Cho con một vé trong nhà

Posted in Kỹ Năng Làm Cha Mẹ


lam-viec-nha
Đừng để trẻ đứng ngoài cuộc. Mọi việc trong gia đình có liên quan đến trẻ đều cần cho trẻ tham gia...

Tôi mới xem một clip quay cảnh đứa trẻ bốn tuổi người nước ngoài khuyên mẹ làm hòa với bố. Bé nói: “Mẹ hãy cố gắng đừng làm cao với bố. Con muốn mọi thứ được lắng xuống, được không. Con muốn bố mẹ sống yên ổn với nhau và là bạn của nhau. Con muốn mẹ, bố, tất cả mọi người đều là bạn. Mẹ có thể nhường bố một chút.



Sau đó là cả hai, bố và mẹ, được không… Khi con nghĩ về ai đó, con muốn họ đều tươi cười. Trái tim con đáng được trân trọng. Trái tim mọi người cũng vậy”… Clip thật xúc động, không chỉ vì cách bày tỏ, mà còn vì suy nghĩ chín chắn, sâu sắc đến không ngờ của một cô bé bốn tuổi.

Clip ngắn ấy làm tôi không khỏi băn khoăn: trẻ em nước ta có thể làm được như vậy không? Các em tuổi mới lớn có thể tham gia bàn luận, hòa giải với bố mẹ được không? Hay các em chỉ khóc, uất ức, thậm chí hành động nông nổi như sa đà bè bạn, chán cảnh gia đình, học hành sa sút…

Tôi chứng kiến nhiều em tuổi mới lớn, thậm chí sinh viên đại học, học một ngành mà chẳng hiểu gì về nó, học theo ý bố mẹ, hoặc theo trào lưu, học mà không có chút yêu thích nào… Đơn giản vì các em không được dạy, không được cho cơ hội để bày tỏ, không được lắng nghe từ những chuyện cỏn con, nói gì đến chuyện được thể hiện mình thích nghề gì, muốn trở thành ai…

Nói không phải để trách trẻ. Tôi tin nếu chúng ta cho phép trẻ được tham gia, được nói, được bày tỏ, trẻ sẽ có rất nhiều lời khuyên hữu ích cho người lớn. Trẻ con rất trong sáng, chân thành. Chúng ta cần lắng nghe con trẻ!

Nhiều cha mẹ với lý do giữ gìn sự trong sáng, ngây thơ của trẻ, hoặc có tâm lý trẻ con biết gì mà bàn, vô tình tước mất quyền tham gia của trẻ. Trẻ là một thành viên của gia đình, cần được thông báo những gì đang và sẽ diễn ra để được tham gia ý kiến. Đó là quyền của trẻ, đã được ghi trong công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Chúng ta hay ngại quyền này quyền kia phức tạp. Kỳ thực đó là những chuyện khá đơn giản, diễn ra trong đời sống hằng ngày. Ví như chuyện mua sắm bàn học, giường ngủ, đèn bàn, đồ trang trí… những món trẻ có sử dụng thì hãy cho trẻ cơ hội được lên tiếng.

Trẻ sẽ nói chúng thích món đồ đó như thế nào. Cả những chuyện không liên quan đến trẻ, như màu son của mẹ, áo của ba, đồ chơi của em… nếu được hỏi ý kiến, trẻ sẽ cảm thấy vui sướng vì mình được lắng nghe, tôn trọng… Chưa kể khi biết những mong đợi dễ thương của con, cha mẹ có thể quyết định mua những món đồ hữu ích hơn.

Việc lớn hơn như chọn trường, cha mẹ cần cho con đến thăm trường, biết nơi mình sắp học, lý do cha mẹ cho mình học ở đó… Khi biết sớm, trẻ sẽ yên tâm hơn, dễ dàng thích nghi với môi trường mới hơn. Nếu trẻ không thích vì lý do nào đó, cha mẹ hãy lắng nghe, cân nhắc trước suy nghĩ và cảm nhận của con.

Với chuyện ly hôn, hãy nói với trẻ hiện trạng mối quan hệ của cha mẹ, lý do ly hôn và các bước tiếp theo cha mẹ định làm gì. Con sẽ sống với ai, con có chuyển trường không...

Việc trò chuyện sẽ giúp trẻ hiểu vấn đề, chấp nhận sự thật. Trẻ cần được nói lên mong đợi trong những quyết định sắp tới liên quan đến cuộc sống của trẻ. Nếu để trẻ đứng ngoài cuộc, trẻ sẽ dằn vặt, đau khổ, thậm chí tự nhận lý do cha mẹ ly hôn là tại mình chưa ngoan, học chưa giỏi… Trẻ sẽ bị động trong mọi việc và cảm thấy tổn thương khi cha mẹ chỉ biết lo chuyện của mình mà quên mất còn có trẻ trên đời này.

Đừng để trẻ đứng ngoài cuộc. Mọi việc trong gia đình có liên quan đến trẻ đều cần cho trẻ tham gia. Trẻ sẽ cảm nhận được vai trò thành viên của gia đình, để thấy mình có trách nhiệm.

Trẻ nhận ra rằng mình được thừa nhận, được tôn trọng. Cảm giác này rất quan trọng đối với sự phát triển lòng tự tin nơi trẻ. Trẻ hiểu giá trị của bản thân, từ đó sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người hơn.

Hãy từ bỏ suy nghĩ “trẻ con” mà rất nhiều cha mẹ mắc phải: trẻ con biết gì mà ý kiến, không được tham gia chuyện người lớn. Nếu có lúc nào đó bạn nhận ra, sao con mình trở nên lạnh lùng, xa lạ, thờ ơ… đừng kết án bé, mà hãy tự hỏi, mình đã cho con tham gia câu chuyện gia đình như thế nào, để con trở thành người ngoài cuộc hôm nay.

Phạm Thị Thúy

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.