Con dậy thì như biến thành 'người khác', giao tiếp ra sao? Featured

Bước vào giai đoạn dậy thì, đứa trẻ ngoan hiền của ngày hôm qua thoắt cái như biến thành ai đó khác, như vừa đến từ một hành tinh xa lạ.

Con dậy thì như biến thành người khác, giao tiếp ra sao?  - Ảnh 1.
 

Phụ huynh luôn cố gắng làm bạn cùng con khi con bước vào tuổi teen - Ảnh: MAI THƯƠNG

Vì thế, cha mẹ cũng phải thay đổi chính mình mới có thể tương tác hiệu quả với "người ngoài hành tinh".

"Nóng, lạnh" trong nhà

Tại phòng tham vấn tâm lý ở Q.3 (TP.HCM), một bà mẹ tỏ ra hốt hoảng về việc cô con gái đang học lớp 6 tuyên bố nghỉ học. Khoảng 1 năm trước, bé bắt đầu dậy thì và "trở tính" khiến chị không còn muốn gần gũi, ôm ấp con như trước. 

Ngược lại, chị còn hay la mắng bé, khiến hai mẹ con "chiến tranh lạnh" dai dẳng. Đôi lần chị còn tát tai bé vì không chịu nổi kiểu con ăn nói nhấm nhẳng, "hỗn hào".

Ca tiếp theo vào phòng tham vấn tâm lý là hai vợ chồng có con trai đang học lớp 9 cũng vừa nghỉ học. 

Từ năm lớp 7, cậu bé này "khắc khẩu" với mẹ đến độ không nói chuyện được với nhau. Có lúc xung đột dữ dội, chồng chị phải tách vợ ra khỏi nhà để tạm lánh mặt. Dạo gần đây, cậu bé này còn lấn tới xung đột với cả cha mình.

Theo chuyên viên tham vấn tâm lý - TS Phạm Thị Thúy, chuyện cha mẹ khó giao tiếp với con tuổi mới lớn gần như nhà nào cũng có. 

Nhẹ nhất là hai bên va chạm nhau trong lời nói; nghiêm trọng hơn là có sự chống đối theo kiểu không giao tiếp, không tâm sự hoặc ăn nói ngang ngạnh, thậm chí đánh cha mẹ. Còn ở mức độ nặng, con có thể bỏ nhà đi, rơi vào trầm cảm và thậm chí tự tử.

Con cần cha mẹ thấu hiểu

Bước vào tuổi dậy thì, từ sự phát triển nhảy vọt về mọi mặt mà ở thiếu niên hình thành "cảm giác mình là người lớn" và phát triển mạnh mẽ các nhu cầu: được độc lập, khẳng định bản thân, tìm kiếm vị thế mới...

"Con ở độ tuổi này mà tỏ thái độ xa cách, hay cãi lại, phán xét, chê bai cha mẹ... là chuyện thường xảy ra. Thế nhưng nhiều cha mẹ vì chưa hiểu biết hoặc không chấp nhận sự thay đổi này ở đứa con từng ngoan hiền trước đây nên nổi xung với con" - TS Thúy phân tích.

Còn theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Ngọc, cha mẹ nào cũng phải lo mưu sinh, thậm chí làm tới mấy đầu việc nên khi gặp bực bội trong công việc hay mối quan hệ thì về nhà trút lên trẻ. Thậm chí họ không còn thời gian trò chuyện với con, khiến con dần xa cách cha mẹ.

Ngoài ra, theo TS Bùi Hồng Quân, không ít cha mẹ còn giao tiếp với con theo kiểu độc đoán, bề trên, từ đó áp đặt và ra lệnh chứ không chia sẻ và đồng hành. 

Chính vì vậy, khi bước vào tuổi mới lớn con càng ngại tiếp xúc với cha mẹ. Nhiều khi con gặp khó khăn gì đó, thay vì động viên, an ủi, gợi ý giải pháp thì cha mẹ lại "dập" con te tua khiến con không dám chủ động nói ra những khó khăn của mình.

 

"Nhiều cha mẹ còn chưa kiểm soát tốt cảm xúc của mình nên rất dễ bực mình, nổi nóng khi giao tiếp với con", ông Quân bổ sung. Ngoài ra, Internet và các thiết bị thông minh cũng khiến cho cả con cái lẫn cha mẹ dễ sa đà lạm dụng thay vì dành thời gian cho nhau.

Cha mẹ phải thay đổi trước

Theo các nhà chuyên môn, giao tiếp đóng vai trò không thể thiếu trong giáo dục, đặc biệt đối với tuổi mới lớn. 

Do vậy, ông Quân gợi ý: "Vì con, cha mẹ có thể bớt giao lưu bạn bè, vui chơi giải trí, thậm chí tạm hi sinh một số mục tiêu cá nhân để có thêm thời gian tương tác với con. Hoặc cùng chơi thể thao, làm việc nhà, giải trí cùng nhau... để qua đó giao tiếp, giáo dục con".

Còn bà Thúy cho rằng những biến động tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì là quá trình tự nhiên và không thể thay đổi được, do đó chính cha mẹ phải cần thay đổi để thích ứng. 

Muốn vậy, cha mẹ cần bỏ công tìm hiểu về đặc điểm tâm lý lứa tuổi thiếu niên, quan tâm nhiều hơn để hiểu thêm về con mình. Từ đó cha mẹ mới mong tương tác phù hợp với đứa trẻ đang chuẩn bị thành người lớn.

Ngoài ra, cha mẹ cần điều chỉnh cách giao tiếp với nhau sao cho ấm áp, tôn trọng, tình cảm hơn để rồi từ đó tạo ra bầu không khí tích cực, lành mạnh cho việc giao tiếp, giáo dục con.

Nhìn ở góc độ khác, bà Ngọc cho rằng cha mẹ cần bớt cái tôi trong giao tiếp - ứng xử vì: "Trong gia đình mà ai cũng muốn giành phần thắng là... thua. Nếu cha mẹ không ý thức điều này thì khó mà giao tiếp hiệu quả với đứa con vốn cũng đang khao khát khẳng định bản thân".

Nói thêm về vấn đề trên, ông Quân cho rằng ngày nay có nhiều sách, khóa học về giao tiếp với tuổi thiếu niên. Cha mẹ nào ý thức điều đó quan trọng thì tự khắc sẽ bỏ công tìm hiểu, trau dồi để có thể giao tiếp với con hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, cha mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô, chuyên viên tâm lý học đường... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải sẵn sàng thay đổi. Có như thế mới là người cha, người mẹ thông minh, hiện đại!

Kết quả khảo sát của dự án xã hội "Hành vi tuổi teen đô thị" - do Công ty nghiên cứu thị trường TITA phối hợp với chuyên gia tâm lý thực hiện - cho thấy: trung bình mỗi ngày các em đang trong độ tuổi teen tại TP.HCM và Hà Nội tương tác với cha mẹ 1 giờ 45 phút, chủ yếu vào giờ ăn và xem tivi.

Những chủ đề trò chuyện, trao đổi giữa cha mẹ và các em thường liên quan đến học hành (86%), quan hệ bạn bè (54%), giờ giấc sinh hoạt (41%) và chăm sóc bản thân (37%). Và đó cũng là những việc mà cha mẹ thường hay la mắng các em nhất.

Vậy có bao giờ các bậc cha mẹ tự hỏi: Liệu rằng những chủ đề và cách giao tiếp mình thường nói với con có phải là những cuộc giao tiếp mà các em thích thú không?

"Bộ não tuổi teen chưa phát triển hoàn thiện. Trong đó, thùy trán - khu vực não liên quan đến chức năng điều hành, hiểu biết, suy xét, phán đoán, tưởng tượng, kiểm soát cảm xúc và hành vi... - lại là phần phát triển đầy đủ cuối cùng của bộ não.

Điều đó giải thích tại sao trẻ vị thành niên thường hành xử theo những cách khó hiểu và giống như "bãi mìn nổ chậm"...

(Theo sách Não bộ tuổi teen của Frances E. Jensen - giáo sư, nhà nghiên cứu và bác sĩ thần kinh Hoa Kỳ).


 
HUỲNH THANH BÌNH
 
 
Rate this item
(0 votes)
  • Last modified on Thứ tư, 02 Tháng 12 2020 14:23
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.