Cách trấn an tinh thần khi trẻ có tâm lý bất ổn Featured

TS Phạm Thị Thúy cho rằng khi vùng thùy trước trán chưa phát triển đầy đủ, năng lực kiểm soát suy nghĩ, hành vi chưa hoàn thiện, trẻ dễ hành động nhất thời.

Liên quan vụ việc cứu nữ sinh đu lan can ở TP.HCM, TS Xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy khuyên cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề để "tháo gỡ" vướng mắc cho con, tránh để tâm trạng tiêu cực của người lớn ảnh hưởng tâm lý trẻ.

cach xoa diu tre co y dinh tu tu anh 1

Giải cứu nữ sinh đu lan can ở trường THCS Minh Đức, TP.HCM. Ảnh: Lê Minh Tiến.

Năng lực kiểm soát cảm xúc, hành vi chưa hoàn thiện

Theo clip được chia sẻ trên mạng, tối 2/3, một người đàn ông giải cứu thành công nữ sinh đu lan can tầng 3 trường THCS Minh Đức (số 75 Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM).

Đại diện trường THCS Minh Đức cho biết nữ sinh lớp 6 trong vụ việc có biểu hiện bất ổn về tâm lý. Em buồn chuyện gia đình nên nghĩ quẩn.

Với kinh nghiệm làm tham vấn tâm lý cho trẻ vị thành niên nhiều năm, TS Phạm Thị Thúy cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi này có thể chia làm 2 loại: Tác động bên ngoài và tác động bên trong.

Tác động bên ngoài là những việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày như thất bại trong việc học, rắc rối trong các mối quan hệ, mâu thuẫn với cha mẹ hoặc vấn đề của riêng cha mẹ (xung đột, ly thân, ly hôn). Những nguyên nhân này thường khiến trẻ thất vọng, chán nản, bi quan.

"Đôi khi, cha mẹ không nghĩ mối quan hệ rắc rối của mình có thể ảnh hưởng con", TS Thúy nói.

Tác động bên trong thường bắt nguồn từ trạng thái tâm lý bất thường của trẻ. Nhìn chung, ở tuổi này, trẻ có thể nghĩ đến chuyện tự tử khi lo lắng, bất an hoặc có vấn đề tâm lý bất ổn trong thời gian dài. Trong đó, trầm cảm là nguyên nhân lớn nhất.

TS Thúy nêu dẫn chứng từ số liệu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên trên thế giới chết do tự tử.

Vị thành niên là độ tuổi trẻ đang hình thành, phát triển mặt cảm xúc. Trong cuốn sách Não bộ tuổi teen, tác giả Frances E.Jensen nêu ở tuổi này, não bộ trẻ chưa hoàn thiện, đặc biệt là vùng thùy trước trán. Đây là vùng điều khiển suy nghĩ, tư duy của trẻ.

Khi vùng thùy trước trán chưa phát triển đầy đủ, năng lực kiểm soát suy nghĩ, hành vi của trẻ chưa thể hoàn thiện. Khi chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài, trẻ dễ nảy sinh những suy nghĩ, hành động bồng bột, nhất thời.

"Nếu ứng xử không khéo, người lớn dễ tạo ra những xung đột không đáng có với trẻ vị thành niên", bà Thúy nêu.

Nguời lớn nên làm gì?

TS Phạm Thị Thúy đánh giá cao sự bình tĩnh, khả năng ứng xử khéo léo của ông Khoa (bảo vệ trường) trong 8 phút giải cứu nữ sinh. Ông Khoa cho biết trước đó đã thấy nữ sinh có biểu hiện bất thường. Khi cháu bé bỏ đi, ông nghi có chuyện không lành nên đi khắp trường tìm kiếm.

Ông Khoa biết quan sát, chú ý hành vi và trạng thái tâm lý của học sinh. Qua đó, ông biết đứa trẻ đang có vấn đề. Nếu trong trường hợp đó, người bảo vệ thờ ơ, không để ý đến trẻ, rất có thể việc giải cứu sẽ bị chậm trễ, thậm chí thất bại.

Nếu ứng xử không khéo, người lớn dễ tạo ra những xung đột không đáng có với trẻ vị thành niên.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

Khi nhận ra vấn đề, người bảo vệ bình tĩnh động viên trẻ. TS Thúy nhấn mạnh bình tĩnh là nguyên tắc hàng đầu khi giải cứu người có tâm lý bất ổn trong tình huống nguy hiểm.

Quá trình này thường diễn ra ngắn, người giải cứu không có nhiều thời gian để nghĩ cách. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bình tĩnh và an ủi, xoa dịu trẻ.

Khi hành động tiêu cực, trẻ thường trải qua trạng thái tâm lý bất thường trong thời gian dài. Tuy nhiên, hầu hết người lớn đều bỏ qua, hoặc coi nhẹ hành vi, lời nói, cảm xúc "lạ" của trẻ.

Sau khi xảy ra sự cố, gia đình cần tìm ra nguyên nhân để giải quyết triệt để vấn đề. Trẻ và cha mẹ cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên môn để tham vấn, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ không nên đổ lỗi, trách mắng, tra hỏi con. Ở thời điểm này, tâm lý trẻ chưa ổn định hoàn toàn. Nếu cha mẹ để trạng thái tiêu cực của bản thân ảnh hưởng con, các em có thể tổn thương nặng nề hơn.

Người lớn cần đưa ra những cách xử lý, xoa dịu phù hợp, tùy tính cách, sở thích của mỗi em, không nên ép buộc. Ví dụ, phụ huynh có thể cho con không gian riêng để lấy lại tinh thần, cho trẻ ăn những món yêu thích, đi du lịch, gặp bạn bè, hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện và trao cho trẻ một cái ôm ấm áp.

Sau khi ổn định tâm lý, cha mẹ nên cho con đi học trở lại. TS Thúy nhận thấy nhiều đứa trẻ được chữa lành tốt hơn khi được đến trường, hòa nhập với thầy cô, bạn bè.

Khi đó, thầy cô, bạn bè là những người đóng vai trò hỗ trợ cho trẻ. Mọi người nên tránh bàn tán, đề cập chuyện đã xảy ra và không nên xoáy sâu vào chuyện đời tư của trẻ. Điều quan trọng là phải tạo cho các em cảm giác an toàn, thoải mái khi đi học.

"Tôi mong mọi người, đặc biệt là cộng đồng mạng nên động viên, khích lệ tinh thần trẻ, không nên trách móc, chỉ trích em và gia đình", bà Thúy nêu quan điểm.

TS Phạm Thị Thúy cho rằng hiện nay, nhiều học sinh chịu áp lực từ việc học tập, các mối quan hệ. Khi nhận thấy bản thân bị căng thẳng, stress, các em nên chủ động tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc thầy cô, không nên tự giải quyết một mình.

Khi tách biệt khỏi những mối quan hệ xung quanh và tự chịu đựng nỗi đau, các em dễ bị "lún sâu" vào tổn thương, khó có thể tự giải thoát cho bản thân.

Trẻ cũng nên học cách tự cân bằng giữa học tập và vui chơi. Khi trạng thái học - chơi được điều chỉnh phù hợp, sức khỏe tinh thần của các em sẽ được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, cha mẹ, thầy cô không nên tạo áp lực, đặt yêu cầu quá cao hay nặng lời với trẻ. Khi con mắc lỗi, người lớn có thể nhắc nhở riêng để các em hiểu và thay đổi, không nên phê bình trước tập thể, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.

 

 

Nguồn: https://zingnews.vn/cach-tran-an-tinh-than-khi-tre-co-tam-ly-bat-on-post1189550.html

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.