"Lúc cứu cháu bé, Mạnh đâu có kịp suy nghĩ gì đâu mà chúng ta ở ngoài phân tích. Hãy chỉ nên cảm ơn và để anh trở về với cuộc sống bình thường", tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói.

Khuya 1/3, trên trang Facebook cá nhân, Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ lại video quay góc trực diện cảnh anh đứng trên mái tôn đỡ bé gái kèm theo dòng trạng thái: "Đây là một video mà mình mới nhận được. Thông qua video mọi người đều thấy được mình không hoàn toàn đỡ được em bé, sự việc xảy ra quá đột ngột, mình đã không nhớ rõ được hết các chi tiết. Thành thật mong mọi người thông cảm".

Lời bộc bạch nhận được hàng nghìn bình luận, chia sẻ cùng đa số bình luận cảm kích tấm lòng cũng như hành xử của anh Mạnh.

Các chuyên gia tâm lý học và xã hội chia sẻ với Zing góc nhìn về câu chuyện đẹp vừa xảy ra.

 

Không kịp tính toán hay suy nghĩ

"Tôi rất cảm kích cái tâm tốt của Mạnh. Hành động chỉ trong vài giây mới nói lên bản chất thật nhất của con người", tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý học trị liệu Phạm Thị Thúy nói với Zing.

Theo chuyên gia tâm lý này, hành động của anh Mạnh rất nhanh, diễn ra chỉ trong vài giây. Anh ấy không kịp suy nghĩ, không kịp tính toán điều gì lúc ấy và cũng không cân nhắc có làm được hay không mà chỉ thực hiện.

Hành động này xuất phát từ đạo đức, cái tâm bên trong anh.

Bà dẫn chứng quan điểm của Immanuel Kant, triết gia người Đức thế kỷ 18, để nói về hành động của Mạnh và những lùm xùm liên quan sau khi anh cứu cháu bé.

Một hành động có đạo đức là hành động độc lập khỏi những inclinations (động cơ/thiên hướng), tức là cần độc lập khỏi những tác nhân có tính nhân quả, ví dụ như cảm xúc, mục tiêu, pháp luật, sự phản ứng của những người xung quanh. Tôi cứu người vì đó là việc phải làm, là trách nhiệm của tôi, chứ không phải vì nếu tôi không cứu thì lương tâm tôi sẽ bị cắn rứt (vì đó vẫn đang là vì mình).

Chúng ta hãy chỉ nên cảm ơn anh, không có gì phải soi mói về hành động của Mạnh cả

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

"Thiện chí (good will) của con người độc lập khỏi kết quả/tác động. Cho dù kết quả có được như ý muốn hay không thì hành động đạo đức vẫn có đầy đủ giá trị của nó, như những viên ngọc vẫn tự tỏa sáng", nữ chuyên gia trích dẫn.

Do đó, tiến sĩ Thúy cho rằng bất kỳ phân tích nào của người ngoài cũng hoàn toàn sai.

"Anh ấy cứu cháu bé đâu có suy nghĩ gì đâu mà chúng ta ở ngoài phân tích, cho là đỡ không kịp hay thế này thế kia. Mình ở ngoài nói hay lắm nhưng trong tình huống cấp bách đó là người ta làm theo bản năng, theo điều thôi thúc bên trong. Chúng ta hãy chỉ nên cảm ơn anh, không có gì phải soi mói về hành động của Mạnh cả", tiến sĩ xã hội học bày tỏ và mong mọi người để Mạnh trở về cuộc sống bình thường, đừng bình luận ác ý hay cũng đừng đưa anh lên thành người hùng.

"Đơn giản anh là một người giao hàng có cái tâm tuyệt vời. Vì giao hàng, leo trèo nhiều nên anh ấy có thể lực, có kỹ năng tốt. Nhưng chúng ta đừng có phân tích quá về hành động đó. Lúc đó chỉ có cái tâm, động lực bên trong nhằm cứu đứa bé thôi thúc anh. Trong những trường hợp như vậy người ta có thể làm những việc ngoài sức tưởng tượng", tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói.

Còn tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hoan nghênh việc xã hội ủng hộ và tôn vinh anh Mạnh.

Giống như cậu ấy nói, cậu giúp đỡ em bé để sau này biết đâu em cũng sẽ giúp nhiều người khác. Logic cuộc sống của Mạnh rất hay, nhân văn và cần được lan tỏa

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

Theo ông Lâm, bên dưới tòa nhà lúc đó không chỉ có mỗi mình Mạnh. Nhưng trong đám đông đó, Mạnh có phản ứng nhanh nhẹn để tiếp cận, cứu giúp đứa bé.

"Chúng ta nên nhìn ở góc độ tích cực để tuyên dương. Giống như cậu ấy nói, cậu giúp đỡ em bé để sau này biết đâu em cũng sẽ giúp nhiều người khác. Logic cuộc sống của Mạnh rất hay, nhân văn và cần được lan tỏa", ông Lâm nêu quan điểm.

Từ câu chuyện của anh Mạnh, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng đây là dịp để mỗi người tự hỏi mình rằng khi gặp người bị nạn như vậy, chúng ta có hành động tương tự hay không.

"Hành động bất ngờ chỉ trong tích tắc như vậy chúng ta có làm được để cứu người hay không? Đó mới là vấn đề. Còn hãy đừng bình luận gì hết", bà Thúy nói.

"Tính ẩn danh" trong tâm lý đám đông

Nhà nghiên cứu tâm lý học Đào Lê Tâm An (Trưởng phòng đào tạo Trung tâm ứng dụng Jobway) bày tỏ sự cảm phục trước hành động của Mạnh khi đã rất kịp thời xử lý tình huống để cứu cháu bé.

Theo ông, các nhà tâm lý học cũng đã chỉ ra trong những sự việc xảy ra cấp thời, không đủ thời gian để tính toán các phương án thì lúc đó hành động của người đó sẽ bộc lộ chính xác nhất phần vô thức, bản chất.

Tuy nhiên, khi xuất hiện quá nhiều luồng ý kiến khen ngợi, lập tức sẽ có những người tìm ra các góc cạnh khác của vấn đề để lật ngược quan điểm để tạo ra cảm giác đa chiều. Việc tạo ra góc nhìn đa chiều dần biến tướng thành việc lên án, chỉ trích những người khác là do tác động của "tính ẩn danh” trong tâm lý đám đông.

Khi bình luận trên mạng, đặc biệt là thông qua những tài khoản giả, các cá nhân có sở thích “dìm hàng”, chỉ trích để câu like, thỏa mãn nhu cầu tự tôn của bản thân hoặc có cảm giác “thay trời hành đạo”.

"Đây là một thực trạng tiêu cực, vì điều này dễ tạo ra tâm lý dè chừng cho những người chứng kiến rằng: 'Thôi, thà không làm gì để đỡ bị chú ý, vạ lây' và càng làm vấn nạn thờ ơ, vô cảm lên ngôi", nhà nghiên cứu Đào Lê Tâm An nói.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lưu ý chúng ta tôn vinh, biểu dương Mạnh nhưng không đòi hỏi tất cả mọi người đều phải hành động như vậy. Phản ứng của con người cũng có người nhanh, người chậm. Bản thân anh Mạnh khỏe, tỉnh táo, tốt bụng, gộp lại đã cho anh có hành động tốt. Còn những người khác có thể cũng muốn cứu nhưng phản ứng chậm, hoặc không biết đi con đường nào để cứu cháu bé.

Ông cho rằng điều xấu xí qua một số bình luận phân tích là đã không thấy được sự nỗ lực của Mạnh, cái tâm tốt của anh mà có thể nghĩ Mạnh ăn may hoặc lợi dụng chuyện cứu cháu bé để nổi tiếng.

"Mình noi gương theo suy nghĩ của Mạnh là nếu mình giúp đỡ được người này thì sau này cũng có người khác giúp đỡ mình. Ai cũng như vậy thì xã hội dần dần sẽ thành cộng đồng văn minh, nhân ái", ông Lâm bày tỏ.

Không nên phóng đại câu chuyện

Nhìn nhận câu chuyện dưới góc độ người làm công tác chăm lo, giáo dục trẻ em, chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng câu chuyện này không nên lan truyền quá nhiều mà chỉ nên ở dừng ở mức chúng ta gửi lời cảm ơn đến anh Mạnh vì đã cứu cháu bé. Bên cạnh đó là cảnh báo lẫn nhau về việc chăm sóc con trẻ.

"Chúng ta không nên phóng đại câu chuyện lên vì hoàn toàn có thể khích lệ học sinh cấp 2, cấp 3 làm theo. Khi nhìn thấy những hình ảnh đó, các em có thể học theo, gây nguy hiểm cho chính bản thân", chuyên gia giáo dục này chia sẻ.

nguyen ngoc manh cuu chau be anh 2

Anh Mạnh nhận bằng khen, thư khen từ lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Linh.

Theo bà Thu Hương, từ hành động của anh Mạnh, mọi người đánh giá, soi xét các góc độ hay thổi phồng lên phân tích không chỉ làm rối loạn cuộc sống người cứu bé mà còn cho chính con trẻ.

"Với con trẻ, ngoài tổn thương bên ngoài thì còn nguy cơ tổn thương tâm lý rất nặng. Để giảm tổn thương tâm lý thì các con cần phải quên. Nhưng hàng nghìn, hàng triệu con mắt đang soi về em bé vậy thì các con làm sao có thể quên được. Trẻ có thể mắc chứng sợ độ cao hoặc chứng sợ hãi điều gì đó. Người lớn chúng ta không nên nhắc lại dưới bất kỳ hình thức nào", tiến sĩ Vũ Thu Hương khuyến nghị.

Bà cho rằng đứng ở góc độ em bé và người cứu em bé, việc này không nên phát triển nữa mà nên dừng lại, bởi rõ ràng đây vốn là chuyện không may, trong sự không may đó đã có may mắn.

"Dù tôi rất cảm kích và cảm ơn anh Mạnh, nhưng với trẻ em hay người chăm sóc trẻ thì rõ ràng đây không phải là câu chuyện nên quảng bá và lan rộng ra. Người trong cuộc và người liên quan đều không muốn câu chuyện này phát triển nữa", chuyên gia giáo dục chia sẻ.

 

Nguồn: https://zingnews.vn/hay-cam-on-va-de-anh-manh-tro-ve-cuoc-song-binh-thuong-post1188819.html

TS Phạm Thị Thúy cho rằng khi vùng thùy trước trán chưa phát triển đầy đủ, năng lực kiểm soát suy nghĩ, hành vi chưa hoàn thiện, trẻ dễ hành động nhất thời.

Liên quan vụ việc cứu nữ sinh đu lan can ở TP.HCM, TS Xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy khuyên cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề để "tháo gỡ" vướng mắc cho con, tránh để tâm trạng tiêu cực của người lớn ảnh hưởng tâm lý trẻ.

cach xoa diu tre co y dinh tu tu anh 1

Giải cứu nữ sinh đu lan can ở trường THCS Minh Đức, TP.HCM. Ảnh: Lê Minh Tiến.

Năng lực kiểm soát cảm xúc, hành vi chưa hoàn thiện

Theo clip được chia sẻ trên mạng, tối 2/3, một người đàn ông giải cứu thành công nữ sinh đu lan can tầng 3 trường THCS Minh Đức (số 75 Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM).

Đại diện trường THCS Minh Đức cho biết nữ sinh lớp 6 trong vụ việc có biểu hiện bất ổn về tâm lý. Em buồn chuyện gia đình nên nghĩ quẩn.

Với kinh nghiệm làm tham vấn tâm lý cho trẻ vị thành niên nhiều năm, TS Phạm Thị Thúy cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi này có thể chia làm 2 loại: Tác động bên ngoài và tác động bên trong.

Tác động bên ngoài là những việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày như thất bại trong việc học, rắc rối trong các mối quan hệ, mâu thuẫn với cha mẹ hoặc vấn đề của riêng cha mẹ (xung đột, ly thân, ly hôn). Những nguyên nhân này thường khiến trẻ thất vọng, chán nản, bi quan.

"Đôi khi, cha mẹ không nghĩ mối quan hệ rắc rối của mình có thể ảnh hưởng con", TS Thúy nói.

Tác động bên trong thường bắt nguồn từ trạng thái tâm lý bất thường của trẻ. Nhìn chung, ở tuổi này, trẻ có thể nghĩ đến chuyện tự tử khi lo lắng, bất an hoặc có vấn đề tâm lý bất ổn trong thời gian dài. Trong đó, trầm cảm là nguyên nhân lớn nhất.

TS Thúy nêu dẫn chứng từ số liệu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên trên thế giới chết do tự tử.

Vị thành niên là độ tuổi trẻ đang hình thành, phát triển mặt cảm xúc. Trong cuốn sách Não bộ tuổi teen, tác giả Frances E.Jensen nêu ở tuổi này, não bộ trẻ chưa hoàn thiện, đặc biệt là vùng thùy trước trán. Đây là vùng điều khiển suy nghĩ, tư duy của trẻ.

Khi vùng thùy trước trán chưa phát triển đầy đủ, năng lực kiểm soát suy nghĩ, hành vi của trẻ chưa thể hoàn thiện. Khi chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài, trẻ dễ nảy sinh những suy nghĩ, hành động bồng bột, nhất thời.

"Nếu ứng xử không khéo, người lớn dễ tạo ra những xung đột không đáng có với trẻ vị thành niên", bà Thúy nêu.

Nguời lớn nên làm gì?

TS Phạm Thị Thúy đánh giá cao sự bình tĩnh, khả năng ứng xử khéo léo của ông Khoa (bảo vệ trường) trong 8 phút giải cứu nữ sinh. Ông Khoa cho biết trước đó đã thấy nữ sinh có biểu hiện bất thường. Khi cháu bé bỏ đi, ông nghi có chuyện không lành nên đi khắp trường tìm kiếm.

Ông Khoa biết quan sát, chú ý hành vi và trạng thái tâm lý của học sinh. Qua đó, ông biết đứa trẻ đang có vấn đề. Nếu trong trường hợp đó, người bảo vệ thờ ơ, không để ý đến trẻ, rất có thể việc giải cứu sẽ bị chậm trễ, thậm chí thất bại.

Nếu ứng xử không khéo, người lớn dễ tạo ra những xung đột không đáng có với trẻ vị thành niên.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

Khi nhận ra vấn đề, người bảo vệ bình tĩnh động viên trẻ. TS Thúy nhấn mạnh bình tĩnh là nguyên tắc hàng đầu khi giải cứu người có tâm lý bất ổn trong tình huống nguy hiểm.

Quá trình này thường diễn ra ngắn, người giải cứu không có nhiều thời gian để nghĩ cách. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bình tĩnh và an ủi, xoa dịu trẻ.

Khi hành động tiêu cực, trẻ thường trải qua trạng thái tâm lý bất thường trong thời gian dài. Tuy nhiên, hầu hết người lớn đều bỏ qua, hoặc coi nhẹ hành vi, lời nói, cảm xúc "lạ" của trẻ.

Sau khi xảy ra sự cố, gia đình cần tìm ra nguyên nhân để giải quyết triệt để vấn đề. Trẻ và cha mẹ cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên môn để tham vấn, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ không nên đổ lỗi, trách mắng, tra hỏi con. Ở thời điểm này, tâm lý trẻ chưa ổn định hoàn toàn. Nếu cha mẹ để trạng thái tiêu cực của bản thân ảnh hưởng con, các em có thể tổn thương nặng nề hơn.

Người lớn cần đưa ra những cách xử lý, xoa dịu phù hợp, tùy tính cách, sở thích của mỗi em, không nên ép buộc. Ví dụ, phụ huynh có thể cho con không gian riêng để lấy lại tinh thần, cho trẻ ăn những món yêu thích, đi du lịch, gặp bạn bè, hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện và trao cho trẻ một cái ôm ấm áp.

Sau khi ổn định tâm lý, cha mẹ nên cho con đi học trở lại. TS Thúy nhận thấy nhiều đứa trẻ được chữa lành tốt hơn khi được đến trường, hòa nhập với thầy cô, bạn bè.

Khi đó, thầy cô, bạn bè là những người đóng vai trò hỗ trợ cho trẻ. Mọi người nên tránh bàn tán, đề cập chuyện đã xảy ra và không nên xoáy sâu vào chuyện đời tư của trẻ. Điều quan trọng là phải tạo cho các em cảm giác an toàn, thoải mái khi đi học.

"Tôi mong mọi người, đặc biệt là cộng đồng mạng nên động viên, khích lệ tinh thần trẻ, không nên trách móc, chỉ trích em và gia đình", bà Thúy nêu quan điểm.

TS Phạm Thị Thúy cho rằng hiện nay, nhiều học sinh chịu áp lực từ việc học tập, các mối quan hệ. Khi nhận thấy bản thân bị căng thẳng, stress, các em nên chủ động tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc thầy cô, không nên tự giải quyết một mình.

Khi tách biệt khỏi những mối quan hệ xung quanh và tự chịu đựng nỗi đau, các em dễ bị "lún sâu" vào tổn thương, khó có thể tự giải thoát cho bản thân.

Trẻ cũng nên học cách tự cân bằng giữa học tập và vui chơi. Khi trạng thái học - chơi được điều chỉnh phù hợp, sức khỏe tinh thần của các em sẽ được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, cha mẹ, thầy cô không nên tạo áp lực, đặt yêu cầu quá cao hay nặng lời với trẻ. Khi con mắc lỗi, người lớn có thể nhắc nhở riêng để các em hiểu và thay đổi, không nên phê bình trước tập thể, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.

 

 

Nguồn: https://zingnews.vn/cach-tran-an-tinh-than-khi-tre-co-tam-ly-bat-on-post1189550.html

Cụm từ 'trà xanh' bỗng dưng lọt top tìm kiếm tại Việt Nam. Vậy nó là gì, sao được người trẻ quan tâm?
Người yêu có "trà xanh" có phải là tình yêu thực sự? /// Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh Tuấn 
Người yêu có "trà xanh" có phải là tình yêu thực sự?
ẢNH MINH HỌA: NGUYỄN THANH TUẤN
“Trà xanh” là gì?

Những ngày gần đây, cụm từ “trà xanh” bỗng dưng được nhiều người sử dụng và lọt top tìm kiếm trên Google tại Việt Nam

Là người gốc Hoa, Trịnh Quốc Khánh, 22 tuổi, hiện công tác tại Đoàn thanh niên quận 10, TP.HCM, cho biết nhiều ngày qua có theo dõi thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội và biết rằng từ “trà xanh” xuất phát trong câu chuyện của một cặp đôi ca sĩ nổi tiếng và nghi ngờ là đã chia tay vì có một người con gái cố tình chen chân vào cuộc tình này. Nhiều người gọi cô ấy là “trà xanh”.

Khánh chia sẻ: "Trà xanh" theo Hán Việt là Lục trà biểu - một từ lóng của cộng đồng mạng Trung Quốc - ám chỉ những cô gái tỏ vẻ trong sáng, ngây thơ nhưng thật ra rất thủ đoạn và toan tính, thích đùa giỡn tình cảm và luôn hứng thú với người đã có chủ.

'Trà xanh' là gì, sao được người trẻ quan tâm? - ảnh 1
Luôn thấu hiểu nhau thì bao nhiêu "trà xanh" cũng không thể chen chân vào được
Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh Tuấn

Ý kiến về những cô gái được cho là “trà xanh”, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 30 tuổi, làm nhân viên văn phòng tại số 45 Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM, thẳng thắn chia sẻ tình cảm được xây dựng từ cả hai phía, bền hay không là do người trong cuộc. Nếu cặp đôi luôn trung thực, tin tưởng nhau thì có mấy “trà xanh” cũng không nhằm nhò gì.

“Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có thể do cặp đôi đã chán nhau, hết yêu nhau, và 'trà xanh' xuất hiện chỉ là cái cớ để cặp đôi chia tay nhau...”, chị Tuyết chia sẻ.

Nguyễn Thị Tú Trinh, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng phải tò mò với cụm từ “trà xanh” khi thấy nhiều người sử dụng. Sau khi tìm hiểu, Trinh mới hiểu “trà xanh” dùng để chỉ một người thứ 3. Tú Trinh chia sẻ: “Mọi người đừng bị nhầm lẫn giữa một cô gái “trà xanh” thật sự và một bạn gái có tính cách dịu dàng và uyển chuyển".
Hãy yêu thương bản thân!

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên, chuyên viên tham vấn tâm lý Học viện Hành chính Quốc Gia TP.HCM, cho hay khi người yêu có “trà xanh” bên ngoài họ thường có những dấu hiệu như: Có thái độ lơ là, không còn quan tâm mình nhiều. Tuy nhiên, thấy người yêu thay đổi đột ngột thì nên tìm hiểu kỹ xem người ta đúng là có “trà xanh” bên ngoài không, hay bị hiểu nhầm… Đặc biệt, các cô gái hãy quan sát bằng mắt, bằng tai, bằng cả trái tim của mình. Vì sự thay đổi trong cách ứng xử của người yêu với mình rất dễ nhận ra. Họ lúng túng, ngại ngùng, che giấu những vấn đề trong điện thoại, những hoạt động mà hai đứa vẫn thường chia sẻ với nhau…

'Trà xanh' là gì, sao được người trẻ quan tâm? - ảnh 2

Tiến sĩ Thúy chia sẻ nhiều bạn trẻ cần phải yêu thương mình nhiều hơn nếu không may tan vỡ trong tình yêu

ẢNH MINH HỌA: TĐ

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhấn mạnh: “Khi phát hiện người yêu có “trà xanh” bên ngoài, đồng nghĩa người ta đã thay đổi, muốn bắt cá hai tay. Họ chỉ đang cần một thứ gì đó ở bạn và người bồ kia thôi. Về bản chất đây không phải là tình yêu thật sự. Cho nên chúc mừng bạn vì đã phát hiện sớm bản chất tình yêu của họ để chấm dứt và chia tay”.

Vị tiến sĩ này còn cho biết: “Có thể lúc đó bạn sẽ tổn thương một thời gian, nhưng người đó không đáng để bạn làm khổ chính mình. Nếu bạn đau đớn, khóc lóc là bạn đang hành hạ chính mình. Chúng ta hãy yêu thương bản thân, sống cho cuộc đời của ta. Tập trung vào công việc, học tập, cuộc sống, bạn bè. Hãy tạo ra niềm vui mới, tốt nhất là tâm sự với người thân để vơi đi nỗi buồn đó, không nên giữ nó trong lòng rồi sầu muộn. Và khi bạn tìm được một người biết trân trọng bạn, yêu thương mình thật sự, thì lúc ấy bạn mới có hạnh phúc”.

 

Nguồn:https://m.thanhnien.vn/gioi-tre/tra-xanh-la-gi-sao-duoc-nguoi-tre-quan-tam-1332649.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR2TltYhyd3SCWQ6oXD3MZ1Xh8CCP8tizStnHkFmrnVRZChDounxlL729FU

PNO - Không ít người cứ muốn trẻ phải yêu thương anh em, bố mẹ, ông bà... mà quên mất việc đầu tiên phải dạy trẻ yêu thương chính mình.


Yêu thương là giá trị sống cốt lõi, căn bản đầu tiên. Những giá trị khác như đoàn kết, bình an, chân thành... đều đi sau giá trị yêu thương.

Đứa trẻ được học giá trị yêu thương sẽ sống với một trái tim nhân hậu, biết trân trọng chính mình, trân trọng những người xung quanh, không tổn hại chính mình, không tổn hại người khác. 

Chuyên viên tham vấn - tiến sĩ  xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên  Học viện Hành chính quốc gia)
Chuyên viên tham vấn - tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)

Có năm cấp độ yêu thương. Cấp độ đầu tiên cần dạy cho trẻ là yêu thương bản thân, sau đó đến yêu thương gia đình, yêu thương đất nước, yêu thương nhân loại thế giới, yêu thương vạn vật muôn loài.

 

Nếu chưa có cấp độ một “yêu thương bản thân” thì không thể dạy cấp độ hai, ba, bốn, năm. Không ít người cứ muốn trẻ phải yêu thương anh em, bố mẹ, ông bà... mà quên mất việc đầu tiên phải dạy trẻ yêu thương chính mình. Yêu thương là vô giá, không thể dạy bằng lời nói, cũng không thể bắt ép ai đó phải yêu thương một ai đó.

Để trẻ có được giá trị yêu thương, trước hết, người lớn cần trao truyền yêu thương cho trẻ qua suy nghĩ yêu thương (ý giáo). Đặc biệt là một năm rưỡi đầu đời, trẻ rất cần cảm nhận được yêu thương ổn định, bền bỉ và vô điều kiện. Chúng ta thực sự trân trọng đứa trẻ, gửi gắm cảm xúc tích cực, tin tưởng, lạc quan và mong chờ sự tiến bộ của trẻ. Nhiều cha mẹ thất vọng về con, nên có những chê bai, chỉ trích trước mặt hoặc sau lưng trẻ, kiểu “đứa trẻ này hỏng rồi”. 

Tình yêu, sự chấp nhận trẻ như-nó-vốn-là, và sự ổn định trong tình yêu đó giúp trẻ phát triển những cảm xúc tích cực về mình, về những người xung quanh. Đứa trẻ tự ti vì không cảm nhận được tình yêu thương của những người xung quanh, không thấy được sự ổn định trong tình yêu đó. Đặc biệt là trẻ không được chấp nhận, luôn bị bắt làm theo ý bố mẹ, không được tôn trọng “cái tôi”, nhu cầu khác biệt của mình.

Khi bị so sánh với người khác, trẻ sẽ tổn thương tình yêu thương nghiêm trọng. Trẻ thực sự bị co cụm, tự ti, mặc cảm, và trở nên chống đối chúng ta. Lúc đó bản thân trẻ rất cô đơn, thiếu hụt tình yêu thương, mà nguy hại nhất là không thể yêu thương chính mình. 

Dạy con nên người, có nền tảng nhân cách tốt bắt đầu từ thai giáo. Bố mẹ, những người liên quan đến con sẽ trao truyền cho con ý nghĩ, hành vi như đọc thơ, nói chuyện… để con cảm nhận tình yêu thương, tạo ra những kết nối tuyệt vời với mẹ và thai nhi. Trẻ em từ không đến sáu tuổi thấm hút tốt mọi thứ xung quanh, cảm nhận chúng ta bằng mọi giác quan vô cùng nhạy cảm. Cha mẹ dùng kỷ luật tích cực hướng dẫn con làm hành vi đúng (khác trừng phạt - chấm dứt hành vi sai).

Hãy giúp trẻ học cách yêu thương bản thân - Ảnh minh họa
Hãy giúp trẻ học cách yêu thương bản thân - Ảnh minh họa

Có người chiều chuộng con như một cách thể hiện tình yêu thương, thực sự chỉ nên chấp nhận những nhu cầu chính đáng, có lợi cho trẻ mà thôi. Không phải chỉ ở trẻ em, mà giá trị yêu thương cũng luôn cần được người lớn nuôi dưỡng, bồi đắp trong hành trình sống và trải nghiệm.

Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thuý (Hoài Nhân ghi)

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/boi-dap-cho-con-gia-tri-yeu-thuong-a1425626.html

 

Chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống của THVL với các chủ đề về Nuôi dạy trẻ.

- “Bạo hành lạnh” - Vấn nạn bỏ quên trong gia đình : https://youtu.be/S8HWcqoWW-8

- Khi trẻ cố tình hơn thua : https://youtu.be/nuOFdedAxzs

- Dấu hiệu cho thấy trẻ đang cần được giúp đỡ : https://youtu.be/A5eMdTHsTCg

- Tại sao con không tâm sự với cha mẹ? https://youtu.be/-lQVRL6fAQM

- Cha mẹ thiên vị - Con cái tổn thương như thế nào? https://youtu.be/3lQQJlNn89o

- Giáo dục giới tính ở trẻ em - Chuyện không bao giờ cũ : https://youtu.be/KCHWUHY7h50

- Khi cha mẹ thất hứa và tổn thương của con trẻ : https://youtu.be/obUZId9Ebp8

 

Chương trình Talkshow Son Môi Đỏ của đài HTV Entertainment với chủ đề về Người thứ ba

 

 

 'Khi nhớ về mục tiêu chung, cả vợ lẫn chồng mới có thể cùng tìm giải pháp giải quyết vấn đề, không mất thời gian tranh cãi thắng thua', TS xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Giữ tổ ấm trong ấm, ngoài êm - Ảnh 1.

Một gia đình đi chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM tối 31-12-2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trò chuyện với Tổ ấm dịp đầu năm 2021 về chủ đề để giữ gia đình trong ấm ngoài êm, TS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng đây là nhu cầu mọi người đều hướng đến. Nếu có niềm tin như thế thì khi xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng sẽ nhớ về mục tiêu chung: xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đừng sợ mâu thuẫn

* Thưa chị, vậy làm sao cho gia đình luôn "trong ấm ngoài êm"?

- Theo tôi, để giữ "trong ấm ngoài êm" phải tuân thủ những điều sau:

Đầu tiên là hiểu nhau. Nếu mình hiểu thì có thể thương, có thể bao dung, tha thứ... cho bạn đời của mình.

Thứ hai là học cách tôn trọng nhau. Tôi thấy trong các cặp vợ chồng, khi hai người không còn tôn trọng nhau cũng là lúc người thứ ba xuất hiện, vì chỉ nhìn thấy cái xấu của nhau cho nên ai cũng đổ lỗi, phán xét nhau. 

Việc thống nhất trong chăm con, dạy con cũng giúp cho trong ấm ngoài êm. Có nhiều cặp vợ chồng không cùng quan điểm trong việc này đã lục đục với nhau.

Thêm nữa, mối quan hệ xung quanh vợ và chồng, như ông bà, cha mẹ, anh chị em... cũng tác động ít nhiều đến hôn nhân hai người.

* Vậy theo chị, vợ chồng cần làm gì khi đối mặt với những khó khăn của hôn nhân?

- Mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng là tất yếu. Nhưng khi tham vấn, tôi hay nói đừng sợ mâu thuẫn, đừng ngại cãi nhau. Cái chính là khi có mâu thuẫn, dẫn tới cãi nhau, cả hai cần tìm ra hướng giải quyết, đồng thời tránh nói những điều nặng nề gây tổn thương cho người kia.

Cần chấp nhận mâu thuẫn, xem đó là cơ hội đối thoại, để vợ chồng ngồi lại cùng nhau, nói ra bức xúc, mong muốn trong tinh thần không chỉ trích, phán xét nhau. Ở đây cần lưu ý, nói ra cảm xúc là để giải quyết vấn đề, không phải giải quyết cái tôi và không ngoài mục đích xây dựng hạnh phúc gia đình, từng bước hiểu nhau, chấp nhận nhau, cho "trong ấm ngoài êm" như chúng ta vừa trao đổi ở trên.

Giữ tổ ấm trong ấm, ngoài êm - Ảnh 2.

TS Phạm Thị Thúy

Bình tĩnh dạy con

* Dạy con trong thời hiện đại cũng là thách thức của nhiều gia đình. Chị có thể chia sẻ cách giáo dục để trẻ được là chính mình?

- Thời nay nhiều phụ huynh dạy con trong hoang mang, vì hoàn cảnh sống có quá nhiều áp lực, đôi khi khiến phụ huynh không làm chủ được mình, đem những khó khăn, mệt mỏi bên ngoài về trút đổ lên con cái.

Một vấn đề khác, con cái chúng ta sinh ra trong điều kiện khác xa cha mẹ. Trẻ bị cuốn vào mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến, khiến cha mẹ - con cái không còn nhiều thời gian chơi với nhau. Thêm nữa, nhiều cha mẹ, nhất là ở nông thôn không rành công nghệ, tạo ra khoảng cách với trẻ.

Chuyện học hành của con trẻ cũng là vấn đề khiến phụ huynh đau đầu. Ngay cả tôi, đang làm trong lĩnh vực giáo dục mà đôi khi không thể học cùng con.

Bản thân trẻ ngày nay phát triển tâm lý cũng nhanh hơn, trẻ trưởng thành nhanh hơn chúng ta, tạo ra mâu thuẫn khi cha mẹ định hình, tuổi đó con phải thế này thế kia mới... giống ba mẹ; dẫn đến ứng xử không phù hợp, khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái căng thẳng.

Khi hiểu được các nguyên nhân, các bậc phụ huynh có thể điều chỉnh để gần con hơn, không hoang mang khi thấy "con cái khác xa chúng mình". 

Tôn trọng sự khác biệt của trẻ (ở mỗi trẻ, mỗi giai đoạn) là cách giúp trẻ được là chính mình. Để được như vậy, cha mẹ cũng cần học hỏi từ sách, từ những người có chuyên môn...

Muốn trẻ như thế nào, cha mẹ phải sống như thế ấy. Trẻ sống trong bầu không khí yêu thương thì đâu cần dạy trẻ yêu thương là gì nữa, bởi thực tế đã là câu trả lời, là bài học rồi.

TS Phạm Thị Thuý

* Vậy thế nào là trẻ ngoan? Chị có bí quyết gì trong quá trình dạy con mình?

- Tôi không quan niệm trẻ ngoan là nói gì nghe nấy. Người lớn không phải lúc nào cũng đúng, do vậy không lý do gì trẻ phải răm rắp nghe theo. Tôi cho phép con phản biện, chỉ nghe lời hoặc làm theo khi điều đó con cho rằng đúng. Và đúng ở đây là những việc không tổn thương con, người khác, môi trường; không vi phạm đạo đức xã hội và pháp luật...

 
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
 

TTO - Người cha luôn được gắn với việc kiếm tiền, "xây nhà". Còn người mẹ mang trách nhiệm vun vén gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái. Thế nhưng hiện nay hình ảnh các ông bố chăm con, nấu cơm... ngày càng phổ biến.

Quý ông chăm con - Ảnh 1.
 

Việc người cha dành thời gian chăm sóc, giáo dục rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách, phát triển của con trẻ - Ảnh: T.T.D.

Nhiều ý kiến cho rằng thật ra việc chăm sóc, giáo dục từ phía người cha rất quan trọng đối với con trẻ.

Cần sự chăm sóc của cả cha, mẹ

Sáng nào cũng vậy, cứ đúng 6h là anh Mạnh Cường (quận 9, TP.HCM) lại mở nhạc rồi làm "người mẫu" cho cả nhà cùng tập thể dục. Tiếp theo, họ chộn rộn rửa mặt, đánh răng, thay trang phục. Sau khi đưa con đến lớp, anh tranh thủ làm hết việc trong ngày ở công ty riêng để kịp đón con tan trường. Trong lúc hai con chơi đùa với nhau thì anh nấu bữa chiều. Đến khi vợ đi làm về, cả nhà quây quần vui vẻ bên mâm cơm. Rồi chị dọn dẹp nhà cửa, còn ba cha con cùng chơi đùa, giải trí, phụ việc nhà và cùng học. Cuối tuần, anh dắt con đi chơi công viên, học năng khiếu, đi bơi...

Không riêng gì anh Cường, ngày nay có không ít ông bố dành thời gian chăm sóc khi con còn nhỏ và "theo" con đến lớn. Theo TS Phạm Thị Thúy, giáo dục con những năm đầu đời đặt nền móng hình thành nhân cách đứa trẻ và ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời trẻ. Và hành trình chăm sóc, "sống cùng" con cũng chính là quá trình giáo dục con qua việc nêu gương, giải thích, hướng dẫn cho con làm. Chẳng hạn cho con ăn cũng đồng thời dạy con cách ăn, thói quen ăn uống, kiến thức về thức ăn và chăm sóc sức khỏe...

Còn TS tâm lý Bùi Hồng Quân, cũng là một "quý ông" mê chăm con, cho rằng trong giai đoạn sơ sinh, do chức năng giới mà người mẹ có thuận lợi hơn hẳn trong việc chăm sóc con. Và nếu khi đó có sự tham gia của người cha nữa thì bé sẽ thêm cảm giác yên tâm. Sau đó, nếu người cha vẫn tiếp tục "đắm đuối vì con" thì đứa trẻ sẽ mau chóng lớn khôn do lĩnh hội được tri thức lẫn kinh nghiệm sống từ cả cha và mẹ. Ngoài ra các con còn luôn tự tin khi có được điểm tựa tinh thần vững chãi, cũng như cảm thấy hạnh phúc khi được đầm mình trong bầu không khí gia đình thấm đẫm yêu thương của cả cha lẫn mẹ.

"Chính quá trình đó đã tạo nên mối quan hệ tình cảm cha - con sâu sắc và gần gũi, từ đó tạo thuận lợi cho người cha tham gia giáo dục con trong các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là khi trẻ trai bước vào tuổi dậy thì" - ông Quân phân tích. Một ông bố nói chuyện với con trai về giới tính tuổi mới lớn, về sự nghiệp và vai trò của người đàn ông tương lai trong gia đình... sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn hẳn so với người mẹ.

Theo TS Quân, đặc tính về giới của đàn ông là mạnh mẽ, cứng rắn, nghị lực, cương nghị. Vì thế giáo dục từ người cha vừa yêu thương vừa nghiêm khắc, còn mẹ thì mềm mại, nhẹ nhàng. Cha có tư duy khái quát, mẹ thì tư duy cụ thể, nên con có thể học ở cha cách nhìn xa trông rộng, học ở mẹ sự tỉ mỉ, chi tiết. Do đó giáo dục của cha và mẹ có sự bổ sung mà nếu thiếu hụt một trong hai đều bất ổn.

Cùng "bới thóc" và chăm con

 

Nói thêm về những khó khăn của người cha khi chăm con, TS Bùi Hồng Quân chia sẻ: Đầu tiên là khó khăn về mặt dư luận xã hội. Quan niệm truyền thống "đàn ông xây nhà" gán cho người cha hình tượng chú ong thợ miệt mài đi kiếm tiền. Vì thế nhiều ông bố nghĩ rằng cứ lo đủ kinh tế cho gia đình là xong trách nhiệm, còn chăm con là việc của "người khác". Trên thực tế, quan điểm trên giờ cũng đã ít nhiều thay đổi. Hơn nữa, dẫu sao đó cũng chỉ là dư luận xã hội, điều quyết định vẫn là sự lựa chọn của ông bố.

Thứ hai, do người cha thường lãnh phần gánh vác tài chính gia đình nên cũng ít có thời gian dành cho con. Thứ ba, họ rất yêu con nhưng do đặc tính giới mà nhiều đàn ông không dễ có những hành động ôm ấp, cưng nựng, nói lời yêu con. Hai điều này dẫn tới sự kết nối, gần gũi về mặt tâm lý với con có thể sẽ không thuận lợi như người mẹ.

Và thứ tư, khác với bà mẹ, các ông bố rất ít khi được dạy... làm bố và nuôi dạy con. Do vậy cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm họ đều thiếu, từ đó ảnh hưởng hiệu quả chăm sóc và giáo dục con.

Để khắc phục những hạn chế trên, TS Quân cho rằng cần có sự phối hợp giữa cha và mẹ trong giáo dục con cái. Cả hai vợ chồng phải cùng "xây nhà" và cùng "xây tổ ấm". Người cha cần nhận thức được vai trò không thể thiếu của mình trong việc giáo dục con cái. Từ đó, những ông bố sẽ tìm cách trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan để dạy con tốt nhất.

"Tôi cho rằng có ba "chìa khóa" mà người cha muốn nuôi dạy con hiệu quả cần sở hữu là thấu hiểu tâm lý trẻ theo từng lứa tuổi và những đặc điểm tâm lý riêng có ở con mình; làm người bạn tin cậy của con bằng cách giao tiếp hiệu quả với con trên nguyên tắc tôn trọng - đối thoại; luôn quản lý tốt cảm xúc trong quá trình tương tác với con", TS Quân bày tỏ.

Nhiều nhà tâm lý giáo dục cho rằng việc dạy dỗ con cái quan trọng nhất là giáo dục về giá trị sống. Cha mẹ hãy trang bị cho con những giá trị làm người như lòng nhân ái, vị tha, biết ơn... cùng với những giá trị thời đại (thấu hiểu, tôn trọng, hợp tác...). Để từ đó con có được cái nhìn phù hợp về cuộc sống, dẫn tới hành động chuẩn mực trong mọi trường hợp. Và phương pháp giáo dục hiệu quả, đơn giản nhất chính là sự nêu gương. Bởi chỉ khi cha mẹ làm gương tốt thì con cái mới có hình mẫu để noi theo.

Theo kết quả khảo sát trên 467 cha/mẹ tại TP.HCM mới đây trong luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Thúy, có tới 91,2% người được hỏi cho rằng cả cha và mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái. Và chỉ có 7,9% cha/mẹ coi việc giáo dục con cái là trách nhiệm của người mẹ và gần 1% cha/mẹ cho rằng đó là trách nhiệm của người cha.

THÁI BÌNH
 

Bước vào giai đoạn dậy thì, đứa trẻ ngoan hiền của ngày hôm qua thoắt cái như biến thành ai đó khác, như vừa đến từ một hành tinh xa lạ.

Con dậy thì như biến thành người khác, giao tiếp ra sao?  - Ảnh 1.
 

Phụ huynh luôn cố gắng làm bạn cùng con khi con bước vào tuổi teen - Ảnh: MAI THƯƠNG

Vì thế, cha mẹ cũng phải thay đổi chính mình mới có thể tương tác hiệu quả với "người ngoài hành tinh".

"Nóng, lạnh" trong nhà

Tại phòng tham vấn tâm lý ở Q.3 (TP.HCM), một bà mẹ tỏ ra hốt hoảng về việc cô con gái đang học lớp 6 tuyên bố nghỉ học. Khoảng 1 năm trước, bé bắt đầu dậy thì và "trở tính" khiến chị không còn muốn gần gũi, ôm ấp con như trước. 

Ngược lại, chị còn hay la mắng bé, khiến hai mẹ con "chiến tranh lạnh" dai dẳng. Đôi lần chị còn tát tai bé vì không chịu nổi kiểu con ăn nói nhấm nhẳng, "hỗn hào".

Ca tiếp theo vào phòng tham vấn tâm lý là hai vợ chồng có con trai đang học lớp 9 cũng vừa nghỉ học. 

Từ năm lớp 7, cậu bé này "khắc khẩu" với mẹ đến độ không nói chuyện được với nhau. Có lúc xung đột dữ dội, chồng chị phải tách vợ ra khỏi nhà để tạm lánh mặt. Dạo gần đây, cậu bé này còn lấn tới xung đột với cả cha mình.

Theo chuyên viên tham vấn tâm lý - TS Phạm Thị Thúy, chuyện cha mẹ khó giao tiếp với con tuổi mới lớn gần như nhà nào cũng có. 

Nhẹ nhất là hai bên va chạm nhau trong lời nói; nghiêm trọng hơn là có sự chống đối theo kiểu không giao tiếp, không tâm sự hoặc ăn nói ngang ngạnh, thậm chí đánh cha mẹ. Còn ở mức độ nặng, con có thể bỏ nhà đi, rơi vào trầm cảm và thậm chí tự tử.

Con cần cha mẹ thấu hiểu

Bước vào tuổi dậy thì, từ sự phát triển nhảy vọt về mọi mặt mà ở thiếu niên hình thành "cảm giác mình là người lớn" và phát triển mạnh mẽ các nhu cầu: được độc lập, khẳng định bản thân, tìm kiếm vị thế mới...

"Con ở độ tuổi này mà tỏ thái độ xa cách, hay cãi lại, phán xét, chê bai cha mẹ... là chuyện thường xảy ra. Thế nhưng nhiều cha mẹ vì chưa hiểu biết hoặc không chấp nhận sự thay đổi này ở đứa con từng ngoan hiền trước đây nên nổi xung với con" - TS Thúy phân tích.

Còn theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Ngọc, cha mẹ nào cũng phải lo mưu sinh, thậm chí làm tới mấy đầu việc nên khi gặp bực bội trong công việc hay mối quan hệ thì về nhà trút lên trẻ. Thậm chí họ không còn thời gian trò chuyện với con, khiến con dần xa cách cha mẹ.

Ngoài ra, theo TS Bùi Hồng Quân, không ít cha mẹ còn giao tiếp với con theo kiểu độc đoán, bề trên, từ đó áp đặt và ra lệnh chứ không chia sẻ và đồng hành. 

Chính vì vậy, khi bước vào tuổi mới lớn con càng ngại tiếp xúc với cha mẹ. Nhiều khi con gặp khó khăn gì đó, thay vì động viên, an ủi, gợi ý giải pháp thì cha mẹ lại "dập" con te tua khiến con không dám chủ động nói ra những khó khăn của mình.

 

"Nhiều cha mẹ còn chưa kiểm soát tốt cảm xúc của mình nên rất dễ bực mình, nổi nóng khi giao tiếp với con", ông Quân bổ sung. Ngoài ra, Internet và các thiết bị thông minh cũng khiến cho cả con cái lẫn cha mẹ dễ sa đà lạm dụng thay vì dành thời gian cho nhau.

Cha mẹ phải thay đổi trước

Theo các nhà chuyên môn, giao tiếp đóng vai trò không thể thiếu trong giáo dục, đặc biệt đối với tuổi mới lớn. 

Do vậy, ông Quân gợi ý: "Vì con, cha mẹ có thể bớt giao lưu bạn bè, vui chơi giải trí, thậm chí tạm hi sinh một số mục tiêu cá nhân để có thêm thời gian tương tác với con. Hoặc cùng chơi thể thao, làm việc nhà, giải trí cùng nhau... để qua đó giao tiếp, giáo dục con".

Còn bà Thúy cho rằng những biến động tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì là quá trình tự nhiên và không thể thay đổi được, do đó chính cha mẹ phải cần thay đổi để thích ứng. 

Muốn vậy, cha mẹ cần bỏ công tìm hiểu về đặc điểm tâm lý lứa tuổi thiếu niên, quan tâm nhiều hơn để hiểu thêm về con mình. Từ đó cha mẹ mới mong tương tác phù hợp với đứa trẻ đang chuẩn bị thành người lớn.

Ngoài ra, cha mẹ cần điều chỉnh cách giao tiếp với nhau sao cho ấm áp, tôn trọng, tình cảm hơn để rồi từ đó tạo ra bầu không khí tích cực, lành mạnh cho việc giao tiếp, giáo dục con.

Nhìn ở góc độ khác, bà Ngọc cho rằng cha mẹ cần bớt cái tôi trong giao tiếp - ứng xử vì: "Trong gia đình mà ai cũng muốn giành phần thắng là... thua. Nếu cha mẹ không ý thức điều này thì khó mà giao tiếp hiệu quả với đứa con vốn cũng đang khao khát khẳng định bản thân".

Nói thêm về vấn đề trên, ông Quân cho rằng ngày nay có nhiều sách, khóa học về giao tiếp với tuổi thiếu niên. Cha mẹ nào ý thức điều đó quan trọng thì tự khắc sẽ bỏ công tìm hiểu, trau dồi để có thể giao tiếp với con hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, cha mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô, chuyên viên tâm lý học đường... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải sẵn sàng thay đổi. Có như thế mới là người cha, người mẹ thông minh, hiện đại!

Kết quả khảo sát của dự án xã hội "Hành vi tuổi teen đô thị" - do Công ty nghiên cứu thị trường TITA phối hợp với chuyên gia tâm lý thực hiện - cho thấy: trung bình mỗi ngày các em đang trong độ tuổi teen tại TP.HCM và Hà Nội tương tác với cha mẹ 1 giờ 45 phút, chủ yếu vào giờ ăn và xem tivi.

Những chủ đề trò chuyện, trao đổi giữa cha mẹ và các em thường liên quan đến học hành (86%), quan hệ bạn bè (54%), giờ giấc sinh hoạt (41%) và chăm sóc bản thân (37%). Và đó cũng là những việc mà cha mẹ thường hay la mắng các em nhất.

Vậy có bao giờ các bậc cha mẹ tự hỏi: Liệu rằng những chủ đề và cách giao tiếp mình thường nói với con có phải là những cuộc giao tiếp mà các em thích thú không?

"Bộ não tuổi teen chưa phát triển hoàn thiện. Trong đó, thùy trán - khu vực não liên quan đến chức năng điều hành, hiểu biết, suy xét, phán đoán, tưởng tượng, kiểm soát cảm xúc và hành vi... - lại là phần phát triển đầy đủ cuối cùng của bộ não.

Điều đó giải thích tại sao trẻ vị thành niên thường hành xử theo những cách khó hiểu và giống như "bãi mìn nổ chậm"...

(Theo sách Não bộ tuổi teen của Frances E. Jensen - giáo sư, nhà nghiên cứu và bác sĩ thần kinh Hoa Kỳ).


 
HUỲNH THANH BÌNH
 
 

TTO - Cuộc sống với bao nhu cầu thôi thúc, nên dù biết rõ con trẻ cần mình nhưng nhiều cha mẹ cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc sắp xếp thời gian dành cho chúng.

Sống cùng con hay sống vì con? - Ảnh 1.
 

Khi con 0-6 tuổi, đó là “thời gian vàng” để cha mẹ gần gũi, dành nhiều thời gian, tạo điều kiện để con hình thành tính cách, phát triển toàn diện hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu có ở bên con, cha mẹ cũng chưa "cháy hết mình" cùng con.

Con cần cha mẹ "sống cùng"

Sáng chủ nhật ở khu vui chơi trẻ em công viên Tao Đàn (quận 1, TP.HCM), bé Na cứ "lôi" ba chơi hết trò này đến trò khác. Anh Long - cha của bé cho biết, hiếm khi cả nhà cùng đi chơi thế này. Anh hiện là nhân viên phát triển thị trường cho một công ty ở quận 3. "Công việc đòi hỏi gần như không giới hạn, đang làm cái này lại phải vắt óc nghĩ ra cái khác. Thời gian nghỉ ngơi cho bản thân còn không có nữa là", anh chia sẻ.

Còn mẹ bé Na là một giảng viên đại học. Do hai vợ chồng đang nỗ lực dành dụm để vài năm tới mua căn hộ nho nhỏ nhằm thoát cảnh nhà thuê, nên chị tranh thủ dạy thỉnh giảng buổi tối và cả cuối tuần cho nhiều trường bạn và đi các tỉnh theo lời mời. "Đứng lớp nhiều mệt lắm nhưng phải cố theo. Vợ chồng tôi thường chỉ có thể đưa con đi chơi vào dịp lễ, tết thôi. Mới đó mà con bé đã lớn thế kia rồi", chị tâm sự.

Không riêng gì vợ chồng anh Long, nhiều cha mẹ ngày nay quay cuồng theo công việc mưu sinh để đảm bảo kinh tế gia đình và lo cho con cái được no đủ, học hành đến nơi đến chốn. Nhưng theo các nhà giáo dục, trẻ cần cha mẹ không chỉ "sống vì con" như thế mà còn mong mỏi được cha mẹ "sống cùng con", để chúng có thể lớn khôn trong một gia đình hạnh phúc. Và việc cha mẹ dành thời gian tương tác sẽ giúp con phát triển cả về thân, trí và tâm, đặc biệt là trong "giai đoạn vàng" - từ 0 đến 6 tuổi.

Chuyên viên tâm lý - TS Phạm Thị Thúy phân tích: "Chơi đùa hay hoạt động gì đó cùng cha mẹ là cơ hội để con trẻ vận động, rèn luyện thể chất. Qua đó, vốn ngôn ngữ của trẻ tăng nhanh và trẻ học được nhiều thứ: cách làm việc, xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, đứng lên trên vấp ngã, kinh nghiệm sống...". Điều quan trọng nữa, theo bà Thúy, việc cả nhà chơi đùa cùng nhau khiến cho con trẻ vui vẻ và hạnh phúc khi được "đầm mình" trong bầu không khí gia đình ấm áp.

Chất quan trọng hơn lượng

 

Theo ông Phan Quang Thịnh - giám đốc dự án khảo sát xã hội "Hành vi tuổi teen đô thị", do điều kiện, hoàn cảnh rồi nhu cầu kiếm sống, mục tiêu cá nhân... nên nhiều bậc cha mẹ khó mà thay đổi, sắp xếp công việc trong một sớm một chiều. Do đó các bậc cha mẹ trước tiên cần tăng chất lượng mỗi khi có thời gian ở bên con. Theo đó, khi trò chuyện hay làm gì đó cùng con thì cha mẹ cần tập trung 100%: đầu óc không nghĩ tới công việc, không tranh thủ làm việc khác, tay không cầm điện thoại và mắt không canh chừng tin nhắn điện thoại...

"Con ở độ tuổi từ 0-6 sẽ rất cần cha mẹ chơi như là bạn. Nếu cha mẹ không chuyên tâm thì không thể chơi được với con. Cho nên tăng chất lượng thời gian dành cho con không phải dễ, nhất là với cha mẹ bận rộn", bà Thúy nói. Có những cha mẹ nhận ra việc cần dành thời gian vui đùa, hoạt động cùng con mà mãi vẫn không sắp xếp được, cho đến khi chợt nhìn lại thì con đã qua tuổi thơ hoặc không còn "cần" cha mẹ nữa. "Do đó, tăng chất lượng thời gian dành cho con cần làm càng sớm càng tốt, ngay và luôn", bà Thúy chia sẻ.

Không chỉ tăng chất, ông Thịnh còn gợi ý cha mẹ tăng lượng thời gian dành cho con bằng cách tranh thủ những lúc đưa đón con đi học, trò chuyện trước khi con ngủ... Còn theo bà Thúy, bà đã thực hiện tích hợp thời gian của hai mẹ con: "Tôi đi dạy, kể cả đi tỉnh, nếu con rảnh thì cũng kéo con theo luôn. Như vậy con có thêm cơ hội giao tiếp, mở mang hiểu biết...". Hay như các ông bố có thể kéo con cùng tập thể dục, chơi thể thao hay làm việc gì đó, nhờ vậy mà cha con có thời gian trò chuyện, tâm sự, chia sẻ chuyện nọ chuyện kia.

Nhưng để "tạo ra" thời gian đáng kể dành cho con, cha mẹ cần từng bước sắp xếp công việc để không còn "lu xu bu" nữa. Theo bà Thúy, cha mẹ có thể xác định rõ từng mục tiêu và ưu tiên tập trung cho mục tiêu quan trọng và khẩn cấp hơn để tránh thời gian bị "cắt vụn" và ngổn ngang công việc. Chưa hết, cha mẹ cần lập kế hoạch thực hiện rõ ràng cho từng mục tiêu để không bị ngập trong công việc. "Thiếu hai kỹ năng xác định mục tiêu và lập kế hoạch thì sẽ không quản lý được thời gian. Hai cái này có khi cần học tập mới có thể thực hiện hiệu quả được", bà Thúy nói.

Các nhà tham vấn tâm lý vẫn thường nêu câu hỏi "cái gì quan trọng hơn: con hay tiền?", để các cha mẹ bận rộn có thể cân nhắc và ưu tiên tập trung vào. Ngoài ra, tùy giai đoạn phát triển của con mà mức độ ưu tiên cũng khác nhau. Chẳng hạn khi con từ 0-6 tuổi hoặc dậy thì, cha mẹ cần ưu tiên tập trung cho con nhiều hơn việc kiếm tiền hay các mục tiêu cá nhân khác. "Đôi khi cha mẹ cần biết hi sinh bớt công việc để sống cùng con, vì nhu cầu của con. Ai cũng có quyền lựa chọn mục tiêu và quyết định cách sử dụng thời gian của mình, vấn đề là mình đang ưu tiên cho việc gì mà thôi", bà Thúy chia sẻ thêm.

Khảo sát trên 400 học sinh cấp 2 và 3 tại TP.HCM và Hà Nội, dự án xã hội "Hành vi tuổi teen đô thị" (do Công ty nghiên cứu thị trường TITA phối hợp với chuyên gia tâm lý thực hiện gần đây) cho kết quả: Trung bình mỗi ngày các em tương tác với cha mẹ 1 giờ 45 phút, chủ yếu vào giờ ăn và xem tivi. Chủ đề trò chuyện, trao đổi giữa cha mẹ và các em thường liên quan đến học hành (86%), quan hệ bạn bè (54%), giờ giấc sinh hoạt (41%) và chăm sóc bản thân (37%). Cũng theo khảo sát này, đây là những việc mà cha mẹ thường hay la mắng các em nhất.

 
SAO KHUÊ
 
 
Page 10 of 15

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.