh khỏi. Nhưng nếu biết bệnh trong người thì mình phải chăm sóc bản thân. Chính những cái xấu đang nổi lên giúp người ta phân biệt trắng đen, đúng sai. Lúc đó người ta mới cảnh giác hơn. Ví dụ, cha mẹ bắt đầu quay lại giáo dục con cái chứ không còn thờ ơ, bỏ mặc cho nhà trường nữa, đó là dấu hiệu đáng mừng.

Ý nghĩa cuộc đời với chị?

- Tôi thích làm việc có ích cho mọi người. Đơn giản, khi được làm việc có ích tôi thấy vui. Tôi nghĩ trong cuộc sống mọi người chúng ta cần nhau, vì thế chúng ta cần quan tâm đến nhau, làm gì đó có ích cho nhau để cảm ơn nhau. Tất cả phải xuất phát từ sự tôn trọng và trân trọng nhau. Đằng sau cho và nhận còn là câu chuyện tự lựa chọn. Không ai là người ban ơn, không ai hy sinh cho ai cả. Tôi không thích từ hy sinh mà người ta hay gán cho phụ nữ như một đức tính, vì tất cả là do mình chọn mà. Tôi không hy sinh gì của tôi cả, tôi lựa chọn làm gì đó là sự quyết định của tôi dựa trên giá trị sống.

Xin cảm ơn chị!

NHẬT LỆ THỰC HIỆN

Nguồn: https://laodong.vn/archived/ts-xa-hoi-hoc-pham-thi-thuy-bao-luc-bung-phat-vi-thieu-tinh-yeu-thuong-723144.ldo

Ngày 13/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông 'Vì cuộc sống an toàn của trẻ em' cho hơn 500 công nhân lao động trên địa bàn quận Bình Tân.

Đây là chương trình đầu tiên khởi động của chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho những gia đình trẻ đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp về bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), phát biểu khai mạc chương trình truyền thông “Vì cuộc sống an toàn của trẻ em”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thực tế các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, hàng giờ.

Thống kê cho thấy, ở Việt Nam, mỗi năm, các cơ quan chức năng xử lý trên 2.000 trường hợp xâm hại trẻ em, trong đó hơn 80% là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và còn nhiều hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, trừng trị. Điều này đang gây nên nỗi sợ hãi cho những bậc làm cha, làm mẹ. Vì thế, để bảo vệ con em mình trước nguy cơ bị xâm hại, phụ huynh cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để bảo vệ trẻ cũng như dạy trẻ tự bảo vệ mình.

Trước hết, phụ huynh cần chủ động phòng ngừa, phát hiện nguy cơ từ sớm và đừng đặt con em mình vào môi trường dễ bị xâm hại. Thứ hai, cần mạnh dạn lên tiếng tố cáo đến cơ quan chức năng về các hành vi xâm hại trẻ em ở xung quanh mình nhưng cũng đồng thời phải bảo vệ bí mật riêng tư cho trẻ.

Chuyên gia tâm lý giải đáp thắc mắc của phụ huynh về giáo dục giới tính cho trẻ tại chương trình truyền thông “Vì cuộc sống an toàn của trẻ em”.

Bà Dragana Strinic - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam chia sẻ, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục để lại hậu quả lớn đối với sự phát triển thể chất, tinh thần của một đứa trẻ. Do đó, cần tạo nên những “rào chắn” cơ bản để bảo vệ trẻ là điều rất cần thiết. Hệ thống “rào chắn” này bao gồm các quy định pháp luật; trang bị, nâng cao kiến thức bảo vệ trẻ của cộng đồng và tự bảo vệ mình của trẻ.

“Thay vì né tránh, phụ huynh cần trao đổi một cách trực tiếp, rõ ràng với trẻ về các bộ phận trên cơ thể của trẻ. Trẻ cần nhận diện được đâu là bộ phận nhạy cảm, đâu là những tín hiệu nguy hiểm và cách xử lý trong từng trường hợp, bằng cách đó trẻ có thể xây dựng được khả năng tự bảo vệ chính mình”, bà Dragana Strinic nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện, ông Đặng Hoa Nam và chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về các kiến thức, tình huống trong giáo dục giới tính cho trẻ em. Ban Tổ chức đã giới thiệu bộ sản phẩm truyền hình mang tên “Cơ thể tớ là của tớ” do Kênh VTV7 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất nhằm cung cấp kiến thức về giới tính, các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn: https://baomoi.com/truyen-thong-vi-cuoc-song-an-toan-cua-tre-em-cho-cong-nhan/c/31822106.epi?fbclid=IwAR3xFVFVdUxY92IFerDrlNTMHBBQja7wyoBxb_XSVpxp29SWMV5alp1zztk

'Nếu chúng ta ngại ngần, sợ bị ảnh hưởng… thì kẻ xâm hại tình dục trẻ sẽ tiếp tục làm điều đó với những trẻ khác, trong khi lẽ ra chúng phải vào tù để không còn ai trở thành nạn nhân của chúng nữa”, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nêu quan điểm.
 
Hàng trăm phụ huynh và giáo viên tại buổi chia sẻ
MỸ QUYÊN
 
 
Những nội dung bổ ích về giáo dục giới tính, chống xâm hại tình dục trẻ em đã được các chuyên gia tâm lý về trẻ em giải đáp sáng nay 13.8 tại hội trường UBND Q.Bình Tân, TP.HCM. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông “Vì cuộc sống an toàn của trẻ em” do Cục trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam tổ chức, thu hút 500 giáo viên và công nhân trên địa bàn TP.HCM tham dự.

Từ 2 tuổi, nên để con tự vệ sinh thân thể

Có mặt tại chương trình, một giáo viên mầm non đặt câu hỏi: “Chúng tôi là giáo viên mầm non nên công việc đặc thù là phải vệ sinh cho trẻ, và không thể tránh khỏi việc có lúc phải chạm vào cơ thể, thậm chí vùng kín của các con. Đặc biệt có lớp giáo viên là nam… Như vậy thì có ảnh hưởng gì tới các trẻ không?”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho rằng đây là một câu hỏi rất thiết thực. Ông Nam nhìn nhận: “Khi trẻ còn rất nhỏ, dưới 3 tuổi, ngay cả các ông bố cũng nên hạn chế tắm hoặc thay đồ cho con, nhất là con gái. Khi trẻ 3 tuổi trở nên thì chỉ nên để mẹ của bé giúp bé vệ sinh thân thể. Nhiều quốc gia không cho phép người không phải là cha mẹ đụng chạm vào vùng kín của con trẻ, kể cả giáo viên. Chính vì thế, tôi cho rằng việc giúp trẻ vệ sinh nên để giáo viên nữ làm và cố gắng hướng dẫn để bé tự làm thì sẽ tốt hơn”.
Dũng cảm tố cáo để kẻ xâm hại tình dục trẻ em bị trừng trị - ảnh 1

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi tại chương trình

MỸ QUYÊN

Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM, cũng cho rằng việc vệ sinh thân thể nên để cho trẻ tự làm. “Người Việt chúng ta ít dạy trẻ tự vệ sinh bản thân từ khi còn nhỏ. Đa số cha mẹ làm thay con. Có trẻ lớn rồi nhưng vẫn không thể tự tắm… Đó là một sai lầm. Cha mẹ nên dạy con từ nhỏ để 2 tuổi trở lên là bé phải thành thạo việc vệ sinh cơ thể mình. Lúc đầu có thể chưa sạch nhưng làm nhiều sẽ thành kỹ năng và sẽ làm tốt. Khi hướng dẫn con làm, cha mẹ cũng chỉ nên đứng từ phía sau, không nên đứng trước để tránh nhìn vào vùng kín của con. Phải để cho con biết cơ thể của con là của con, nó rất quý giá nên không được cho ai nhìn hay chạm vào”, tiến sĩ Thúy chia sẻ.
 
Chị Thúy còn khuyên cha tuyệt đối không được tắm cùng con gái và mẹ cũng không nên tắm cùng con trai dù con còn nhỏ.

Trả lời qua loa càng khiến trẻ tò mò

Tiếp tục nêu vấn đề mà từ bao lâu nay các bậc phụ huynh vẫn vô cùng bối rối, một giáo viên thắc mắc: “Khi con tôi hỏi, con được sinh ra như thế nào? Tôi đã trả lời “ba đặt tình yêu vào mẹ, tình yêu đó lớn dần lên và mẹ đã sinh ra con”. Con lại hỏi tiếp: Nhưng ba đã đặt tình yêu vào mẹ bằng cách nào? Lúc này thì tôi không biết mình phải nói sao cho phù hợp”. Tương tự, một phụ huynh kể con mình học cấp 2 bị một bạn trai hôn trộm và về hỏi mẹ là như thế liệu con có bị mang bầu hay không? Vị phụ huynh này nói không sao, con hỏi tiếp vậy như thế nào mới có bầu, thì vị phụ huynh đành lảng sang chuyện khác.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhận định câu trả lời của phụ huynh hết sức dễ thương, nhưng với một trẻ đã có nhận thức, trẻ không dễ dàng thỏa mãn lời giải thích “mơ hồ” đó, nên tiếp tục hỏi khiến phụ huynh bối rối. Tiến sĩ Thúy thẳng thắn: “Tùy vào lứa tuổi của con để chúng ta có câu trả lời phù hợp. Vì dụ khi trẻ 3-4 tuổi thì chúng ta có thể trả lời đơn giản. Trẻ lớn hơn, chúng ta đừng ngại ngần và cũng không nên trốn tránh, vì cành trốn tránh càng khiến trẻ tò mò. Chúng ta có thể dùng các hình ảnh, clip minh họa rất khoa học để giải thích cho trẻ. Đừng ngại nói những câu như “quan hệ tình dục, tinh trùng, trứng”. Nhưng phải thật nhẹ nhàng, khéo léo, chẳng hạn “ba và mẹ yêu nhau nên sẽ có những gần gũi về cơ thể. Khi tình yêu đủ lớn ba mẹ sẽ có quan hệ tình dục, lúc đó, tinh trùng của ba sẽ gặp trứng của mẹ và sẽ tạo ra con”…

Trẻ bị xâm hại vì cha mẹ chủ quan và thiếu hiểu biết

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng cha mẹ không nên ngăn cấm con tìm hiểu về giới tính, về cơ thể, ngược lại phải chủ động giúp con có kiến thức để tự bảo vệ mình. Theo ông Nam, cha mẹ không có hiểu biết để chia sẻ với con, thì con cũng sẽ thiếu kiến thức. Từ đó, con sẽ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến hành động lệch chuẩn và không đủ hiểu biết để bảo vệ mình.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhìn nhận: “Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại là vì sự chủ quan của cha mẹ. Ví dụ như nhờ hàng xóm, họ hàng trông con, thiếu quan tâm tới sự phát triển của con, thiếu sự yêu thương gần gũi chia sẻ… Qua khảo sát có đến 93% trường hợp xâm hại là từ người quen biết. Vì thế, khi con dưới 6 tuổi chúng ta không được để con một mình hoặc với người không đủ tin cậy”.
Khi phát hiện con có những tò mò về giới tính, tiến sĩ Thúy khuyên cha mẹ không được la mắng trẻ. Đặc biệt khi con kể con bị ai đó “xâm hại” thì phải thật bình tĩnh, không làm trẻ hoảng loạn và phải dũng cảm tố cáo kẻ xâm hại đó với cơ quan chức năng. “Nếu chúng ta ngại ngần, sợ bị ảnh hưởng… thì kẻ xâm hại sẽ tiếp tục làm điều đó với những trẻ khác trong khi lẽ ra chúng phải bị tống vào tù để không còn ai trở thành nạn nhân của chúng nữa”, tiến sĩ Thúy nêu quan điểm.
Ông Đặng Hoa Nam lưu ý, nếu phụ huynh hay giáo viên phát hiện con em mình, học trò mình hoặc một đứa trẻ hàng xóm có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, thì cần thông báo cho UBND phường, xã, cơ quan công an hoặc các phòng LĐ-TB-XH hoặc Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 bất cứ lúc nào.
Mỹ Quyên

 Chỉ vì từ hôn mà cô giáo bị thầy giáo sát hại. Chỉ vì bị từ chối tình cảm mà nam sinh viên quyết ra tay tàn độc với nữ sinh viên. Những vụ án mạng gây rúng động dư luận khiến các cô gái không khỏi giật mình: Làm thế nào để tự bảo vệ khi nói lời chia tay trước chính người mình từng yêu, “đội lốt” trong những vỏ bọc rất đỗi hiền lành trở thành sát thủ máu lạnh?

 

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM) chia sẻ với PNVN một số cách giúp các cô gái tự bảo vệ khi nói lời chia tay.

thuy.jpg

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy 

 

 

Nếu có tình cảm thực, đến con vật nuôi cũng không nỡ làm nó đau…

 

 

- Là người am hiểu trong lĩnh vực tâm lý, xin chị cho biết khi bị từ chối tình cảm, cú sốc của nam giới thường xảy ra như thế nào?

 

Đàn ông thích chinh phục, thích chiến thắng và thích được đề cao… Khi bị từ chối tình cảm, đàn ông dễ có tâm lý cảm thấy bị coi thường, thấy mình là kẻ thất bại, không chấp nhận sự thật, đổ lỗi cho người yêu,… Một số đàn ông đã phản ứng tiêu cực, hận người yêu nên đã bạo lực với người yêu, thậm chí là giết người yêu rồi tự sát… như một số vụ gần đây đã xảy ra. 

nam-sinh.jpgNghi can Phạm Văn Quý sau khi sát hại bạn gái Phạm Thị Hằng - nữ sinh lớp 12 trường THPT Con Cuông, Nghệ An - đã cắt gân tự sát. Vụ án gây chấn động cuối năm 2017. 

- Những vụ điển hình nam thanh niên ra tay tàn độc vừa qua, theo chị có phải vì họ ghen, vì quá yêu, vì cảm thấy bị xúc phạm, bỏ rơi, vì không kiềm chế được bản thân hay còn lý do nào khác nữa?

 

Theo tôi, vì họ không có tình yêu thực sự với nạn nhân thì đúng hơn. Họ chỉ yêu chính họ. Họ yêu cảm giác họ chinh phục được ai đó, ai đó phải phục tùng họ, là thứ đồ trang sức của họ, là người phục vụ họ,.. Đó là sự ích kỷ bởi nếu yêu thực sự không ai có thể gây hại cho người mình yêu.

 

Thậm chí, nuôi con vật cưng mà mình thương nó, mình cũng còn không nỡ làm con vật đau. Những kẻ nhân danh yêu, ghen, quá yêu… rồi lên cơn tức giận tàn hại người yêu là những kẻ không có trái tim. Hoặc trái tim anh ta tràn đầy sự ích kỷ và độc ác.

 

Cũng có những người vì để cơn giận làm chủ nên đã cả giận mất khôn, sát hại người yêu xong thì ân hận cả đời. Nhưng sâu xa bên trong những kẻ giận dữ mất kiểm soát cũng là tính sở hữu, tính ích kỷ. Con người có lương tâm, có đạo đức thì dù giận mấy cũng không cho phép mình làm tổn hại người khác.

 

Không thể đổ lỗi cho người bị sát hại

 

- Những vụ sát hại xảy ra gần như liên tiếp, phải chăng tính sát thủ, máu lạnh, vô nhân tính trong một số nam thanh niên hiện nay tăng lên đến mức báo động?

 

Thực trạng này là dấu hiệu báo động đỏ cho thấy đạo đức của một bộ phận nam thanh niên đang bị suy đồi. Nhân cách con người được hình thành từ quá trình trong bào thai, từ khi sinh ra và lớn lên, do nhiều nhân tố xã hội tạo thành, từ  môi trường gia đình, nhà trường đến xã hội.

 

Tại sao một số thanh niên có thể ra tay sát hại người con gái yếu đuối hơn mình, những em bé chưa có sức phản kháng như trong vụ án Lê Văn Luyện… Có lẽ nguyên nhân thuộc về cả 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội.

1_467374.jpgĐám tang cô giáo bị người yêu cũ sát hại giữa ban ngày, ngay trên đường phố Sài Gòn 

- Còn về phía nhiều nữ thanh niên hiện nay, phải chăng cũng có một phần lỗi thuộc về mình?

 

Nạn nhân không có lỗi trong việc họ bị đâm chết. Không ai có quyền làm tổn hại đến thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác. Có chăng các nạn nhân đã thiếu khả năng chọn người để yêu và kỹ năng từ chối trong tình yêu.

 

Không chủ quan trước những lời đe dọa

 

- Khi vụ việc xảy ra, hung thủ nhiều khi được cho là khá hiền lành và trước khi ra tay không có biểu hiện đe dọa hay muốn đoạt tính mạng của người khác.  Vậy các cô gái cần phải làm gì để bảo vệ mình? Trước hết, cần nói lời từ chối thế nào cho hợp lý, văn minh?

 

Từ chối là một kỹ năng không dễ. Người xưa có câu “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Các bạn gái khi từ chối cần tìm hiểu kỹ tâm lý, nhu cầu, cá tính của người yêu để chọn thời điểm, không gian, nội dung nói chuyện phù hợp. Điều quan trọng nhất là học cách tôn trọng lẫn nhau khi nói lời từ chối dù có không đồng quan điểm, không còn tình cảm với nhau, không ưa nhau nữa.

 

Trước khi nói lời từ chối cần bật đèn vàng báo hiệu cho người yêu biết cảm xúc của mình, đừng để họ bất ngờ trước lời từ chối. Sự giãn cách trong tình cảm từ từ rồi mới nói lời chia tay sẽ được đối phương đón nhận nhẹ nhàng hơn, chống sốc cho họ.

 

Các cô gái có thể thưa dần sự gặp gỡ, bớt dần sự quan tâm trước đây, nói xa nói gần cho người yêu biết mình và người ấy không hợp. Thậm chí còn cần bộc lộ cho người đó thấy vài điểm không hợp của mình với họ để người kia tự nhận ra hai người không phù hợp để tiếp tục tình yêu…

 

Mỗi người đàn ông có cá tính riêng. Vì thế, người con gái cần lựa cách phù hợp với đối tượng của mình. Tôi thường hay chia sẻ với sinh viên rằng chọn người để yêu cho cẩn thận chứ nhận lời yêu đã khó mà từ chối chia tay tình yêu còn khó hơn nhiều.

 

Yêu người tử tế thì họ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của bạn, họ yêu bạn vì hạnh phúc của bạn chứ không vì sự sở hữu bạn. Những người đàn ông này nếu chia tay họ có đau khổ nhưng họ không thể, không muốn làm khổ bạn. Còn nếu yêu nhầm người ích kỷ, vô đạo đức thì dù bạn có khéo léo, văn minh cỡ nào bạn cũng lãnh hậu quả xấu.

 

Khi nói lời chia tay cần khẳng định sự tôn trọng bằng thái độ, ngôn ngữ, giọng điệu để đối tượng giảm bớt cảm xúc tiêu cực đã nói ở trên. Bạn gái cần cho bạn trai hiểu mình chia tay vì không còn hợp nhau, không còn tình yêu, nhưng mình luôn tôn trọng và muốn làm bạn của nhau.

 

- Việc chia tay vốn dĩ là chuyện riêng tư, chuyện của hai người. Vì thế, khi chia tay nếu có thêm người thứ ba thì có bị đối phương làm lớn chuyện lên không?

 

Theo tôi, cẩn thận vẫn hơn bởi đây là thời điểm hết sức nhạy cảm, cú sốc dễ vượt ngưỡng và “đối phương” dễ bị manh động. Các bạn gái cần lựa chọn nói lời chia tay ở không gian có người qua lại. Trong những trường hợp cần thiết nên có bạn gái hay người thân khác đi cùng hoặc ở gần để hỗ trợ tinh thần và trợ giúp. Khi người kia thấy có người thứ 3 cũng khó manh động, hành hung mình.

 

Sau khi phát tín hiệu nói lời chia tay, bạn gái không nên đi đâu đó một mình. Thậm chí, tránh hẹn gặp riêng người yêu, tránh có những cử chỉ quan tâm dù có ý tốt nhưng dễ gây hiểu lầm và bị níu kéo không thể chia tay.

 

Nếu bạn gặp phải sự đe dọa từ “đối phương”, bạn nên thông báo cho những người thân khác của bạn biết và nhờ sự trợ giúp. Tuyệt đối không chủ quan trước những lời đe dọa.

 

Dạy con cách chọn người yêu, cách yêu, từ chối yêu… càng sớm càng tốt

1438912241_con-gai1jpg-2047.jpgCùng con nói chuyện về cuộc sống, về tình yêu, nghệ thuật yêu và cách xử lý khủng hoảng khi yêu. Ảnh minh họa 

- Lời khuyên của chuyên gia cho cả hai phía khi xảy ra mâu thuẫn tình cảm không thể dung hòa?

 

Mâu thuẫn trong tình yêu là khó tránh, đừng quyết định vội vàng khi mới xảy ra mâu thuẫn. Hãy giải quyết mâu thuẫn xong rồi cân nhắc kỹ mới nên nói lời chia tay. Nếu một chút mâu thuẫn đã chia tay có thể bạn sẽ đánh mất một tình yêu đẹp. Mỗi đôi yêu nhau đều trải qua nhiều sóng gió, nhiều mâu thuẫn, nhờ mâu thuẫn, họ càng hiểu nhau hơn, càng yêu nhau hơn.

 

Vì vậy, cần sáng suốt nhìn nhận những mâu thuẫn là sự khác biệt có thể chấp nhận và sự khác biệt không thể chấp nhận được. Nếu là khác về quan điểm sống, giá trị đạo đức sống thì cần phải cân nhắc kỹ. Nếu chỉ khác biệt trong những biểu hiện thì nên chấp nhận và học cách sống chung…

 

- Các ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi cập kê, đặc biệt là với bố mẹ các cô gái thì sao?

 

Cha mẹ cần dạy con: Chọn bạn mà chơi, chọn người mà yêu và cách yêu, cách từ chối trong tình yêu… càng sớm càng tốt. Dạy qua lời nói, qua sách truyện, qua phim ảnh, qua câu chuyện thực tế trên báo chí…

 

Ví dụ nhân câu chuyện thầy giáo sát hại cô giáo, cha mẹ hãy dạy con về cách nói lời từ chối.

 

- Xin cảm ơn TS Xã hội học Phạm Thị Thúy!

 

 

Hạnh phúc là khi yêu thương và chấp nhận chính mình, yêu thương và chấp nhận người khác, làm những việc có ích, giúp được người khác... Đó là quan niệm của tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
“Tôi cũng từng có nhiều đau khổ...”
Vì sao chị tâm huyết tham gia xây dựng đề cương giáo trình hạnh phúc và mong muốn đưa “hạnh phúc” vào các trường như bộ môn chính thức?
Môn học hạnh phúc từ lâu đã được nhiều nước đưa vào giảng dạy. Tôi rất mừng là mấy năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo nước ta cũng đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Từ năm 2007, tôi bắt đầu đi chia sẻ về hạnh phúc. Tôi may mắn tham gia với thầy tôi - PGS-TS xã hội học Lê Ngọc Văn - trong công trình nghiên cứu Hạnh phúc của người Việt Nam, khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá mới được xuất bản. Hiện nay, một số trường, một số tổ chức đã mời chúng tôi giảng dạy về hạnh phúc.
Tâm huyết của chúng tôi là mong muốn đưa vào lớp học phương pháp sư phạm tích cực và kỷ luật tích cực, nhằm giúp giáo viên hạnh phúc hơn, học trò hạnh phúc hơn, như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Tôi tin môn học hạnh phúc sẽ được phổ biến vì ai cũng muốn hạnh phúc mà (cười).
Hạnh phúc theo quan niệm của chị?
Hạnh phúc của tôi đơn giản lắm! Hạnh phúc là khi yêu thương và chấp nhận chính mình. Là khi yêu thương và chấp nhận người khác. Là khi làm những việc có ích, giúp được người khác. Với tôi, hạnh phúc là sống trọn vẹn từng phút giây và trân quý những gì mình đang có.
Và chị có cho rằng mình là người hạnh phúc?
Hồi bé, có lúc tôi từng muốn tự tử khi chứng kiến mâu thuẫn trong gia đình. Tôi nhớ lại cảm giác lúc đó của mình rất tệ.
Lớn lên lấy chồng, sinh con, những năm đầuhôn nhân có những xung đột va chạm, tôi cũng từng rất đau khổ. Rồi giai đoạn học nghiên cứu sinh, tôi vật vã vì quá nhiều việc, vừa học vừa làm vừa lo con nhỏ. Hay gần đây nhất là khi học xong tiến sĩ, tự nhiên tôi không biết con đường tiếp theo như thế nào, mình là ai, mình sẽ làm gì, bỗng nhiên chơi vơi, trống rỗng, mệt mỏi, mất phương hướng...
Chị Thúy trò chuyện với học sinh trong chuyên đề Tình bạn - tình yêu tuổi học trò
 
Thật may mắn, tôi đã vượt qua được những sóng gió đó và tự định vị lại bản thân. Tôi nghĩ nếu không có những chông gai thử thách thì không có mình bây giờ, nó làm cho mình mạnh mẽ hơn rất nhiều. Những năm gần đây, càng ngày tôi càng cảm nhận sự an nhiên nhiều hơn…
Khi truyền đạt về hạnh phúc, thông điệp chị muốn chia sẻ là gì?
Tôi thường nhấn mạnh vào nguồn gốc của cảm xúc. Nhiều người cứ nghĩ tại ai đó sai nên mình tức giận, ai đó xấu nên mình ghét… Thực ra cảm xúc là do mình chịu trách nhiệm chứ không phải do người khác.
Mình không thay đổi được sự vật, sự việc, không thay đổi được người khác mà chỉ thay đổi được cách nhìn của chính mình về vấn đề đó. Một khi học cách nhìn tích cực, lạc quan, mình sẽ thấy mọi chuyện nhẹ nhàng. Nếu biết yêu thương người khác, biết đặt mình vào vị trí của họ, mình sẽ thông cảm và không còn trách móc, hờn giận, đổ lỗi nữa. Mình sẽ biết hợp tác với họ, tìm cách giải quyết rắc rối, vượt qua những xung đột chứ mình không bị sa vào các cảm xúc tiêu cực. Quan điểm này tôi thấy mỗi khi tôi thực hành đều rất hiệu quả.

Nghề tham vấn tâm lý: Nói được thì phải làm được

Làm tham vấn viên tâm lý, chị thường giúp người khác tìm cách tháo gỡ rắc rối. Còn khi bản thân gặp rối rắm, chị “xử lý” thế nào?
Tôi có thể nhờ lời khuyên từ thầy cô của tôi, tâm sự với những người bạn cùng nghề mà tôi đủ tin tưởng. Tuy nhiên, tôi thường không đi hỏi người khác, tôi dùng kiến thức và kinh nghiệm trong nghề tham vấn để xử lý lại các vấn đề của tôi. Tôi thích dùng nhất là kỹ thuật tách rời. Nghĩa là khi tôi đang trong rắc rối, tôi tập tách rời tôi khỏi con người hiện tại, thử đặt mình là một người khác để phân tích tình huống và tham vấn tâm lý cho tôi. Kỹ thuật tách rời này giúp tôi không bị luẩn quẩn trong mớ hỗn độn của vấn đề. Tôi còn học được kỹ thuật ở Phật giáo là thiền định - tĩnh tâm, tập trung vào hơi thở để tâm an và từ đó trí sáng.

Hạnh phúc là khi yêu thương và chấp nhận chính mình. Là khi yêu thương và chấp nhận người khác. Là khi làm những việc có ích, giúp được người khác. Với tôi, hạnh phúc là sống trọn vẹn từng phút giây và trân quý những gì mình đang có. 

Chị nghĩ gì về một số ý kiến liên quan đến chuyện ly hôn và nghề tham vấn, như: Ông/bà đó đổ vỡ mà lại đi rao giảng, tư vấn về tình yêu - hôn nhân - gia đình?
Nhiều chuyên viên tâm lý có cuộc sống gia đình đổ vỡ. Trong đó, có những người đổ vỡ trong quá khứ, tức là sau ly hôn họ mới bước vào công việc tham vấn tâm lý. Vậy mà họ vẫn bị đánh giá rằng: “Đấy! Giúp người khác nhưng thực ra có giúp được mình đâu!”.
Bản thân tôi may mắn có hôn nhân hạnh phúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là con đường tình yêu, hôn nhân của tôi bằng phẳng. Thời yêu nhau, chúng tôi có ba lần bỏ nhau rồi lại quay lại. Khi lấy nhau, một lần tôi muốn bỏ anh ấy và một lần anh ấy dọa bỏ tôi vì “cái tội” tôi đi làm quá nhiều, không dành thời gian cho chồng con. Hai vợ chồng tôi phải đàm phán và tìm giải pháp phù hợp… Sau này khi người ta mời nói chuyện chuyên đề làm sao cân bằng trong cuộc sống, tôi thẳng thắn chia sẻ những trải nghiệm, những thất bại, sai lầm của tôi. Và tôi cảm ơn chồng mình đã quyết liệt lên tiếng để tôi biết mà điều chỉnh.
Tôi vẫn thường nói với chồng tôi rằng lúc nào mình không còn yêu nhau thì chia tay, chứ không phải vì tôi làm nghề này mà không dám ly hôn. Trong tham vấn, tôi ủng hộ thân chủ muốn ly hôn nếu họ không thể xây dựng lại các mối quan hệ, không thể học cách sống chung với nhau, không còn sự tôn trọng nhau...
Nhiều ngườiđánh đồng ly hôn với thất bại, tôi không nghĩ như vậy. Ly hôn không nói lên sự thất bại trong cuộc sống mà đôi khi nó lại là chìa khóa hạnh phúc cho những năm tháng tiếp theo.
Chị Thúy chia sẻ phương pháp sư phạm tích cực cho nhóm sinh viên quốc tế
 
Là tham vấn viên, chị có gặp áp lực giữa nói và làm?
Những buổi tôi đi dạy, chia sẻ về hạnh phúc gia đình, thỉnh thoảng tôi nghe những câu hỏi như: “Thử xem cô có làm được điều cô nói không?”, “Thế cô với chồng cô thì sao?”...
Nghề tham vấn là lắng nghe và giúp đỡ. Nên ai hỏi câu gì, tôi đều trong tâm thế lắng nghe và giúp đỡ. Tôi cho rằng họ muốn nghe những trải nghiệm thật, cảm xúc thật của tôi chứ không thích lý thuyết suông. Nói vui là cho dù có bị hỏi đểu, hỏi khó thì tôi cũng không ngán (cười).
Làm tham vấn viên không có nghĩa là cuộc đời của họ luôn thuận lợi. Với tôi, nghề này đã dạy tôi cách sống tốt hơn. Thân chủ có những nỗi đau và đó chính là những bài học quý cho tôi. Đấy là lý do tại sao tôi làm tham vấn nhưng không bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc này. Bởi vì tôi được lộc từ nghề này rất nhiều! Tôi giúp người khác nhưng thực ra tôi đang giúp tôi, thân chủ dạy cho tôi rất nhiều kinh nghiệm.

Dạy con là hoàn thiện bản thân

Phạm Thị Thúy sinh năm 1977, tại Nam Định.
Cử nhân xã hội học, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Hà Nội (1995 - 1999).
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ thực hành phương pháp sư phạm, thạc sĩ tâm lý trị liệu.
Hiện là giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM.
Chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM.
Chị có rất nhiều công trình nghiên cứu giá trị, chủ trì hoặc tham gia biên soạn gần 15 đầu sách, như: Thai giáo - phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ, Nghề làm cha mẹ, Phúc nuôi dạy con, Cẩm nang phương pháp sư phạm, Kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh, Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con…
Quan niệm của chị trong việc giáo dục con cái?
Đi nói chuyện về dạy con, tôi hay trích dẫn câu: “Sinh con rồi mới sinh cha - Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Ngày xưa, khi nghe câu đó, tôi thấy vô lý quá. Nhưng càng trải nghiệm tôi càng thấy đúng. Nhờ sinh con mà mình mới bắt đầu làm cha làm mẹ, bắt đầu sửa đổi, hoàn thiện bản thân và phải làm gương.
Trước đây, có giai đoạn tôi không kìm chế được cơn nóng giận, tôi hay la hai đứa con thì y như rằng các con la nhau. Tôi giật mình: Ô, mình sai trước rồi! Nên tôi phải học cách nói chuyện từ tốn với con. Mỗi lần trải nghiệm như vậy, tôi thấy con đang dạy mình.
Trong khá nhiều hoạt động chị đang tham gia giảng dạy, chủ đề nào khiến chị tâm huyết nhất?
Có hai chủ đề tôi tâm huyết nhất, tôi kiên nhẫn theo đuổi bao nhiêu năm nay, không bao giờ từ bỏ. Thứ nhất: Phương pháp sư phạm tích cực để làm lớp học hạnh phúc và giáo viên hạnh phúc. Thứ hai: Thai giáo, dạy con từ trong bụng mẹ. Từ ngày tôi cam kết với chồng bớt công việc để có thời gian bên gia đình, thường thứ bảy, chủ nhật người ta mời bao nhiêu tiền tôi cũng không đi. Nhưng với hai chủ đề trên, nếu rơi vào những ngày “cấm kỵ” đó, tôi cũng xin chồng con cho đi nói chuyện vì đây là đam mê, tâm huyết của tôi.
Những vấn đề xã hội khiến chị trăn trở?
Nhiều bạn trẻ tâm sự với tôi là các em chán nản, tuyệt vọng, mất phương hướng, không tìm được niềm vui sống. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm. Tỷ lệ người trẻ đến với tôi vì buồn chán ngày càng tăng, đó là điều tôi lo ngại. Do vậy, tôi cố gắng lan tỏa những thông điệp hạnh phúc, thực hiện nhiều chương trình định hướng tương lai cho giới trẻ.
Bên cạnh đó, tôi thấy rằng nhiều bạn trẻ chỉ vì thiếu kỹ năng mà đánh mất hạnh phúc gia đình hoặc con cái không được chăm sóc đầy đủ từ trong bụng mẹ. Cho nên tôi rất muốn mở các lớp tiền hôn nhân, kỹ năng làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ. Nói chung, công việc gì của tôi cũng đều có mũi tên đi về chữ hạnh phúc. Tôi làm mọi việc đều quay về giá trị sống mà tôi coi trọng, đó là tôi muốn giúp nhiều người hạnh phúc.
 
Dưới góc nhìn của tôi, chị Thúy là người năng động, rất ham học hỏi. Từ học nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng công việc cho đến học ở đồng nghiệp, học viên của mình…, với thái độ rất khiêm tốn. Chị Thúy biết vận dụng những gì mình học được, nghiên cứu được để hỗ trợ người khác, làm lan tỏa tinh thần sống tích cực. Những gì Thúy nói được thì làm được…
Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang Trưởng khoa Đại cương, Học viện Cán bộ TP.HCM
 
Nói về tiến sĩ Phạm Thị Thúy, xin gói gọn trong 3 từ: tin cậy, hài hòa và nhất quán. Tin cậy, bởi Thúy là người bài bản, chắc chắn, nghiêm túc và đầy nhiệt huyết trong mọi công việc. Hài hòa trong các mối quan hệ đời thường: khiêm tốn, chu đáo, tế nhị trong tình bạn, chung thủy trong tình vợ chồng và có trách nhiệm với việc nuôi dạy con. Nhất quán khi thẳng thắn nói những gì mình nghĩ, làm những điều mình nói và sống theo những gì mình tin.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải, giảng viên Học viện Tomas Aquino
 
Chị Thúy là người có tinh thần và cái tâm vì cộng đồng rất lớn. Thấy cái gì tốt cho cộng đồng hay bất kỳ ai nhờ giúp đỡ, tư vấn, chị Thúy đều thực hiện một cách chân thành. Nhiệt tình, hồn nhiên, dấn thân, nghĩ cho người khác, đó là những điểm mạnh để chị Thúy vượt qua các rào cản và làm được nhiều chuyện.
Thúy còn là ca khá thành công trong việc từ một người không biết làm sách trở thành tác giả của nhiều đầu sách. Quyển sách tôi ấn tượng nhất là Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con, vì qua đó thể hiện rất cao tinh thần trách nhiệm xã hội của chị trước những vấn đề bức xúc.
Bà Dương Ngọc Hân, Tổng biên tập Saigon Books

 
 

Hạnh phúc là khi yêu thương và chấp nhận chính mình, yêu thương và chấp nhận người khác, làm những việc có ích, giúp được người khác... Đó là quan niệm của tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP.HCM.

 

 

Vì sao chị tâm huyết tham gia xây dựng đề cương giáo trình hạnh phúc và mong muốn đưa “hạnh phúc” vào các trường như bộ môn chính thức?

Môn học Hạnh phúc từ lâu đã được nhiều nước đưa vào giảng dạy. Tôi rất mừng là mấy năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo nước ta cũng đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.

Chị Thúy chia sẻ chuyên đề Tinh bạn - tình yêu tuổi học trò

 

Từ năm 2007, tôi bắt đầu đi chia sẻ về hạnh phúc. Tôi may mắn tham gia với thầy tôi - PGS.TS xã hội học Lê Ngọc Văn - trong công trình nghiên cứu Hạnh phúc của người Việt Nam, khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá mới được xuất bản. Hiện nay, một số trường, một số tổ chức đã mời chúng tôi giảng dạy về hạnh phúc.

 

 

Tâm huyết của chúng tôi là mong muốn đưa vào lớp học phương pháp sư phạm tích cực và kỷ luật tích cực, nhằm giúp giáo viên hạnh phúc hơn, học trò hạnh phúc hơn, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Tôi tin môn học hạnh phúc sẽ được phổ biến vì ai cũng muốn hạnh phúc mà (cười).

Hạnh phúc theo quan niệm của chị?

 

Và chị có cho rằng mình là người hạnh phúc?

Hồi bé, có lúc tôi từng muốn tự tử khi chứng kiến mâu thuẫn trong gia đình. Tôi nhớ lại cảm giác lúc đó của mình rất tệ.

Lớn lên lấy chồng, sinh con, những năm đầu hôn nhân có những xung đột va chạm, tôi cũng từng rất đau khổ. Rồi giai đoạn học nghiên cứu sinh, tôi vật vã vì quá nhiều việc, vừa học vừa làm vừa lo con nhỏ. Hay gần đây nhất là khi học xong tiến sĩ, tự nhiên tôi không biết con đường tiếp theo như thế nào, mình là ai, mình sẽ làm gì, bỗng nhiên chơi vơi, trống rỗng, mệt mỏi, mất phương hướng...

Thật may mắn, tôi đã vượt qua được những sóng gió đó và tự định vị lại bản thân. Tôi nghĩ nếu không có những chông gai thử thách thì không có mình bây giờ, nó làm cho mình mạnh mẽ hơn rất nhiều. Những năm gần đây, càng ngày tôi càng cảm nhận sự an nhiên nhiều hơn…

Tổ ấm gia đình chị Thúy

 

 

Khi truyền đạt về hạnh phúc, thông điệp chị muốn chia sẻ là gì?

 

Tôi thường nhấn mạnh vào nguồn gốc của cảm xúc. Nhiều người cứ nghĩ tại ai đó sai nên mình tức giận, ai đó xấu nên mình ghét… Thực ra cảm xúc là do mình chịu trách nhiệm chứ không phải do người khác.

 

Mình không thay đổi được sự vật, sự việc, không thay đổi được người khác mà chỉ thay đổi được cách nhìn của chính mình về vấn đề đó. Một khi học cách nhìn tích cực, lạc quan, mình sẽ thấy mọi chuyện nhẹ nhàng. Nếu biết yêu thương người khác, biết đặt mình vào vị trí của họ, mình sẽ thông cảm và không còn trách móc, hờn giận, đổ lỗi nữa. Mình sẽ biết hợp tác với họ, tìm cách giải quyết rắc rối, vượt qua những xung đột chứ mình không bị sa vào các cảm xúc tiêu cực. Quan điểm này tôi thấy mỗi khi tôi thực hành đều rất hiệu quả.

Làm tham vấn viên tâm lý, chị thường giúp người khác tìm cách tháo gỡ rắc rối. Còn khi bản thân gặp rối rắm, chị “xử lý” thế nào?

Tôi có thể nhờ lời khuyên từ thầy cô của tôi, tâm sự với những người bạn cùng nghề mà tôi đủ tin tưởng. Tuy nhiên, tôi thường không đi hỏi người khác, tôi dùng kiến thức và kinh nghiệm trong nghề tham vấn để xử lý lại các vấn đề của tôi. Tôi thích dùng nhất là kỹ thuật tách rời. Nghĩa là khi tôi đang trong rắc rối, tôi tập tách rời tôi khỏi con người hiện tại, thử đặt mình là một người khác để phân tích tình huống và tham vấn tâm lý cho tôi. Kỹ thuật tách rời này giúp tôi không bị luẩn quẩn trong mớ hỗn độn của vấn đề. Tôi còn học được kỹ thuật ở Phật giáo là thiền định - tĩnh tâm, tập trung vào hơi thở để tâm an và từ đó trí sáng.

 

 

Chị Thúy chia sẻ với giáo viên về việc hướng nghiệp

 

 

Chị nghĩ gì về một số ý kiến liên quan đến chuyện ly hôn và nghề tham vấn, như: Ông/bà đó đổ vỡ mà lại đi rao giảng, tư vấn về tình yêu-hôn nhân-gia đình?

Nhiều chuyên viên tâm lý có cuộc sống gia đình đổ vỡ. Trong đó, có những người đổ vỡ trong quá khứ, tức là sau ly hôn họ mới bước vào công việc tham vấn tâm lý. Vậy mà họ vẫn bị đánh giá rằng: “Đấy! Giúp người khác nhưng thực ra có giúp được mình đâu!”.

Bản thân tôi may mắn có hôn nhân hạnh phúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là con đường tình yêu, hôn nhân của tôi bằng phẳng. Thời yêu nhau, chúng tôi có ba lần bỏ nhau rồi lại quay lại. Khi lấy nhau, một lần tôi muốn bỏ anh ấy và một lần anh ấy dọa bỏ tôi vì “cái tội” tôi đi làm quá nhiều, không dành thời gian cho chồng con. Hai vợ chồng tôi phải đàm phán và tìm giải pháp phù hợp… Sau này khi người ta mời nói chuyện chuyên đề làm sao cân bằng trong cuộc sống, tôi thẳng thắn chia sẻ những trải nghiệm, những thất bại, sai lầm của tôi. Và tôi cảm ơn chồng mình đã quyết liệt lên tiếng để tôi biết mà điều chỉnh.

Tôi vẫn thường nói với chồng tôi rằng lúc nào mình không còn yêu nhau thì chia tay, chứ không phải vì tôi làm nghề này mà không dám ly hôn. Trong tham vấn, tôi ủng hộ thân chủ muốn ly hôn nếu họ không thể xây dựng lại các mối quan hệ, không thể học cách sống chung với nhau, không còn sự tôn trọng nhau...

Nhiều người đánh đồng ly hôn với thất bại, tôi không nghĩ như vậy. Ly hôn không nói lên sự thất bại trong cuộc sống mà đôi khi nó lại là chìa khóa hạnh phúc cho những năm tháng tiếp theo.

Là tham vấn viên, chị có gặp áp lực giữa nói và làm?

Những buổi tôi đi dạy, chia sẻ về hạnh phúc gia đình, thỉnh thoảng tôi nghe những câu hỏi như: “Thử xem cô có làm được điều cô nói không?”, “Thế cô với chồng cô thì sao?”...

Nghề tham vấn là lắng nghe và giúp đỡ. Nên ai hỏi câu gì, tôi đều trong tâm thế lắng nghe và giúp đỡ. Tôi cho rằng họ muốn nghe những trải nghiệm thật, cảm xúc thật của tôi chứ không thích lý thuyết suông. Nói vui là cho dù có bị hỏi đểu, hỏi khó thì tôi cũng không ngán (cười).

Làm tham vấn viên không có nghĩa là cuộc đời của họ luôn thuận lợi. Với tôi, nghề này đã dạy tôi cách sống tốt hơn. Thân chủ có những nỗi đau và đó chính là những bài học quý cho tôi.  Đấy là lý do tại sao tôi làm tham vấn nhưng không bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc này. Bởi vì tôi được lộc từ nghề này rất nhiều! Tôi giúp người khác nhưng thực ra tôi đang giúp tôi, thân chủ dạy cho tôi rất nhiều kinh nghiệm.

Quan niệm của chị trong việc giáo dục con cái?

Đi nói chuyện về dạy con, tôi hay trích dẫn câu: “Sinh con rồi mới sinh cha - Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Ngày xưa, khi nghe câu đó, tôi thấy vô lý quá. Nhưng càng trải nghiệm tôi càng thấy đúng. Nhờ sinh con mà mình mới bắt đầu làm cha làm mẹ, bắt đầu sửa đổi, hoàn thiện bản thân và phải làm gương.

Trước đây, có giai đoạn tôi không kìm chế được cơn nóng giận, tôi hay la hai đứa con thì y như rằng các con la nhau. Tôi giật mình: Ô, mình sai trước rồi! Nên tôi phải học cách nói chuyện từ tốn với con. Mỗi lần trải nghiệm như vậy, tôi thấy con đang dạy mình.

Chị Thúy hướng dẫn nhân viên văn phòng cách cân bằng công việc và cuộc sống

Trong khá nhiều hoạt động chị đang tham gia giảng dạy, chủ đề nào khiến chị tâm huyết nhất?

Có hai chủ đề tôi tâm huyết nhất, tôi kiên nhẫn theo đuổi bao nhiêu năm nay, không bao giờ từ bỏ. Thứ nhất: Phương pháp sư phạm tích cực để làm lớp học hạnh phúc và giáo viên hạnh phúc. Thứ hai: Thai giáo, dạy con từ trong bụng mẹ. Từ ngày tôi cam kết với chồng bớt công việc để có thời gian bên gia đình, thường thứ bảy, chủ nhật người ta mời bao nhiêu tiền tôi cũng không đi. Nhưng với hai chủ đề trên, nếu rơi vào những ngày “cấm kỵ” đó, tôi cũng xin chồng con cho đi nói chuyện vì đây là đam mê, tâm huyết của tôi.

Chị Thúy chia sẻ phương pháp sư phạm tích cực cho nhóm sinh viên quốc tế

Những vấn đề xã hội khiến chị trăn trở?

Nhiều bạn trẻ tâm sự với tôi là các em chán nản, tuyệt vọng, mất phương hướng, không tìm được niềm vui sống. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm. Tỷ lệ người trẻ đến với tôi vì buồn chán ngày càng tăng, đó là điều tôi lo ngại. Do vậy, tôi cố gắng lan tỏa những thông điệp hạnh phúc, thực hiện nhiều chương trình định hướng tương lai cho giới trẻ.

Chị Thúy tại chương trình văn hóa ứng xử trong gia đình

Bên cạnh đó, tôi thấy rằng nhiều bạn trẻ chỉ vì thiếu kỹ năng mà đánh mất hạnh phúc gia đình hoặc con cái không được chăm sóc đầy đủ từ trong bụng mẹ. Cho nên tôi rất muốn mở các lớp tiền hôn nhân, kỹ năng làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ. Nói chung, công việc gì của tôi cũng đều có mũi tên đi về chữ hạnh phúc. Tôi làm mọi việc đều quay về giá trị sống mà tôi coi trọng, đó là tôi muốn giúp nhiều người hạnh phúc.

Đồ họa: Nhựt Lâm | Ảnh: NVCC

 

 

 

 

 

Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy: Đừng để phụ nữ “quay cuồng” trong Tết

 

"Cởi trói" cho chính bản thân đề Tết thực sự có ý nghĩa là điều phụ nữ hiện đại nên làm. Nhưng, cách "cởi", cũng phải hiện đại và hợp tình.

 

 

Nỗi ám ảnh về những ngày Tết với phụ nữ Việt Nam là có thật. Thay vì được nghỉ theo đúng nghĩa của từ “nghỉ Tết” sau một năm làm việc vất vả, chị em phải gồng mình để thực hiện thiên chức làm “vợ hiền dâu đảm” trong những ngày cả năm có 1 lần. Theo chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, vẫn có những cách giúp phụ nữ nhàn hơn trong Tết.

 

Ngày nay, phần lớn phụ nữ đã phải đi làm như nam giới, lại gánh thêm việc nhà thường nhật. Nghĩa là, dù sức khỏe yếu hơn, phụ nữ cũng đang làm rấtr nhiều việc  nếu không có được sự chia sẻ từ chồng. Chị nghĩ sao về điều này?

 

Đó đúng là câu chuyện thực tế buồn của rất nhiều gia đình. Đàn ông hay phụ nữ thì chúng ta làm việc giống nhau thôi. Nếu các ông chồng không cùng nhau chia sẻ việc nhà thì đó là thiệt thòi đối với phụ nữ. Nhưng, thiệt thòi ấy luôn với cả đàn ông. Các ông để vợ làm quá nhiều thì không còn thời gian lẫn sức khỏe để chăm chồng, yêu chồng. Cho nên sẽ thiệt thòi cho cả hai!

 

Theo chị thế nào là người đàn ông biết chia sẻ?

 

Có 2 khía cạnh làm nên hình ảnh một người đàn ông biết sẻ chia. Thứ nhất đó là những công việc cụ thể, từ việc nhà cho đến ngoài xã hội và cơ quan. Nhưng điều quan trọng hơn là đàn ông phải biết chia sẻ về mặt tâm lý đối với phụ nữ. Vì những chị em thích được nói ra, thích người khác lắng nghe, thích được chồng quan tâm đến những cảm xúc của mình. Đó mới chính là điều chia sẻ mà chị em cần nhất ở người đàn ông.

 

Ngày thường đã phải gánh nhiều việc, vừa công ty, vừa gia đình. Đến Tết, nhiều người, thay vì được nghỉ theo đúng nghĩa của từ “nghỉ Tết” thì chị em phải gồng mình để thực hiện thiên chức làm “vợ hiền dâu đảm”? Theo chị, Tết có nên mất quá nhiều công sức, chỉn chu để rồi không có cảm giác được vui Tết không?

 

Tôi cho rằng để phụ nữ “quay cuồng” trong Tết là rất không đúng. Ngày tết là ngày nghỉ ngơi, một năm mới có một lần để cho các chị em được nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình người thân và bạn bè với những trang phục xinh xắn. Để có tâm thái thật là thoải mái thì phụ nữ cần phải được giải phóng bớt công việc gia đình trong những ngày này hơn, thay vì quay cuồng, tất bật sắm sửa, trang hoàng... Tất nhiên, ngày Tết là ngày xum họp, trách nhiệm gia đình rất quan trọng. Chị em phụ nữ chúng ta phải biết tạo cơ hội cho mọi người bên nhau, cho mọi người có những bữa cơm sum họp và cùng vui vẻ bên nhau. Nhưng nếu chúng ta bầy ra quá nhiều việc để cho các mẹ, chị phải vất vả thì không nên chút nào.

 

Cụ thể, theo chị thì nên sắp xếp công việc thế nào trong ngày Tết?

 

Phụ nữ hiện đại cần phải dung hòa. Tôi cho rằng nghệ thuật sống hạnh phúc là cân bằng. Mình không thể để cái Tết chỉ chơi, không làm gì cả. Bởi, chúng ta là phụ nữ Việt, chúng ta có truyền thống văn hóa là cùng nhau đón một cái tết sum vầy, một cái Tết ấm với việc ngồi ăn chung với nhau, cùng nhau đến nhà họ hàng chúc Tết… Chúng ta không nên từ chối những trách nhiệm xã hội, những giá trị văn hóa đó. Mình vẫn làm, nhưng biết cân bằng. Tiêu chí phải đặt ra trong ngày Tết là không quá vất vả với bếp núc, không quá cầu toàn với nồi niêu, xoong chảo. Với đời sống mới, phụ nữ cũng phải biết tận dụng những tiện ích hiện đại của xã hội để giảm bớt áp lực cho mình. Nếu có nhiều việc thì chị em phải biết kéo mọi người vào cuộc, cùng bận rộn, để chia sẻ bớt công việc thay vì các chị phải làm tất cả. Đó mới là cái tết đầm ấm và hạnh phúc. Nếu chỉ phụ nữ vào bếp, dù là Tết hay ngày thường thì tôi cũng cật lực phản đối.

Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy

 

 

Cụ thể thì chị đón Tết như thế nào?

 

Tết nào tôi cũng về Nam Định, vì 2 vợ chồng đều ở một quê. Thường tôi về rất sớm, 23 Tết là tôi đã có mặt ở nhà để lo cúng ông Công ông Táo cho gia đình nhà chồng. Tôi cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một người con dâu, như những người khác vì ông xã tôi là con trai trưởng. Nhưng tôi may mắn vì không phải làm việc nhà một mình. Ngày trước, ông bà còn trẻ cũng giúp đỡ tôi nhiều. Nay ông bà có tuổi và con cái của tôi cũng đã lớn, nên mỗi lần đến dịp Tết là mấy mẹ con cùng nhau dọn dep, mua sắm những thứ cần thiết. Đặc biệt là gói bánh chưng. Tôi luôn luôn bày ra việc gói bánh để các con được làm và thấy có không khí ngày Tết.

 

Tôi cũng bàn với bố mẹ chồng là giảm tiện những lễ lạc ăn uống đi. Như việc cúng thì ba mùng, mỗi ngày chỉ cúng 1 lần vào buổi sáng. Sau đó, gia đình ăn uống cùng nhau rồi mọi người có kế hoạch riêng mình. Bố mẹ chồng tôi không quan trọng phải ở nhà để nấu từng bữa nên tôi rất khỏe về chuyện này. Đó là điều may mắn với tôi. Tôi nghĩ, ở quê bây giờ cũng phát triển rồi, các ông bà không còn quá nhiều định kiến đâu!

 

Với những cặp vợ chồng khác quê, chồng thích ở nhà nội, vợ  muốn được về ngoại. Làm sao giải quyết các mâu thuẫn đấy?

 

Thực ra, hai bên nội, ngoại đều quan trọng như nhau mà Tết thì chỉ có mấy ngày thôi, chúng ta phải biết phân chia. Tôi cho rằng một gia đình hạnh phúc, vợ chồng phỉa biết tôn trọng cả bên nội và bên ngoại như nhau. Nếu như khoảng cách quá xa, có thể Tết năm nay về nội, năm sau về ngoạ.. Còn ở gần có thể 3 ngày ở nhà nội, 3 ngày ở nhà ngoại hoặc ngược lại. Mình phải cân đối thời gian dành cho hai bên phù hợp.

 

Không cần quá máy móc là phải bằng nhau. Chúng ta có thể cân bằng theo điều kiện, đừng so đó quá, đừng so sánh giữa “nhà tôi, nhà anh” thì sẽ không mất đi hòa khí gia đình. Điều quan trọng hơn cả đó là tình yêu thương dành cho hai bên phải ngang nhau. Việc quan tâm cụ thể về tiền bạc, quà Tết, hay thời gian bên cạnh nhau… trong những ngày Tết chỉ nên mang tính tương đối thôi. Quá máy móc hay phải chia đôi, rạch ròi thì không phù hợp.

 

Nhưng, giữa mẹ chồng – nàng dâu vẫn thường có những rào cản khiến các cô sợ về nhà chồng?

 

Điều này rất phổ biến ở những nàng dâu mới vì giữa mẹ chồng và con dâu chưa hòa hợp với nhau, chưa hiểu nhau nên nhiều chuyện bất đồng. Tôi thường chia sẻ với những cô dâu mới một điều là, dù mẹ có khó bao nhiêu thì cũng nên nghĩ, mẹ khó chỉ vì mẹ yêu thương gia đình nhỏ bé của con trai mẹ. Mình cũng là vợ của con trai mẹ, mà con trai mẹ lại quan trọng với mẹ. Thấy con mình thương vợ, tự nhiên trong bà sẽ hẫng hụt vì rõ ràng mối quan tâm của con trai dành cho mình đã không còn như xưa. Bà sẽ có chút này kia không được vui. Hãy thông cảm cho người già.

 

Không quá khó để dung hòa chuyện mẹ chồng, nàng dâu. Các nàng dâu cần nhớ đó là hãy đặt mình vào địa vị của mẹ chồng, để cảm thông, để chín bỏ làm mười để cho những thái độ đôi khi là hơi vô lý. Nhất là các trường hợp dâu lại khác vùng miền, dễ xảy ra rất nhiều xung đột về văn hóa. Để giải quyết vấn đề này, các nàng dâu nên chủ động nói chuyện với mẹ chồng. Người lớn rất muốn được hỏi để họ chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy các nàng nên khôn khéo hỏi, chia sẻ để mẹ chồng chỉ bảo. Làm được điều này thì tình cảm của mẹ chồng và nàng dâu thêm gắn kết.

 

Để có tâm thái thật là thoải mái thì phụ nữ cần phải được giải phóng bớt công việc gia đình trong những ngày Tết hơn, thay vì quay cuồng, tất bật sắm sửa, trang hoàng...

Hình như, với chị, Tết là một dịp rất đặc biệt?

Tôi rất trân trọng những dịp Tết vì tôi còn bố mẹ đẻ, còn bố mẹ chồng, còn quê hương, còn họ hàng, còn bạn bè, thầy cô ở quê để về. Nhiều người bạn của tôi không còn ba mẹ, họ muốn về quê dịp Tết cũng không biết để làm gì! Đây là những năm tháng mà tôi cho rằng mình đang vô cùng hạnh phúc. Vì tôi còn được trông ngóng Tết.

Riêng năm nay thì sao? Mong ước, động lực của chị trong năm mới?

Tôi chỉ mong một chữ “an” thôi. Mong được an hòa, muốn được bình an, muốn mọi người xung quanh an hòa với nhau, muốn sự an bình bên trong mình để có thể trao cho mọi người những an vui trong cuộc sống. Công việc hiện tại của tôi là tham vấn tâm lý và giảng dạy. Cả hai công việc đều giúp mọi người tích cực, và giúp cho người ta giải tỏa những tiêu cực. Nếu trong tôi không “an”, tôi đi dạy mà tôi cáu gắt thì học trò tôi học không tốt được. Phương pháp sư phạm của tôi là giúp mọi người cũng tham gia, cùng chia sẻ, cùng động não, cùng thực hành. Nếu giáo viên không có sự bình an nhất định, thì khi tiếp xúc với học sinh cũng không hiệu quả. Cho nên điều mong muốn nhất của tôi bây giờ đó là chữ “an”. “Tâm an trí sáng”. Khi có bình an, ai cũng sẽ làm được những điều mình mong muốn. Tôi tin vậy.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ này!

 

Nguồn: https://nhipcaudautu.vn/song/tien-si-tam-ly-pham-thi-thuy-dung-de-phu-nu-quay-cuong-trong-tet-3327946/

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy: “Ném đá trên mạng - sự cuồng nộ đến mất lý trí của đám đông”

Sau loạt bài “Ném đá” trên mạng: Khi cái thiện cuồng tín và cái tôi bị đe dọa” của TS Đặng Hoàng Giang, có nhiều ý kiến đồng tình cũng như có cả những phản hồi trái chiều. Lao Động xin kết lại diễn đàn về vấn đề này với góc nhìn của tiến sĩ Xã hội học và Tâm lý học Phạm Thị Thúy.

 

 

Hoa hậu Thu Vũ bị cộng đồng mạng “ném đá” tơi tả chỉ vì phát âm tiếng Anh không ai hiểu.

Theo chị, đây là hiện tượng “bình thường” khi mạng xã hội cho phép người ta thoải mái trình bày ý kiến của mình, hay đã trở thành bất thường khi xuất hiện một lớp “hồng vệ binh” mới chuyên chửi bới, thóa mạ kẻ khác, nhân danh đạo đức hạ nhục nạn nhân như một đối tượng “mua vui”?

- Mạng xã hội cho phép con người tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm và câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì” rất tuyệt vời. Ở đây có sự quan tâm, cơ hội bày tỏ tự do... mà trong đời sống thực khó có được. Hiện tượng đám đông “ném đá” ai đó và ai đó trở thành nạn nhân của đám đông trên Facebook là điều khó tránh trên một xã hội ảo vô cùng và cũng thực vô cùng. Đó cũng là điều hay của Facebook khi mọi người đồng lòng lên tiếng phê phán một điều sai trái, bất bình vì một cá nhân hay tập thể, tổ chức làm những điều xấu đối với cộng đồng. Sức mạnh đám đông của dư luận xã hội trong trường hợp cùng nhau đấu tranh chống lại cái xấu, cái bất công là điều vô cùng ý nghĩa với sự phát triển xã hội và phát triển nhận thức của từng cá nhân.

Nhưng những trường hợp đám đông ô hợp, mù quáng, té nước theo mưa like, share, “ném đá” những gì mà họ chưa thực sự kiểm chứng là thông tin đúng hay sai, hay đấy là quan điểm khác cần được xem xét, tôn trọng và phản biện khoa học hay chỉ là quan điểm khác với số đông... thì đó là điều rất cần mọi người tỉnh thức để không lao vào cơn say chê bai, lên lớp đạo đức cho người khác.

Điều này thực sự nguy hiểm cho việc định hướng tư duy của con người, trong đó đặc biệt nguy hiểm cho giới trẻ - những người đang hoang mang không biết đâu là đúng, đâu là sai? Nhưng chính nhờ những đợt “ném đá” trên mạng mà những người có hiểu biết, có tâm đã bức xúc viết những bình luận phản bác lại những luận điệu áp đặt, “ném đá” người khác. Từ đó, cũng là giúp mọi người hiểu đúng vấn đề hơn, hiểu đa chiều hơn.

Liệu đây có phải là lúc ranh giới đúng-sai bị xóa mờ, và “cán cân đạo đức” nghiêng về đám đông, cho dù đám đông ấy không nắm giữ chân lý lẫn điều tốt đẹp, bao dung?

- Đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Dân chủ không thuộc về đám đông mà thuộc về lẽ phải. Dân chủ thực sự cần tôn trọng lẽ phải, sự thật chứ không phải tin và nghe theo đám đông.

Theo chị, cần hướng các cư dân mạng đến điều gì để họ không trở thành những kẻ “giết người bằng bàn phím” mà không chịu trách nhiệm về hành vi, thậm chí về tội ác của mình?

- Trước hết cần định hướng người chơi Facebook không vội vã chia sẻ những thông tin, hình ảnh mà chính mình chưa rõ thực hư, vì hậu quả của việc này từ tâm lý đám đông, ảnh hưởng của đám đông dễ tạo làn sóng bức xúc, phẫn nộ lan truyền trên cộng đồng mạng. Đôi khi chúng ta chia sẻ nhưng lại không hề biết mình có thể vô tình viết tiếp, củng cố cho những điều gây hoang mang, những điều làm dấy lên cảm xúc tiêu cực trong mọi người từ những thông tin chưa được kiểm chứng.

Sự cuồng nộ đến mất lý trí của đám đông cũng từ đấy mà ra. Chúng ta cần tỉnh thức để suy nghĩ, phản biện, tìm hiểu kỹ đúng-sai trước khi chia sẻ. Mỗi người cần có trách nhiệm với những hành động like, share, bình luận của mình. Góc nhìn đa chiều sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn, từ đó có sự lựa chọn hành động trên mạng xã hội một cách có trách nhiệm hơn, có lợi cho cộng đồng hơn.

Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí và những người có trách nhiệm cần tuyên truyền về điều này. Chúng ta không nên và không thể cấm người dân bày tỏ quan điểm của họ trên mạng xã hội. Chỉ khi ta tuyên truyền về hậu quả, về ý thức trách nhiệm và đạo đức thì người sử dụng mạng xã hội sẽ tự quyết định mình nên làm gì tốt nhất cho chính mình, bạn bè của mình và cộng đồng.

- Xin cảm ơn chị.

 

MINH THI (thực hiện)

 

Nguồn: http://tamlongvang.laodong.com.vn/van-hoa/tien-si-xa-hoi-hoc-pham-thi-thuy-nem-da-tren-mang-su-cuong-no-den-mat-ly-tri-cua-dam-dong-567446.bld 

Từ thiện đang bị hiểu méo mó, bị lạm dụng chiêu trò

 

Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý học và xã hội học, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ những suy nghĩ về hành vi “ném đá” của cộng đồng mạng và những hoạt động từ thiện thiếu thông điệp nhân văn.

 

 

Xin chị cho nhận xét về những bức hình làm từ thiện bị “ném đá” dữ dội bởi cư dân mạng không chịu nổi cách “PR trên nỗi đau” của người khác?

 

- Đôi khi có những điều ta nhìn vậy mà không phải vậy. Tôi có đọc một lời người trong cuộc cho rằng bức ảnh đó họ không đăng trên báo, không đưa lên trang cá nhân của họ, người đưa lên là người khác. Vậy khó có thể bảo họ PR trên nỗi đau của người khác. Nhưng họ đã để ai đó chụp ảnh lúc đó là không nên, cần rút kinh nghiệm. Dù mình đến chia sẻ niềm vui con chị Trâm đã hồi phục, nhưng bên cạnh là chị Trâm đang đau đớn, mệt lả thì nụ cười khi đó là vô duyên. Hơn nữa, của cho không bằng cách cho. Tôi thấy rất phản cảm với những tấm bảng to ghi số tiền từ thiện, tên đơn vị và tên người từ thiện rồi chụp cùng người đang gặp khó khăn, cụ thể như bức hình về người mẹ bỏ điều trị ung thư để giữ mạng sống cho con, hay bức thiếu phụ đeo khăn tang trắng lên nhận 2 năm truyền hình cáp miễn phí.

Hoa hậu Ngọc Hân và Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan trao quà cho các em nhỏ vùng cao. Ảnh: TL 

 

 

Theo chị, nên thay đổi cách làm từ thiện ra sao cho mang tính nhân văn mà vẫn tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng?

 

- Từ thiện là cho đi không vụ lợi. Nếu thực sự làm như vậy, làm vì cái tâm giúp người không vụ lợi thì sau này, người đó sẽ có phước báo, nói theo quan điểm của đạo Phật. Theo tâm lý học, xã hội học thì người có tâm tốt sẽ có hành vi tốt, vì vậy, tạo dựng được nhiều mối quan hệ xã hội bởi sự tin tưởng, mến phục của người khác. Andrew Carnegie - tỉ phú, ông vua thép của Mỹ - đã nói: “Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội”, vì vậy làm từ thiện đừng khua chiêng gõ trống. Hãy thực tâm đến giúp người đang gặp khó khăn, hành vi tốt sẽ được lan tỏa.

 

Ngược lại, cũng có những ý kiến phản bác, thà PR nhưng giúp đỡ được nhiều người hơn là ngồi không, chế nhạo kẻ khác. Không dưng, hành vi “ném đá” dành cho “tội đồ”, nhưng gần đây dành cho cả người làm việc thiện. Nên cổ vũ những việc làm tốt, cho dù đó là PR đi chăng nữa. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

 

- Ai muốn giúp người khác cũng đáng được ca ngợi, dù họ giúp với mục đích PR cho họ. Người khổ rất nhiều, rất cần những tấm lòng vàng, những Mạnh Thường Quân. Chỉ là người có tâm sẽ chọn cách từ trái tim đến trái tim. Cho đi không cần nhận lại nhưng họ được nhận lại rất nhiều cảm mến từ cộng đồng. Còn người PR không khéo sẽ nhận sự phản cảm, cho mà nhận lại sự không hài lòng từ cộng đồng. Thời gian sẽ trả lời và giúp họ điều chỉnh cách PR.

 

Nói đi thì cũng nói lại, chị có lời khuyên gì đối với cộng đồng mạng, để họ không trở thành những kẻ “ném đá” ở bất cứ chuyện gì không liên quan, nhấn chìm người khác trong sự nhục mạ dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao?

 

- Ngồi làm anh hùng bàn phím chê bai người khác thì rất dễ. Làm được điều gì tốt cho người khác mới đáng khâm phục.

 

Chúng ta cần xây dựng văn hóa làm từ thiện ra sao, nhất là khi hai chữ từ thiện hiện gây ác cảm rất lớn?

 

- Theo tôi, rất cần đề cao văn hóa làm từ thiện. Từ thiện đang bị hiểu méo mó, bị lạm dụng chiêu trò, thậm chí, có cả những trường hợp tham ô, tham nhũng tiền từ thiện. Xã hội rất cần những con người có tâm làm từ thiện thực sự với tinh thần thiện nguyện, phụng sự cộng đồng, đúng như ông bà ta có câu “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.

 

Xin cảm ơn chị!

 

MINH THI (thực hiện)

 

Nguồn: http://vieclam3.laodong.com.vn/van-hoa/tu-thien-dang-bi-hieu-meo-mo-bi-lam-dung-chieu-tro-580267.bld

 

 

Page 5 of 6

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.