Làm gì khi ba mẹ vắng nhà trong mùa dịch? Featured

Khi mẹ phải vắng nhà đi cách ly tập trung, em Kỳ Duyên (10 tuổi, TP. Thủ Đức) trở thành "người lớn" duy nhất trong nhà, phải tự chăm sóc bản thân và lo cho đứa em 2 tuổi.

“Trước khi đi, mẹ dặn em phải chăm sóc em gái, cẩn thận khi sử dụng bếp và điện trong nhà để phòng ngừa cháy nổ, hạn chế tiếp xúc với người lạ, thường xuyên đeo khẩu trang và không được mở cửa cho người lạ vào nhà khi trời tối. Thú thật, khi nghe tin mẹ sẽ vắng nhà nhiều ngày, em rất sợ và lo lắng. Em cố gắng bình tĩnh nhất có thể để chăm sóc em gái và làm việc nhà để mẹ an tâm đi cách li”, Duyên kể.

Em nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cô chú hàng xóm, anh chị áo xanh. Họ lo cho hai chị em đồ ăn, thường xuyên gõ cửa hỏi thăm. Em bình tĩnh hơn vì có nhiều người đồng hành.

“Nếu chuyện gì không biết làm, em gọi ngay cho mẹ. Nếu cần thêm gì, em gọi điện nhờ các anh chị trên phường hỗ trợ. Với em, việc nhà khó nhất là dỗ em đi ngủ. Em còn nhỏ khi nhớ mẹ thường khóc, không chịu ngủ nên em phải dỗ mãi mới xong. Nhiều lúc nhớ mẹ, em cũng khóc nhưng cố gắng bình tĩnh và dỗ dành em để không khóc và ngủ ngoan hơn”, bạn kể tiếp.

Hành trình cách li tại nhà, Duyên tự rút ra nhiều bài học cho bản thân như cảnh giác với dịch bệnh, tuân thủ quy tắc 5K, thường xuyên rửa tay. Hai chị em luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

Qua mùa dịch này, em biết tự lập, làm thêm việc nhà và biết cách chăm sóc em bé. Duyên chỉ em tô màu, dạy em hát múa, cùng em tập thể dục… Em Bình nay đã biết giúp chị tự dọn dẹp đồ chơi.

Mỗi ngày, mẹ gọi hai chị em từ 2-4 cuộc. Mỗi lần gọi, mẹ đều hỏi thăm ở nhà các con đang làm gì, ăn cơm chưa, tắm chưa, có nhớ mẹ không… Hai bạn thì tíu tít hỏi mẹ có khỏe không, nay có gì vui không… “Nhiều lúc thấy mẹ trên điện thoại, hai chị em nhớ mẹ quá nên bật khóc nhưng mẹ dỗ dành, hứa sau cách li sẽ về với tụi em”, Duyên quẹt nước mắt.

Giờ đây, sau thời gian cách li, mẹ em đã về nhà. Dù vẫn phải theo dõi sức khỏe nhưng ba mẹ con của Duyên rất vui vì ở bên nhau là điều hạnh phúc nhất.

Theo chị Trần Thúy Hằng (Phó Bí thư Thành Đoàn Thủ Đức), Thành phố Thủ Đức có nhiều trường hợp trẻ em phải ở nhà một mình khi ba mẹ đi cách li, điều trị do dịch Covid-19 hoặc ở lại nơi làm, trẻ đang ở nơi cách li, phong tỏa như trường hợp của em Duyên.

Các anh chị áo xanh đã thực hiện nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa để kịp thời hỗ trợ Duyên và các em thiếu nhi như tổ chức chương trình “Mang Tết thiếu nhi đến với trẻ em ở khu cách li phong tỏa”, trao tặng 6352 hộp sữa tươi cho các bạn ở khu cách li trên địa bàn thành phố, vận động và trao 237 suất “Quà tặng bạn” cho U14 ở khu phong tỏa.

Khi nhận phần quà của chương trình Quà tặng bạn do Hội đồng Đội TP.HCM phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức, Duyên xúc động bày tỏ: “Em cám ơn anh chị và các bạn đã gửi quà đến tụi mình. Hai chị em có nhiều quà bánh, tập vẽ, bút màu để mình chỉ em tập tô, có đất sét để chơi cùng nhau, có báo để đọc giải trí và kể chuyện cho em trong những ngày sắp tới. Tụi em thích lắm! Em ước mong nhiều bạn khó khăn như mình cũng may mắn được các anh chị, các bạn quan tâm và tặng quà như chị em tụi mình”.

Chị Trần Thúy Hằng cũng cho biết, bên cạnh các hoạt động chăm lo, Hội đồng Đội TP Thủ Đức cũng tổ chức các sân chơi trực tuyến nhằm mang đến niềm vui cho các bạn khu vực cách li, phong tỏa như Vui hè sáng tạo, bảo vệ môi trường, Hành trình Thông điệp xanh, Cùng em vui khỏe, chào đón mùa hè…

“Chúng ta đang có một mùa hè quá khác so với mọi năm, chị mến chúc các em đội viên, thiếu nhi đặc biệt là các em đang ở khu cách li, phong tỏa sẽ luôn mạnh khỏe, an toàn trong mùa dịch, mong chúng ta sẽ thật hiện thật tốt công tác phòng chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K để thành phố nhanh chóng mạnh khoẻ trở lại”, chị Hằng nhắn nhủ.

Chị Thúy Hằng cũng khuyên U14 nên gọi điện thoại để các anh chị áo xanh hỗ trợ khi xa ba mẹ, gọi tổng đài 1022 - nhấn phím 2 để được tư vấn.

Theo chuyên gia tâm lí Phạm Thị Thúy, trong mùa dịch, tình huống trẻ em phải ở nhà một mình khi bố mẹ đi cách li, đi lao động, thậm chí bố mẹ là F0 qua đời là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Trong đó, trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần thật bình tĩnh để giải quyết những điều sau đây:

- Bạn nên động viên bản thân và anh chị em trong nhà tự lập, tự giác để bố mẹ yên tâm công tác hay điều trị bệnh.

- Chú ý duy trì ăn uống đúng, đủ bữa. Bạn có thể nhờ cơ quan chức năng, hàng xóm giúp đỡ nếu có khó khăn. Bạn có thể tập nấu những món cơ bản, điều gì không biết có thể gọi điện cho ba mẹ, người thân đang ở xa để hỏi. Chú ý sự an toàn trong bếp, đề phòng cháy nổ.

- Tạo ra trò chơi, niềm vui trong nhà như tập thể dục, trồng cây, đọc sách… Bạn không nên sa đà vào điện thoại, chơi game hay đọc quá nhiều tin tức tiêu cực để giảm tối đa sự mệt mỏi, bi quan, chán nản.

- Tạo nếp sinh hoạt đúng giờ, không nên thức quá khuya.

- Thường xuyên có sự kết nối với mọi người qua điện thoại, mạng xã hội như ba mẹ, hàng xóm, cơ quan chức năng… Nếu em hay em của em đang không khỏe, hay bạn đang lo lắng, căng thẳng, bạn đừng vượt qua một mình. Bạn cần lên tiếng tâm sự để mọi người hỗ trợ. Bạn nên chủ động tìm người giúp đỡ.

- Nhà có em nhỏ, bạn cần đảm bảo sự an toàn cho em trong nhà. Ổ điện, hộp quẹt, dao kéo,… bạn nên cất cao để tránh em nghịch ngợm.

- Luôn tạo tiếng cười trong nhà. Anh chị em chính là chỗ dựa vững chắc cho nhau để bố mẹ yên tâm điều trị hay đi công tác.

Chuyên gia cho rằng, sức khỏe là điều bạn cần lưu ý. Có sức khỏe thật tốt, chấp hành đúng 5K, bạn sẽ không còn lo sợ dịch bệnh.

Cô Thúy còn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh khi đi cách li, điều trị hay công tác nên gọi điện thoại về hỏi thăm các con. Phụ huynh không nên quá căng thẳng, than phiền về bệnh tình mà hãy chia sẻ thông tin tích cực để con ở nhà an tâm. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn giữ sức khỏe, giữ nguyên tắc phòng dịch để nhanh chóng trở về bên gia đình thân yêu.

PHƯƠNG VY thực hiện

 

Nguồn: http://teen360.muctim.com.vn/view/Lam_gi_khi_ba_me_vang_nha_trong_mua_dich-63764.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR3A-ZzjJj07RZyJQhfaU4-OVASWT3KmO7XjbBju17OYuHSUN-ZvB8F8CJs

Rate this item
(0 votes)
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.