TTO - Tuần qua, dư luận có nhiều xôn xao với những đề xuất của bản dự thảo Luật dân số: thưởng tiền khi sinh con thứ nhất, thứ hai ở những tỉnh thành có mức sinh thấp, hỗ trợ học phí, hỗ trợ mua nhà...

Thưởng tiền khi phụ nữ sinh con: Như muối bỏ biển, ngân sách lại không gánh nổi - Ảnh 1.

Một gia đình trẻ ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chính sách này không lạ trên thế giới, nhưng là lần đầu được đề cập luật hóa tại Việt Nam. Tuy  nhiên đa số những người quan tâm - nhất là những bà mẹ trẻ, mẹ tương lai - đều cho rằng "không đủ".

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM - cùng phân tích câu chuyện này.

* Qua tư vấn, chị nhận thấy trong những nguyên nhân khiến phụ nữ (nhất là ở thành phố) ngại sinh con, nguyên nhân kinh tế chiếm phần nào trong đó?

- Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Trong công việc của mình, tôi đã tham gia rất nhiều diễn đàn của phụ nữ, các lớp thai giáo, tham vấn, tư vấn cả online và trực tiếp với nhiều bà mẹ trẻ, và tất nhiên, đề tài về con cái luôn là mối quan tâm rất lớn. Tôi có thể khẳng định ngay: trong số rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ thời hiện đại này ngại sinh con, nguyên nhân kinh tế chỉ chiếm một phần và không phải là nguyên nhân quyết định. Những mối lo lắng của phụ nữ khi quyết định sinh con hay không lớn hơn rất nhiều.

* Chúng ta có thể phân tích các nguyên nhân đó...

- Những quan niệm cũ "Trời sinh voi sinh cỏ", "sinh đứa con hủ hỉ vui cửa vui nhà", "có con để sau này về già có chỗ nương tựa" đều đã trở nên xưa như Trái đất. Các bà mẹ ngày nay chỉ còn giống các bà mẹ xưa ở nhu cầu những gì tốt đẹp nhất cho con mình, và họ không chỉ mong mỏi như những bà mẹ xưa mà họ yêu cầu và đòi hỏi từ chính bản thân mình và xã hội.

Đó là môi trường sạch xanh, điều kiện dinh dưỡng, y tế tốt cho con được nuôi dưỡng và phát triển khỏe mạnh. Đó là môi trường giáo dục tiên tiến và công bằng, để con trưởng thành và phát huy được khả năng. Đó là môi trường xã hội lành mạnh, an toàn để con được tự do trở thành một người hạnh phúc với lựa chọn của chính mình.

Có vẻ hơi nhiều nhưng đó chỉ là những nhu cầu chính đáng của một bà mẹ. Và với đa số những bà mẹ trẻ, hiện đại ở TP.HCM mà tôi đã gặp, họ đều nhận xét: điều kiện chung của xã hội chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đó.

Với những bậc cha mẹ có điều kiện kinh tế, họ lựa chọn cho con học trường quốc tế, định hướng cho con đi du học để có môi trường giáo dục và cả môi trường xã hội tốt hơn. Với những cha mẹ kém điều kiện hơn, khi sinh con và nhất là khi con đến tuổi đi học, nỗi lo bắt đầu ngày một nặng: Con có được vào học những trường mà họ cho là tốt không? Có điều kiện để phát triển năng khiếu (nếu có) không? Có được cơ hội như bạn cùng trang lứa không? Làm sao để bảo vệ con khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đang ngày một phát triển và biến tướng? Áp lực việc làm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến thời gian quan tâm, giáo dục con cái?...

Và còn có những nguyên nhân chủ quan nữa từ những người mẹ: phụ nữ ngày nay có rất nhiều cơ hội để học tập, thăng tiến trong công việc, trải nghiệm với sở thích, đam mê. Để sinh con và chăm sóc con, họ sẽ phải chấp nhận chậm lại, lùi lại vài bước, nhịn lại hay bỏ lỡ một hoặc nhiều cơ hội... Đó cũng là một rào cản khi các bà mẹ trẻ cân nhắc chuyện sinh con.

Ngoài ra, hai năm nay, tôi cũng được nghe nhiều mẹ trải lòng về việc quyết định không sinh hay hoãn sinh con trong những đợt dịch liên tiếp, kéo dài. Những khó khăn bất ngờ ập tới, những bất ổn cảm được sờ được, những mong manh của sự sống đo lường được mỗi ngày khiến các bà mẹ cảm thấy "may mắn" khi không sinh con trong thời điểm này. Nói ra nghe rất xót lòng nhưng đó là một thực tế...

* Như vậy, đề xuất thưởng tiền, tạo điều kiện mua nhà, giảm - miễn học phí... như đang được đề xuất có thể là một giải pháp? Nếu không, theo bà, cần thêm điều gì?

- Theo tôi, những liệu pháp ấy nếu thực hiện được thì rất tốt, và cuối cùng, quyền quyết định vẫn ở tự thân người phụ nữ. Khi họ cảm thấy an tâm với tương lai của con, thoải mái trong tinh thần của mình thì họ sẽ sinh con thôi.

Tuy nhiên về việc thưởng tiền, tôi vẫn có suy nghĩ riêng: thứ nhất, so với việc có một đứa con và những chi phí cho con thì vài triệu đồng chỉ như muối bỏ biển, nhất là ở những thành phố lớn. Thứ hai, việc thưởng tiền đó có thể nảy sinh những so sánh không công bằng với các vùng miền khác, và cũng chưa biết chừng sẽ gây ra những hệ lụy xã hội khác như là di dân ồ ạt đến thành phố?! Thứ ba, số tiền ấy nếu nhân lên với mức sinh thì sẽ là một khoản khá lớn, liệu ngân sách có gánh nổi?...

* Sinh con hay không là lựa chọn của cá nhân - gia đình. Vậy về chính sách vĩ mô thì nên thế nào?

- Tỉ suất sinh đang có xu hướng giảm thấp ở các thành phố, vậy nên khuyến khích mỗi phụ nữ sinh đủ hai con là điều cần thiết, và tôi nghĩ cần thực hiện trên toàn quốc chứ không chỉ ở 21 tỉnh thành. Khi đó, Việt Nam sẽ bớt đi áp lực về tốc độ già hóa dân số.

Và để khuyến sinh được như vậy, phải có những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, y tế, giáo dục cho phụ nữ, trẻ em; có chính sách ưu đãi về việc làm cho phụ nữ sau sinh.

* Có một số ý kiến cho rằng chảy máu chất xám, chảy máu lao động qua thực trạng du học sinh không về nước như hiện nay thì sinh thêm con liệu có cải thiện được tình trạng già hóa dân số và cả chất lượng dân số, nhất là ở các thành phố lớn?

- Tôi thì lạc quan hơn. Thế giới hiện rất rộng mở cho giới trẻ, các ranh giới địa lý đã bị công nghệ xóa nhòa. Các con cứ tự do ra bên ngoài học tập, tạo lập tương lai và rồi sẽ quay về một lúc nào đó khi cảm thấy cần gắn bó hơn với quê hương mình. Vả lại, việc di dân cơ học cũng sẽ mau chóng bù đắp lại mà thôi, và đó cũng là nguyên nhân tôi cho rằng chính sách khuyến sinh hai con sẽ cần phải được thực hiện trên toàn quốc.

Tóm lại vẫn là: Hãy khiến người phụ nữ an tâm với lựa chọn của mình.

Tôi rất mong có con, nhưng...

Tôi luôn khát khao được làm mẹ, nên nhiều người hay bảo tôi ráng kiếm đứa con để về già có người nương tựa. Thế nhưng, thực tế khắc nghiệt đâu phải hễ muốn là sẽ làm được, hay hễ đẻ ra rồi tự khắc chúng sẽ nên người.

Tôi cũng có rất nhiều bạn bè đã lập gia đình nhưng vẫn không muốn sinh con hoặc chỉ sinh một con để tập trung vào lo cho nó mà thôi. Quả thật gánh nặng tài chính và những mối lo khác về những tiêu cực, cạm bẫy ở các thành phố lớn hiện nay đã khiến không ít bạn trẻ chọn phương án không lập gia đình hoặc không sinh con.

249554930_565077321248742_4767545012549702390_n 1(read-only)

Chị Trà My - Ảnh: NVCC

Sẽ có không ít người cho đây là lựa chọn ích kỷ. Tuy nhiên cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của những người trẻ, nhất là những người đang tha phương lập nghiệp thì việc lo cho chính mình hoặc lo cho một đứa con đã là quá đủ áp lực rồi. Nhất là với những người phụ nữ hiện đại ngày nay.

Việc Chính phủ đề xuất phương án tặng tiền, hỗ trợ mua nhà, lo học phí cho trẻ con, theo tôi, vẫn chưa đủ đảm bảo cho chất lượng cuộc sống hôn nhân của các cặp gia đình trẻ.

Hiện tại chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ là 6 tháng. Thế nhưng khi sinh con thứ hai họ phải vừa chăm con nhỏ, vừa phải lo cho con lớn. Bởi không phải đàn ông Việt Nam nào cũng đảm việc nhà, trong khi cuộc sống cần trách nhiệm từ cả hai phía. Vậy nên khi sinh thêm đứa con tiếp theo thì liệu có thêm những chế độ thai sản cho nam giới để các ông chồng cùng gánh vác việc chăm sóc con cái với vợ thay vì để một mình vợ loay hoay hoặc thuê người giúp việc, hoặc nhờ sự trợ giúp của cha mẹ hai bên.

Tỉ lệ dân số già đang là bài toán nan giải của rất nhiều quốc gia hiện nay. Vậy Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ khi mật độ sinh ngày càng giảm mạnh. Tuy nhiên, sinh ra một đứa trẻ mà không bảo đảm được các chế độ an sinh giáo dục thì tương lai sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và mối nguy hại cho xã hội.

Mong rằng những chính sách thúc đẩy dân số sẽ giúp phụ nữ bớt đi áp lực thay vì tạo thêm áp lực cho họ. Nhất là với nhóm phụ nữ yếu thế phải chịu nhiều thiệt thòi từ gia đình lẫn xã hội.

Trà My

 

Nguồn: https://tuoitre.vn/thuong-tien-khi-phu-nu-sinh-con-nhu-muoi-bo-bien-ngan-sach-lai-khong-ganh-noi-2021103122282996.htm?fbclid=IwAR0KF_c--n0jDIUf-t2oN7xRR3-o30NkB19zORJQt72KYR9sPMMXDLjSnSI

PN - Dù biết hướng nghiệp cho con là phải tôn trọng những gì con thích nhưng tôi không thể không ngăn cản khi cháu chọn trúng cái nghề “lông bông” nhất - nghề nhiếp ảnh.

Để tránh cháu quy chụp rằng tôi áp đặt, tôi không thẳng thừng bài bác mà khuyên cháu chỉ nên xem nhiếp ảnh là nghề tay trái. Vả lại, ở phía Nam không có trường đại học nào đào tạo ngành này cả. Từ đó tôi phân tích và định hướng con học vẽ để thi kiến trúc, mỹ thuật, đằng nào cũng liên quan tới hình ảnh, màu sắc, sẽ bổ trợ tốt cho nhiếp ảnh… Khuyến dụ như thế để tránh xung đột mẹ con, nhưng trong lòng tôi vẫn mong cháu đừng dệt mộng theo ngành nhiếp ảnh.

Cháu cũng chấp nhận đi học vẽ, không biết là để tôi vui hay là giải pháp “hoãn binh” vì trông cháu có vẻ miễn cưỡng, chẳng hào hứng. Gia đình tôi có điều kiện, tôi không cam lòng nhìn con phải lăn lê bò toài, mình mẩy lấm lem hay phải dang nắng để chụp những tấm hình đẹp, làm vừa lòng khách hàng. Dù hiện tại cháu thích nhưng biết vài năm nữa có còn thích không. Vào nghề vất vả quá, biết cháu có bám trụ hay lại loay hoay tìm nghề khác; mà nếu cháu cứ gan lì bám nghề thì tôi lại càng lo lắng. Tôi chẳng biết làm gì cho con hiểu, suy nghĩ thực tế hơn để chọn những nghề nhẹ nhàng, ổn định?

ĐINH VÀNG ANH (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Chị Vàng Anh mến,

Chị là một người mẹ hiểu biết và tâm lý. Những gì chị đã làm với con từ góc độ của một người mẹ là khéo léo, tế nhị định hướng nghề cho con. Cháu đang ở giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, chọn cho mình một nghề, một hướng đi... Cháu rất cần sự tư vấn của cha mẹ, và cháu cũng cần cả sự ủng hộ nữa.

Từ góc độ một người đã đi làm nhiều năm, chắc chị cũng hiểu ai được làm việc trong thích thú, đam mê thì sẽ là người hạnh phúc, làm hăng say, không biết mệt... Dù gặp nhiều khó khăn, họ cũng vẫn chấp nhận, thậm chí coi những khó khăn đó như là những thử thách thú vị. Có lẽ cháu không thấy phải lăn lê bò toài hay mình mẩy lấm lem... khi chụp ảnh là khổ mà đó lại là niềm vui, cháu thấy cuộc sống có ý nghĩa khi được vất vả như thế.

Vậy thực sự chị muốn con mình sống một cuộc sống hạnh phúc theo sự lựa chọn của cháu hay sống một cách an toàn và tẻ nhạt với một nghề mà cháu không thích? Hơn nữa, nghề nhiếp ảnh cũng có nhiều cơ hội thành công như bao nghề khác. Vào đại học đâu phải con đường duy nhất để kiếm sống.

Nếu đam mê, được đào tạo bài bản, cháu sẽ có nhiều cơ hội sống bằng nghề này. Nhờ có những người đam mê chụp ảnh mà chúng ta mới có nhiều bức ảnh đẹp để chiêm ngưỡng, để lưu giữ những kỷ niệm... Nếu cháu vui khi làm việc và đem lại niềm vui cho bao người, chị sẽ thấy tự hào và hạnh phúc cùng con, phải không?

Cháu cần chị bước qua những suy nghĩ của mình để đồng cảm với suy nghĩ, đam mê của cháu. Cũng có thể sự đam mê này chỉ là ham thích nhất thời của tuổi trẻ, nhưng cũng có thể đó là năng khiếu, là thiên hướng của cháu. Thời gian sẽ trả lời, chị hãy kiên nhẫn để con được tự do lựa chọn hướng đi cho cuộc đời.

Cha mẹ không sống thay con cái, càng không thể đem lại hạnh phúc cho con cái suốt đời. Các cháu cần sống cuộc đời của chính mình và tự lựa chọn niềm vui sống. Nếu cháu tiếp tục học vẽ và dần thích thú với ngành mỹ thuật thì tốt. Nhưng nếu cháu vẫn quyết tâm theo đuổi nghề chụp ảnh, chị nên ủng hộ, tạo điều kiện cho con được làm điều mình thích một cách thuận lợi tùy hoàn cảnh gia đình.

Chúc chị cởi bỏ được sự lo lắng về tương lai của con. Chị nên vui khi con sống có đam mê và đang nỗ lực, quyết tâm để thực hiện đam mê đó. Hãy tin tưởng cháu chị nhé!

 Chuyên viên tham vấn PHẠM THỊ THÚY

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 “Con học online lâu ngày, nhiều phụ huynh dễ nổi nóng. Việc phụ huynh đánh, mắng con khi hỗ trợ con học online sẽ ảnh hưởng tâm lí trẻ”. Đó là nhận định của Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy về việc học online trong mùa dịch.
 

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết: Quan điểm của tôi là thầy cô và cha mẹ vui vẻ khi con học online. Mọi người nên cho trẻ thấy học online là vui chứ đừng áp lực, đừng la mắng, trách con. Mỗi đứa trẻ có tốc độ học khác nhau, học online có mức độ phân hóa rất cao. Những đứa trẻ chậm hơn, các phụ huynh, thầy cô phải kiên nhẫn để đồng hành trong học online. Phụ huynh đừng so sánh con với người khác, đừng sốt ruột mà la mắng con.

Học online lâu ngày, nhiều phụ huynh dễ nổi nóng. Việc phụ huynh đánh, mắng con khi hỗ trợ con học online sẽ ảnh hưởng tâm lí trẻ. Những đứa trẻ nhanh nhẹn không sao, còn những đứa trẻ rụt rè mà phụ huynh không biết động viên thì rất nguy hại.  

Phụ huynh nên cố gắng kiểm soát cảm xúc. Nếu có giận có tức cũng không đánh mắng con. Nếu mẹ giận thì để việc dạy con lúc đó nhường lại cho người kia và nên đi chỗ khác. Kinh nghiệm nhanh nhất là tránh đi chỗ khác, để cơn giận nguôi đi. Nếu không đi đâu được thì hít thật sâu, kiềm chế cảm xúc. Bởi vì, đánh mắng con chỉ làm con rối thêm thôi.

Bên cạnh đó, phụ huynh muốn chăm con tốt thì phụ huynh phải ổn. Mẹ phải biết cân đối ăn, uống, ngủ nghỉ sớm cùng con. Thường những người mẹ mất ngủ dễ căng thẳng, dễ cáu giận với con. Tâm lí rất là quan trọng nó ảnh hưởng đến hành vi của người mẹ.

Người mẹ phải biết cân bằng, sắp xếp công việc gia đình và công việc cơ quan, để dành thời gian cho bản thân. Nhất là khi công việc bắt đầu vào guồng trở lại, mẹ vừa phải hoàn thành hồ sơ, tiến độ công việc ở công ty, vừa chăm lo con, giúp con học online… Vậy nên, việc đầu tiên các mẹ cần làm là sắp xếp lại công việc cho khoa học. Phải làm sao bản thân và các thành viên gia đình có thời gian ngủ nghỉ tốt.

Phụ huynh đừng  áp lực, đừng la mắng khi cùng con học online  - Ảnh 1.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy

Một điều quan trọng không kém, hai vợ chồng phải san sẻ công việc cho nhau. Ví dụ, nhà có 2 đứa con thì chồng hỗ trợ con lớn, vợ hỗ trợ con nhỏ. Đừng để việc hỗ trợ con dồn hết vào một người thì thật sự vất vả. Vợ chồng giúp đỡ nhau chứ không phải dành cho người mẹ.

Đặc biệt, cha mẹ nên quan tâm đến bản thân để có đủ sức khỏe và tâm lý tốt nhất đồng hành cùng con khi học online. Phụ huynh nên ăn đúng, vừa đủ. Nên ngủ trước 11h và thức dậy khoảng sau 7 tiếng. Mùa dịch, chúng ta hay có thói quen là "cú đêm", điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và kéo theo giờ giấc của con cũng xáo trộn.

Phụ huynh nên duy trì tập thể dục. Tập bất cứ một môn thể dục nào phù hợp với bạn. Có nhiều cách tập trong nhà như: chạy bộ tại chỗ, chạy lên xuống cầu thang, yoga, vẩy tay, đấm bốc, làm việc nhà cũng là cách tập thể dục toàn thân rất hiệu quả. Ngoài ra, các bà mẹ cố gắng chăm sóc bản thân bằng việc massage mặt buổi sáng, tắm nước ấm sáng và tối sẽ rất tuyệt để thư giãn tinh thần. Đặc biệt, dịch ở nhà nhiều càng cần vui vẻ với người thân, bản thân mình vui vẻ thì con cái cũng vui theo.

 

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/phu-huynh-dung-ap-luc-dung-la-mang-khi-cung-con-hoc-online-20210927200245461.htm?fbclid=IwAR0KS5DjdbXN9JDDjaTPy67HU38Uf11vf7yuslDUfYZmag77nyj6u639yXc

(Tieudung.vn) - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về hình thức học trực tuyến, tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy khẳng định, cùng với giáo viên, phụ huynh cũng phải có hình thức hỗ trợ để trẻ có thể hào hứng, cảm thấy thú vị với phương pháp học này.

 
 

Theo chị, cha mẹ cần chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức gì cho con trong bối cảnh giáo dục trực tuyến?

- Trước hết, phụ huynh cần thay đổi nhận thức là học trực tuyến giai đoạn này không phải là thay thế tạm như những mùa giãn cách trước mà sẽ là lâu dài, là giải pháp phải thực hiện ít nhất là hết học kỳ 1 năm nay. Đây là xu hướng tất yếu không phải chỉ năm học này mà có thể cho nhiều năm học tiếp theo nữa. Do đó, phụ huynh cần thay đổi tư duy cho rằng học trực tuyến là tạm thời nên con học thế nào thì học. Nhất là trong tình hình dịch bệnh, trẻ không thể đến trường được, học online là điều bất khả kháng, không muốn cũng buộc phải làm. Dạy học trực tuyến là nhu cầu cấp thiết hiện nay để ứng phó với tình hình dịch bệnh và sẽ là xu hướng tất yếu của giáo dục toàn thế giới trong tương lai, việc học của mỗi người sẽ song song vừa học trực tuyến vừa trực tiếp, học suốt đời, không chỉ trong mùa dịch.

Thứ hai, để giúp con học tốt, cha mẹ cần chuẩn bị cho con thiết bị công nghệ như , đường truyền mạng Internet phải ổn định. Điều này là khó với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà trường  cần có giải pháp quan tâm, tìm cách hỗ trợ các con. Học trực tuyến mà học từ , mạng chậm là không học tốt được, nhất là với các trẻ lớn phải làm bài tập nhiều. Việc này tuy khó nhưng chúng ta phải cố gắng khắc phục, tôi rất mong xã hội quan tâm, hiện một số nơi đã có chương trình tặng máy tính cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đây cũng là tín hiệu đáng mừng.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy: Giữ tâm an rất quan trọng để giúp con học online hiệu quả

Tiến sĩ  Xã hội học Phạm Thị Thúy

Thứ ba, cha mẹ cần theo sát kênh giao tiếp online với giáo viên và nhà trường. Các trường đều có kênh giao tiếp với phụ huynh, thường qua zalo hoặc facebook. Cha mẹ phải nắm được tất cả quy định, những sự thay đổi, hướng dẫn từ nhà trường, từ giáo viên từng môn học để kịp thời hỗ trợ con, vì nếu không theo sát những thông tin từ thầy cô sẽ khó đồng hành cùng các con. Chẳng hạn như nhà tôi có hai con đang học trực tuyến nên kênh giao tiếp với thầy, tôi đều theo dõi mỗi ngày, trao đổi với thầy để biết các con đang học cái gì, điểm thi ra sao để phối hợp với giáo viên nhắc nhở các con về giờ giấc học tập, về việc làm bài tập...

Với những trẻ học cấp 1, cấp 2 cần có sự nhắc nhở của phụ huynh như phải nhắc con đi ngủ sớm, gọi con dậy sớm, cho con ăn sáng, nhắc con nghỉ ngơi thư giãn giữa các tiết học và trong ngày tạo cơ hội cho trẻ tập thể dục, vui chơi cùng gia đình… giúp con cân bằng giữa chơi và học, đảm bảo con có sức khỏe tốt, luôn tỉnh táo, có năng lượng để học tốt. Nghỉ dịch thời gian dài nên nhiều con còn ngủ nướng, dậy muộn … vì vậy phụ huynh cần theo sát, hỗ trợ con hoàn thành việc học trực tuyến tốt. Mùa dịch ở nhà học online là cơ hội tốt cha mẹ rèn luyện nhiều thói quen tốt cho trẻ từ chuyện ăn ngủ sinh hoạt cho đến khả năng tự giác, tự học, rèn thói quen đọc sách…

Vậy thì với những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, cần giúp con thế nào, thưa chị?

- Với học trò lớp 1 năm nay, sẽ có rất nhiều khó khăn cho các con, giáo viên, phụ huynh. Việc học online của trẻ không thể thiếu sự đồng hành của phụ huynh. Phụ huynh cần tìm hiểu những phần mềm trực tuyến để cùng học với con. Giáo viên dạy từ xa nên không thể cầm tay chỉ dẫn các con được. Cha mẹ cần theo sát các hướng dẫn từ nhà trường, từ thầy cô. Ví dụ như có trường dạy bằng zoom thì phải xem cách thức tham gia thế nào, cách tương tác với thầy cô trước, trong và sau giờ học. Có thể một hai tuần đầu phụ huynh nên ngồi học cùng con, kèm con, giáo viên sẽ hướng dẫn cả học sinh và phụ huynh, phụ huynh sẽ ôn lại với con khi ở nhà. Nhưng lưu ý phụ huynh không được học thay con, cố gắng giúp con thời gian đầu về mặt kỹ thuật online, không can thiệp vào công việc dạy học của giáo viên, tuyệt đối tránh la mắng các con. Các con có thể chưa quen, chưa thích nghi cách học mới, cha mẹ nên động viên khích lệ, kiên nhẫn cùng các con có thời gian làm quen với cách học mới.

Chị có nhận thấy là học trực tuyến như năm nay còn quá mới mẻ và là thử thách không nhỏ với cả thầy cô và học trò?

- Có một tin vui là các trường tại TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện các khóa tập huấn cho giáo viên cách dạy học trực tuyến. Tuần qua, tôi có tập huấn cách dạy học online cho các thầy cô trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Tân Phú. Qua khóa tập huấn 3 buổi các thầy cô được thực hành cách giảng dạy online sao cho hiệu quả, cách giao tiếp với học sinh, phụ huynh thế nào khi học trực tuyến. Tôi nhận thấy qua một số bài giảng mẫu của thầy cô trong quá trình thực hành có nhiều điểm sáng tạo, hấp dẫn … tôi tin là các con sẽ có những buổi học thật là vui.

Quan điểm của tôi là học ít nhưng hiệu quả, các con tương tác với thầy cô bạn bè, làm quen từ từ với chương trình học, với công nghệ. Tất nhiên là còn phụ thuộc vào nghệ thuật truyền đạt và phương pháp sư phạm của từng giáo viên nhưng nhìn chung các trường, các thầy cô đang rất nỗ lực để thích nghi với việc dạy online sao cho đạt hiệu quả cao nhất, do vậy phụ huynh đừng cảm thấy áp lực.

Riêng tôi đã dạy online cho nhiều đối tượng trong hơn hai năm qua, tôi thấy học online nếu có phương pháp cũng hiệu quả không kém gì học trực tiếp vì trên mạng có nguồn dữ liệu học thuật rất lớn, phụ huynh và các con có thể xem đi xem lại. Để chuẩn bị cho chương trình học năm nay, Sở Giáo Dục TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp giúp thầy và trò học online thuận lợi, ví dụ như tạo các bài giảng quay sẵn cho các cấp lớp, để các con có thể học bài ôn bài dễ dàng.

Hiện nay, nhiều phụ huynh phản ánh các con phải học online cả ngày, điều này không khác gì đưa chương trình trực tiếp vào trực tuyến, chị nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Hiện tôi cũng đang khuyến cáo các trường là dạy online không thể như dạy trực tiếp được. Phải giảm bớt số tiết, số phút mỗi tiết vì để học trò học quá lâu trên máy tính là rất mệt mỏi, người lớn còn không chịu nổi chứ đừng nói đến trẻ con. Nếu thời khóa biểu buổi sáng môn chính, chiều là các môn năng khiếu, hay xen kẽ giữa các môn lý thuyết và môn thực hành thì giảm ảnh hưởng xấu cho trẻ. Tốt nhất là học online chỉ nên học 1 buổi/ ngày hay giảm bớt số tiết trong 1 buổi, giảm bớt số phút trong 1 tiết, tránh cho thầy trò mệt và hại mắt khi online liên tục. Mong cha mẹ thông cảm là dạy trực tuyến chính thức như kỳ này là lần đầu áp dụng nên cũng sẽ còn điều chỉnh nhiều từ phía các cơ quan quản lý cũng như giáo viên.

Một số nơi lịch học vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và sau khi học thì tùy theo tình hình thực tế các trường sẽ tiếp tục có thay đổi phù hợp nhất. Nếu lịch học vô lý, gây hại cho trẻ thì phụ huynh cũng nên lên tiếng góp ý với nhà trường. Đây là lần học trực tuyến lớn nhất từ trước đến nay nên chắc chắn cần có thời gian để thực hiện và điều chỉnh sao cho hợp lý nhất. Cha mẹ cần thông cảm cho nhà trường, giúp con vượt qua khó khăn.

Học trực tuyến kéo dài có ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ?

- Nhiều phụ huynh sợ ảnh hưởng tâm lý con. Phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong tạo niềm vui cho con, động viên con học, đồng thời tạo niềm vui cho con ở nhà, ví dụ như cho con tập thể dục, cho con chơi đùa cùng người thân. Đồng hành cùng con trong học online, con có khó khăn gì thì hỗ trợ ngay . Kết nối về tình cảm rất quan trọng, không nên để con tự vật lộn mà phải hỗ trợ con trong việc học trực tuyến. Tạo tâm lý thoải mái cho con khi học trực tuyến, ngoài giờ học bố mẹ cần tạo nên những không gian sinh hoạt chung với các con để con cảm thấy vui vẻ, không áp lực với việc học mới mẻ này.

Trẻ bây giờ thích sử dụng thiết bị công nghệ nên nếu bố mẹ vì bận rộn cứ để trẻ với máy ipad, điện thoại cả ngày trẻ vẫn không cảm thấy buồn, khác với cha mẹ khi ở nhà quá lâu sẽ cảm thấy bí bách vì nhiều lý do. Điều này cũng có cái lợi nhưng cũng có cái hại, nếu không kiểm soát được thời gian và nội dung xem thì rất nguy hiểm.

Cho nên cha mẹ đừng quá lo lắng cho con trong mùa dịch, những tình huống khó khăn từ trải nghiệm của tôi và từ nhiều ca tham vấn trong mùa dịch hầu hết đều liên quan đến việc ứng xử với con. Cha mẹ hay nhắc nhở, la mắng trẻ nhiều quá, nói những câu tiêu cực trong khi ít động viên, không tạo niềm vui cho con khiến trẻ dễ phản ứng. Đặc biệt trẻ tuổi dậy thì là tuổi nổi loạn nên dễ gây mâu thuẫn, ở nhà lâu không phải là quá khó khăn với trẻ trừ những em năng động thì có thể cảm thấy hơi khó chịu một chút nên cha mẹ cần tạo những hoạt động thay thế tránh mỗi ngày lặp lại sẽ gây nhàm chán.

Với trẻ đang ở độ tuổi thành niên, bố mẹ có thể cùng con xem một bộ phim, cùng nghe nhạc với con. Trẻ nhỏ thì thích bên cha mẹ nhưng trẻ lớn không thích bên chúng ta lâu đâu. Ăn cơm xong có thể cả nhà cùng trò truyện, cùng nghe nhạc. Cha mẹ cũng cần chịu khó chấp nhận những cá tính ở trẻ, nếu việc gì không gây hại thì không nên phán xét, không nên góp ý tiêu cực. Ví dụ: như nhạc này cũng nghe, phim này mà cũng xem. Nếu cha mẹ giao tiếp tiêu cực thì sẽ gây mâu thuẫn nhiều hơn. Vì tuổi này các con muốn khẳng định mình, muốn độc lập, muốn được tôn trọng, lắng nghe.

Nếu cha mẹ không tuân thủ quy tắc giao tiếp với trẻ tuổi dậy thì chắc chắn sẽ gây mâu thuẫn xung đột vì chúng ta ở nhà nhiều với con. Chính cha mẹ nên học cách cân bằng tâm lý, cha mẹ căng thẳng do những khó khăn của dịch, ảnh hưởng về kinh tế và rất nhiều mối lo lắng khác khiến bị stress nên sẽ dễ nổi cáu, cho nên con chưa căng thẳng mà bị cha mẹ đã la mắng cũng dễ kích hoạt sự nổi nóng của con, vì cảm xúc thì dễ  lây lan. Vì vậy muốn con ổn và bình tĩnh thì trước tiên cha mẹ phải bình tĩnh trước đã. Giữ tâm trong an mùa dịch rất quan trọng trong việc , giúp con học online hiệu quả!

Xin cảm ơn chị!

Mai Thảo
 
Nguồn: https://tieudung.vn/giao-duc-giai-tri/tien-si-xa-hoi-hoc-pham-thi-thuy:-day-va-hoc-truc-tuyen:-khi-cha-me-hanh-phuc-thi-con-tre-cung-hanh-phuc-58050.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR3MFnhwihMgACyXRvcOJXaJh0GpgD8RBMsek8GjHVNNO1KPnYFptgrNiV4
Mùa Vu lan năm nay càng khiến người ta suy nghĩ nhiều hơn về chữ hiếu, cách hiếu lễ. Qua bao thế hệ, người Việt luôn coi trọng chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và lo tang sự đủ đầy khi cha mẹ ra đi. Ai không làm được 2 việc quan trọng đó cho cha mẹ đều cảm thấy chưa làm tròn chữ hiếu. 
 

Những ngày qua, tôi được nghe nhiều câu chuyện đau lòng từ công việc tham vấn  online. Có trường hợp ông bà, cha mẹ đã 2 năm nay không gặp được con cháu do dịch bệnh; cháu nhớ ông bà, con nhớ cha mẹ chỉ có thể gọi điện thoại video, nhìn nhau qua màn hình nhỏ; khi ốm đau cũng giấu nhau, tự lo. 

Có trường hợp cha mẹ già khi lâm bệnh mà không đưa đi bệnh viện vì sợ lây bệnh, vì con cháu không thể vào chăm nom, đành chăm sóc, điều trị tại nhà. Nhiều người do không được chữa trị kịp thời nên đã ra đi trong vòng tay con cháu. Vậy mà vẫn còn được cho là may, vì lúc giã từ cõi đời còn có người thân bên cạnh. Trong khi có trường hợp cả nhà mắc Covid-19, mỗi người cách ly một nơi. Đến khi cha mẹ mất không có ai thân thích bên cạnh. 
Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, việc lo chu toàn cho cha mẹ già khi đau ốm, khi chia ly thật sự là một thử thách. Nên làm tròn chữ hiếu cũng phải linh hoạt và thích nghi với tình hình mới. Việc cần làm ngay, là con cháu chung sống một nhà với ông bà, cha mẹ cần thực hiện 5K triệt để, bởi những người lớn tuổi, có bệnh nền, nếu mắc Covid-19 rất dễ chuyển nặng.
Còn con cháu ở xa, thì cần thường xuyên điện thoại hỏi thăm, chuyện trò không chỉ để cha mẹ yên tâm, mà đó còn là dịp kết nối tình thân. Nếu có thể, con cái cũng nên sắp xếp ai đó thân quen gần nhà qua lại trông nom cha mẹ già, bởi nhiều khi sợ con cái lo lắng mà cha mẹ thường giấu bệnh. Khi cuộc sống càng mong manh, con người càng cần quay về với những người thân yêu, cần tình làng nghĩa xóm.
Con cháu chú ý giữ nếp sinh hoạt lành mạnh, tránh ảnh hưởng đến người già vốn ăn khó, ngủ khó. Nếu cha mẹ bệnh, chúng ta cần có thuốc men dự trữ và nhanh chóng kết nối với các kênh online tư vấn miễn phí của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để kịp thời giúp bố mẹ vượt qua.
Hãy tận dụng các kênh thông tin chính thống, từ chính quyền địa phương để được giúp đỡ khi cần thiết. Và nếu không may cha mẹ qua đời, dù ở nhà hay ở khu cách ly, bệnh viện rất cần chúng ta bình tĩnh, liên hệ với các cơ quan chức năng giúp việc mai táng nhanh chóng, tránh phát tán mầm bệnh. 
Con cái khỏe mạnh, an toàn, sống hạnh phúc mới là điều mọi bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn. Tình cảm của con cháu hướng về ông bà, cha mẹ, cầu mong người thân ra đi bình an, quan trọng hơn là các thủ tục ma chay như thời chưa dịch, càng không phải lúc lo chữ hiếu mà để con cháu lây dịch bệnh gây nguy hiểm cho gia đình và cho cộng đồng. Vậy nên, chúng ta hãy hiểu đúng về chữ hiếu để chu đáo với cha mẹ già trong hoàn cảnh, khả năng hiện có của mình, của xã hội.

TS PHẠM THỊ THÚY

 

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chu-hieu-thoi-dich-benh-755711.html?fbclid=IwAR2sFdNQu_GV1II5Ht4L_WNkogl9Lf3zeyb3RO-_M4z15ua_gpykKZiBDl0

Việc trải qua giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài dễ làm nhiều người nảy sinh trạng thái chán chường, bức bối, mất ngủ… Để đảm bảo sức khỏe tinh thần qua mùa dịch, mỗi người cần dành thời gian lắng nghe bản thân nhiều hơn, từ đó sớm có giải pháp để giữ sự cân bằng cho thể chất và tinh thần.
 
Lợi ích của việc tập luyện với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là rất lớn
SHUTTERSTOCK
Lợi ích của việc tập luyện với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là rất lớn /// SHUTTERSTOCK
 
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Theo tiến sĩ (TS) Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý, để giữ thân khỏe tâm an, trước hết chúng ta cần ăn ngủ điều độ, ăn vừa đủ, không để cơ thể bị thừa cân, tránh gây bệnh từ ăn uống.
Giấc ngủ cũng cực kỳ quan trọng. Thức đêm, ngủ ngày sẽ rất có hại cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn nên ngủ đủ khoảng 7 tiếng, ngủ trước 23 giờ và thức dậy lúc 5 - 6 giờ sáng. Chúng ta nên ngủ sớm và tránh lướt mạng trước khi ngủ. Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn cả số giờ ngủ. Bạn có thể đọc sách hoặc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ có chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, cũng nên duy trì thói quen sinh hoạt giờ nào việc nấy, cân bằng giữa công việc, việc nhà và thời gian thư giãn của bản thân, để giúp cho thân tâm cân bằng.

Đừng quên tập thể dục tại nhà!

TS Phạm Thị Thúy cho rằng: “Nhiều người lấy lý do mùa dịch không được đến phòng gym, không có bạn tập cùng, nên trì hoãn việc tập thể dục. Đây là sự ngụy biện do chưa ý thức rõ lợi ích của việc tập luyện với sức khỏe, đặc biệt trong mùa dịch. Những hình thức tập thể dục tại nhà rất dễ thực hiện. Đơn cử như chạy bộ tại chỗ, đạp xe tại chỗ, đấm bốc, khí công, yoga… hoàn toàn có thể tập trong nhà”.

Cân bằng và tích cực

Kế đến, việc giữ tâm an liên quan đến sự cân bằng các trạng thái cảm xúc. Giữ được cảm xúc cân bằng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần. Theo TS Thúy, chúng ta nên giữ cho cảm xúc không thái quá, luôn tích cực, lạc quan. Đặc biệt, không nên quan tâm đến các loại tin tức tiêu cực chưa kiểm chứng, vì sẽ làm chúng ta bị căng thẳng không cần thiết.
“Có một bí quyết rất đơn giản là bạn hãy chú ý những con số thống kê. Một con số thống kê mang tính khách quan sẽ giúp bình an hơn. Cụ thể, nếu chỉ để ý đến số người chết vì Covid-19 bạn sẽ luôn lo lắng, nhưng nếu để ý con số người khỏi bệnh rất cao thì sẽ thấy tỷ lệ người chết do Covid-19 rất nhỏ. Tỷ lệ người mắc Covid-19 là hàng ngàn mỗi ngày, đồng thời tỷ lệ người khỏi bệnh cũng tương ứng. Khi bạn để ý đến mọi khía cạnh của vấn đề thì sẽ thấy lo lắng thái quá là không cần thiết, sẽ gây ảnh hưởng tâm trạng khiến ta ăn không ngon, ngủ không yên, mất cân bằng tâm lý, dẫn đến sinh tâm bệnh”, nữ chuyên viên chia sẻ.

Cơ hội để làm mới bản thân

Trong khi dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, nhằm giữ cho thân tâm bình an, nhiều người tìm đến các giải pháp thiền hoặc yoga tự học trên internet. TS Phạm Thị Thúy cho rằng việc tự học này nên được khuyến khích, nhưng phải tìm hiểu nhiều phương pháp khác nhau nhằm chọn lọc cách thức phù hợp với bản thân.
Ngoài ra, TS Thúy còn lưu ý, trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, chúng ta chỉ bị “hạn chế giao tiếp trực tiếp” chứ không bị “hạn chế cơ hội giao tiếp”.
Có rất nhiều hình thức chia sẻ giúp chúng ta giải tỏa tâm trạng mà không cần ra ngoài hay gặp nhau trực tiếp, đơn cử như video call (chức năng gọi điện có kèm hình ảnh), hay tự tạo ra các cộng đồng giao tiếp thân thiết thông qua các mạng xã hội. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ có chất lượng cũng góp phần giảm căng thẳng trong mùa dịch.
TS Phạm Thị Thúy nhấn mạnh giai đoạn giãn cách xã hội là cơ hội để mỗi chúng ta làm mới bản thân, làm mới mối quan hệ và nghỉ ngơi thư giãn theo nhiều cách khác nhau. Mọi người nên tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện những mục tiêu mà trước đây đã bỏ lỡ, như học thêm những điều bổ ích hoặc dành thêm thời gian cho người thân, bạn bè.
Đặc biệt, nếu có ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của sức khỏe thể chất, tinh thần, chúng ta sẽ có động lực tìm ra cách thích nghi phù hợp cho bản thân để bình yên đi qua mùa dịch.
TS Phạm Thị Thúy

ẢNH: NVCC

TS Phạm Thị Thúy (ảnh) là cử nhân xã hội học Học viện Báo chí và tuyên truyền Hà Nội, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ thực hành phương pháp sư phạm, thạc sĩ tâm lý trị liệu. Hiện là giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện tại TP.HCM và là chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM.
TS Phạm Thị Thúy có rất nhiều công trình nghiên cứu giá trị, chủ trì hoặc tham gia biên soạn gần 15 đầu sách, như: Thai giáo - phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ, Nghề làm cha mẹ, Kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh, Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con...

Khi mẹ phải vắng nhà đi cách ly tập trung, em Kỳ Duyên (10 tuổi, TP. Thủ Đức) trở thành "người lớn" duy nhất trong nhà, phải tự chăm sóc bản thân và lo cho đứa em 2 tuổi.

“Trước khi đi, mẹ dặn em phải chăm sóc em gái, cẩn thận khi sử dụng bếp và điện trong nhà để phòng ngừa cháy nổ, hạn chế tiếp xúc với người lạ, thường xuyên đeo khẩu trang và không được mở cửa cho người lạ vào nhà khi trời tối. Thú thật, khi nghe tin mẹ sẽ vắng nhà nhiều ngày, em rất sợ và lo lắng. Em cố gắng bình tĩnh nhất có thể để chăm sóc em gái và làm việc nhà để mẹ an tâm đi cách li”, Duyên kể.

Em nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cô chú hàng xóm, anh chị áo xanh. Họ lo cho hai chị em đồ ăn, thường xuyên gõ cửa hỏi thăm. Em bình tĩnh hơn vì có nhiều người đồng hành.

“Nếu chuyện gì không biết làm, em gọi ngay cho mẹ. Nếu cần thêm gì, em gọi điện nhờ các anh chị trên phường hỗ trợ. Với em, việc nhà khó nhất là dỗ em đi ngủ. Em còn nhỏ khi nhớ mẹ thường khóc, không chịu ngủ nên em phải dỗ mãi mới xong. Nhiều lúc nhớ mẹ, em cũng khóc nhưng cố gắng bình tĩnh và dỗ dành em để không khóc và ngủ ngoan hơn”, bạn kể tiếp.

Hành trình cách li tại nhà, Duyên tự rút ra nhiều bài học cho bản thân như cảnh giác với dịch bệnh, tuân thủ quy tắc 5K, thường xuyên rửa tay. Hai chị em luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

Qua mùa dịch này, em biết tự lập, làm thêm việc nhà và biết cách chăm sóc em bé. Duyên chỉ em tô màu, dạy em hát múa, cùng em tập thể dục… Em Bình nay đã biết giúp chị tự dọn dẹp đồ chơi.

Mỗi ngày, mẹ gọi hai chị em từ 2-4 cuộc. Mỗi lần gọi, mẹ đều hỏi thăm ở nhà các con đang làm gì, ăn cơm chưa, tắm chưa, có nhớ mẹ không… Hai bạn thì tíu tít hỏi mẹ có khỏe không, nay có gì vui không… “Nhiều lúc thấy mẹ trên điện thoại, hai chị em nhớ mẹ quá nên bật khóc nhưng mẹ dỗ dành, hứa sau cách li sẽ về với tụi em”, Duyên quẹt nước mắt.

Giờ đây, sau thời gian cách li, mẹ em đã về nhà. Dù vẫn phải theo dõi sức khỏe nhưng ba mẹ con của Duyên rất vui vì ở bên nhau là điều hạnh phúc nhất.

Theo chị Trần Thúy Hằng (Phó Bí thư Thành Đoàn Thủ Đức), Thành phố Thủ Đức có nhiều trường hợp trẻ em phải ở nhà một mình khi ba mẹ đi cách li, điều trị do dịch Covid-19 hoặc ở lại nơi làm, trẻ đang ở nơi cách li, phong tỏa như trường hợp của em Duyên.

Các anh chị áo xanh đã thực hiện nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa để kịp thời hỗ trợ Duyên và các em thiếu nhi như tổ chức chương trình “Mang Tết thiếu nhi đến với trẻ em ở khu cách li phong tỏa”, trao tặng 6352 hộp sữa tươi cho các bạn ở khu cách li trên địa bàn thành phố, vận động và trao 237 suất “Quà tặng bạn” cho U14 ở khu phong tỏa.

Khi nhận phần quà của chương trình Quà tặng bạn do Hội đồng Đội TP.HCM phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức, Duyên xúc động bày tỏ: “Em cám ơn anh chị và các bạn đã gửi quà đến tụi mình. Hai chị em có nhiều quà bánh, tập vẽ, bút màu để mình chỉ em tập tô, có đất sét để chơi cùng nhau, có báo để đọc giải trí và kể chuyện cho em trong những ngày sắp tới. Tụi em thích lắm! Em ước mong nhiều bạn khó khăn như mình cũng may mắn được các anh chị, các bạn quan tâm và tặng quà như chị em tụi mình”.

Chị Trần Thúy Hằng cũng cho biết, bên cạnh các hoạt động chăm lo, Hội đồng Đội TP Thủ Đức cũng tổ chức các sân chơi trực tuyến nhằm mang đến niềm vui cho các bạn khu vực cách li, phong tỏa như Vui hè sáng tạo, bảo vệ môi trường, Hành trình Thông điệp xanh, Cùng em vui khỏe, chào đón mùa hè…

“Chúng ta đang có một mùa hè quá khác so với mọi năm, chị mến chúc các em đội viên, thiếu nhi đặc biệt là các em đang ở khu cách li, phong tỏa sẽ luôn mạnh khỏe, an toàn trong mùa dịch, mong chúng ta sẽ thật hiện thật tốt công tác phòng chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K để thành phố nhanh chóng mạnh khoẻ trở lại”, chị Hằng nhắn nhủ.

Chị Thúy Hằng cũng khuyên U14 nên gọi điện thoại để các anh chị áo xanh hỗ trợ khi xa ba mẹ, gọi tổng đài 1022 - nhấn phím 2 để được tư vấn.

Theo chuyên gia tâm lí Phạm Thị Thúy, trong mùa dịch, tình huống trẻ em phải ở nhà một mình khi bố mẹ đi cách li, đi lao động, thậm chí bố mẹ là F0 qua đời là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Trong đó, trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần thật bình tĩnh để giải quyết những điều sau đây:

- Bạn nên động viên bản thân và anh chị em trong nhà tự lập, tự giác để bố mẹ yên tâm công tác hay điều trị bệnh.

- Chú ý duy trì ăn uống đúng, đủ bữa. Bạn có thể nhờ cơ quan chức năng, hàng xóm giúp đỡ nếu có khó khăn. Bạn có thể tập nấu những món cơ bản, điều gì không biết có thể gọi điện cho ba mẹ, người thân đang ở xa để hỏi. Chú ý sự an toàn trong bếp, đề phòng cháy nổ.

- Tạo ra trò chơi, niềm vui trong nhà như tập thể dục, trồng cây, đọc sách… Bạn không nên sa đà vào điện thoại, chơi game hay đọc quá nhiều tin tức tiêu cực để giảm tối đa sự mệt mỏi, bi quan, chán nản.

- Tạo nếp sinh hoạt đúng giờ, không nên thức quá khuya.

- Thường xuyên có sự kết nối với mọi người qua điện thoại, mạng xã hội như ba mẹ, hàng xóm, cơ quan chức năng… Nếu em hay em của em đang không khỏe, hay bạn đang lo lắng, căng thẳng, bạn đừng vượt qua một mình. Bạn cần lên tiếng tâm sự để mọi người hỗ trợ. Bạn nên chủ động tìm người giúp đỡ.

- Nhà có em nhỏ, bạn cần đảm bảo sự an toàn cho em trong nhà. Ổ điện, hộp quẹt, dao kéo,… bạn nên cất cao để tránh em nghịch ngợm.

- Luôn tạo tiếng cười trong nhà. Anh chị em chính là chỗ dựa vững chắc cho nhau để bố mẹ yên tâm điều trị hay đi công tác.

Chuyên gia cho rằng, sức khỏe là điều bạn cần lưu ý. Có sức khỏe thật tốt, chấp hành đúng 5K, bạn sẽ không còn lo sợ dịch bệnh.

Cô Thúy còn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh khi đi cách li, điều trị hay công tác nên gọi điện thoại về hỏi thăm các con. Phụ huynh không nên quá căng thẳng, than phiền về bệnh tình mà hãy chia sẻ thông tin tích cực để con ở nhà an tâm. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn giữ sức khỏe, giữ nguyên tắc phòng dịch để nhanh chóng trở về bên gia đình thân yêu.

PHƯƠNG VY thực hiện

 

Nguồn: http://teen360.muctim.com.vn/view/Lam_gi_khi_ba_me_vang_nha_trong_mua_dich-63764.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR3A-ZzjJj07RZyJQhfaU4-OVASWT3KmO7XjbBju17OYuHSUN-ZvB8F8CJs

TTO - Không ít bạn trẻ tăng các vấn đề tâm lý trong mùa dịch COVID-19, nguyên nhân chính là những khó khăn do dịch bệnh, xung đột trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè và thông tin tiêu cực về các sự kiện xã hội.

Ở nhà mùa dịch: Người bận rộn không có thời gian để buồn! - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy

Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, trong 3 đợt giãn cách vừa qua, chị thường xuyên nhận được lời cầu cứu từ người trẻ đang trầm cảm vì COVID-19 tác động. Họ thường hỏi về những lo lắng, căng thẳng khi đối mặt với khó khăn do dịch, chuyện gia đình, mối quan hệ vợ chồng, cách nuôi dạy con cái trong mùa dịch… 

"Một bạn nam gần 30 tuổi gọi tôi với sự cô đơn, tuyệt vọng. Anh chưa có gia đình, tinh thần luôn chông chênh, cô độc. Công việc trong mùa dịch bất ổn, kèm theo sự tiêu cực trong những mối quan hệ trước đó khiến anh than phiền", chị nói.

Chị Thúy cho biết trạng thái tinh thần thường ngày sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ của người trẻ trong mùa dịch. Đặc biệt, môi trường sống trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Nếu mối quan hệ cha mẹ, con cái bất ổn, xung đột, người trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, họ quan tâm nhiều đến những mối quan hệ với bạn bè trên mạng xã hội. Trong thế giới thật và ảo, sự chế giễu, gièm pha sẽ khiến bạn trẻ dễ tổn thương sâu sắc. Khoảng cách trong mùa dịch khiến nhiều bạn dễ hiểu nhầm, gây tổn thương cho nhau.

"Tại sao COVID-19 khiến càng nhiều người trẻ mắc các bệnh về tâm lý? Bạn trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương khi bước vào xã hội đang có nhiều thay đổi. Trong mùa dịch, bao ước mơ bị khép lại, chậm lại, như du học, chọn trường, khởi nghiệp… Nếu không có ước mơ, bạn dễ chán nản. Tâm lý không vững vàng sẽ khiến một số bạn trẻ hoang mang nhiều hơn trong mùa dịch", chị nói.

Dịch bệnh là hoàn cảnh khách quan. Khi nhận thức không né tránh điều này, bạn sẽ tránh được bi quan, chấp nhận được hoàn cảnh. 

Nhiều bạn bị stress tâm lý vì các số liệu của COVID-19, cảm thấy sợ hãi khi có nhiều ca nhiễm tăng lên, tin giả, tin xấu. Theo chuyên gia tâm lý, việc cập nhật tin tức là cần thiết, tuy nhiên bạn không nên đọc quá nhiều những thông tin tiêu cực. Việc của mỗi người là tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Trong mùa dịch biết tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể đã là yêu nước.

Thay vì buồn rầu, chán nản, than thở, bạn trẻ nên tận dụng cơ hội để làm những việc có ích. Đây chính là cơ hội vàng để học hỏi những kiến thức, rèn luyện kỹ năng mới, vì đang có rất nhiều khóa học online. Bạn có thể học ngoại ngữ, viết văn, đọc sách, trồng cây,… Những việc trên sẽ giúp bạn không chỉ có kiến thức, mà còn có nhiều niềm vui, sự tự tin, gia tăng giá trị bản thân. Công việc sẽ xua đi nỗi buồn chán. Người bận rộn không có thời gian để buồn! 

Bạn cũng nên tiết chế xem các bộ phim bạo lực, kinh dị, khiêu dâm. Hoạt động tiêu cực sẽ tăng thêm nhiều hành vi xấu. Ngoài ra, bạn cần cách xa những luồng thông tin có hại. 

Bạn cũng nên tranh thủ thời gian để tập thể dục tại nhà, vừa ra mồ hôi, thải độc…, vừa giúp ta khỏe hơn, vui hơn, gia tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch. Chị cũng khuyên các bạn trẻ sắp xếp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi một cách khoa học, không nên nuông chiều bản thân, như xem phim quá khuya, lười vận động, ngủ nướng... 

Thay vì than phiền trong bóng tối, chúng ta hãy tự nắm bắt cơ hội trong mùa dịch để hoàn thiện chính bản thân mình.

Chuyên viên tâm lý PHẠM THỊ THÚY

Nguồn: https://tuoitre.vn/o-nha-mua-dich-nguoi-ban-ron-khong-co-thoi-gian-de-buon-20210718113742904.htm?fbclid=IwAR0JF-ppa5vDnMT52CnNuJKo3dKRhj4t-vMu4aO7li-sCJaTO4NG9QnmDz0


Tham vấn tâm lý là một việc làm cần sự kiên nhẫn, tỉnh táo để hiểu đúng, thương sâu và nếu cần chia sẻ, “bốc thuốc” có thể chữa lành vết thương cho người gặp sự cố cần được tháo gỡ…

Câu chuyện về “hạnh lắng nghe” trong công việc với TS. Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề tham vấn tâm lý cũng như việc lắng nghe giúp bạn thành công trong cuộc sống ra sao. Chị Thúy cho biết:

– Tôi may mắn được bén duyên với nghề tham vấn tâm lý từ năm 1999. Ngay trước khi tôi tốt nghiệp đại học vài tháng tôi đã có cơ hội thử việc tại một tổ chức chuyên về tham vấn tâm lý tại Hà Nội. Tôi mê tâm lý, thích đọc tiểu thuyết tâm lý xã hội từ bé nên được làm đúng môi trường công việc tham vấn tâm lý tôi rất thích và gắn bó đến nay đã 18 năm. Được làm công việc này ngay khi tốt nghiệp đại học với tôi là một nhân duyên kỳ diệu.

Tôi được nhiều bậc thầy trong nghề tham vấn chỉ bảo tận tình, và được tập huấn với các chuyên gia Mỹ về kỹ năng tham vấn ngay từ những ngày đầu học nghề. Khi vào TP.HCM tôi tiếp tục làm công việc này song song với nghề dạy học và đi học sau đại học chuyên ngành tâm lý lâm sàng, rồi thạc sĩ tâm lý lâm sàng chương trình liên kết giữa ĐH Paris 7 và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

* Trong tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, có ca nào để lại cho chị cảm xúc mạnh đến giờ vẫn chưa quên? Và bài học về nghệ thuật tư vấn mà chị rút ra cho cá nhân mình là gì?

– 18 năm qua tôi được trực tiếp gặp rất rất nhiều thân chủ. Có lẽ ám ảnh nhất là những ca về bạo hành gia đình. Ngày tôi mới vào nghề tôi chưa có gia đình, nghe những ca đó tôi bị ám ảnh đến mức nghĩ chắc không nên lập gia đình vì nhiều đau khổ quá. Qua quá trình được đào tạo nghề và tự rèn luyện nên dần tôi học được cách tách mình khỏi các câu chuyện của thân chủ, không còn ám ảnh nữa.

Bài học tôi học được là cần học cách tự chuyển hóa chính mình, tâm bình an mới giúp được người khác. Lắng nghe là nghệ thuật khó nhất trong nghề tham vấn. Nếu nghe mà để cảm xúc của thân chủ ảnh hưởng lên tâm trí mình là do mình còn những tổn thương trong quá khứ. Nhà tham vấn cần chữa lành chính tâm hồn mình mới có thể chữa lành được cho người khác.

* Đâu phải làm nghề tư vấn mới cần “hạnh lắng nghe”, các công việc khác cũng cần điều này, theo chị thì sao?

– Nơi đâu có giao tiếp nơi đó cần hạnh lắng nghe. Kể cả giao tiếp với thiên nhiên, nếu ta lắng nghe tiếng thiên nhiên ta mới thực sự hòa mình vào thiên nhiên và tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu… Và tất cả các nghề, công việc khác cần có giao tiếp giữa con người với con người càng cần biết lắng nghe.

Có biết nghe mới thấu hiểu, có hiểu mới có thương, có hiểu có thương mới hợp tác được với nhau để giải quyết mọi vấn đề trong công việc, trong cuộc sống.

Ai biết nghe người đó biết giao tiếp. Biết giao tiếp là chìa khóa mở cánh cửa của sự hạnh phúc và thành công!

* Làm nghề, chị quan sát và thấy, con người ta thường rơi vào bế tắc, khổ đau, thất vọng, thất bại… theo công thức nào là chủ yếu, cơ bản?

– Các thân chủ tôi đã gặp họ rơi vào bế tắc, khổ đau, thất vọng,… thường do họ không hiểu chính mình, không hiểu mọi người xung quanh. Họ không chịu dành thời gian lắng nghe tiếng nói bên trong của chính họ và tiếng lòng của người khác. Điều đó khiến họ không biết họ thực sự muốn gì, người vợ người chồng người con người cộng sự người sếp người khách hàng muốn gì… nên từ đó xung đột nổi lên và kết quả là thất bại trong các mối quan hệ, bế tắc, khổ đau dằn vặt trong nội tâm…

TS Phạm Thị Thúy (áo đỏ) cùng ê-kíp SaigonBooks trong buổi ra mắt sách “Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to”
 

* Có nhận xét rằng, để thành công trong cuộc sống, hạnh phúc trong hôn nhân và dạy con tốt thì bạn cần phải luôn lắng nghe. Chị có đồng tình và chia sẻ thêm, mở rộng về quan điểm này?

– Đúng vậy. Muốn gia đình hạnh phúc, vợ chồng con cái cần học cách lắng nghe. Vợ chồng chịu lắng nghe nhau sẽ hiểu nhau, chấp nhận nhau, từ đó sẽ tôn trọng và yêu thương nhau hơn. Cha mẹ lắng nghe con cái sẽ hiểu con và từ đó biết mình nên nói gì và không nên nói gì khi dạy con. Các ca tham vấn những bất đồng trong đời sống vợ chồng câu mà tôi nghe chồng/vợ than nhiều nhất là cô ấy/ anh ấy không hiểu tôi hoặc tôi không hiểu nổi anh ta/cô ta muốn gì…

Tôi may mắn có nghề đi dạy song song với nghề tham vấn nên khi tôi được tiếp xúc với các em học sinh, các em than cha mẹ không hiểu mình, không cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Còn cha mẹ trong các lớp kỹ năng làm cha mẹ thì than phiền tôi không thể hiểu được bọn trẻ bây giờ tại sao nó lại hành xử như thế… Làm sao để hiểu vợ/chồng/ con cái đây? Chỉ có thể là lắng nghe. Nghe những gì họ thực sự muốn nói nhưng chưa nói ra bằng lời được. Chúng ta cần nghe bằng mắt, bằng trái tim chứ nghe bằng hai tai chưa đủ. Cần học nghe bằng cả 5 giác quan cùng trái tim yêu thương, từ bi.

* Được biết, TS.Thúy vẫn thường tập thiền, lấy năng lượng bình an vào mỗi ngày bằng những cách tư duy tích cực, truyền cảm hứng lạc quan trên các diễn đàn… Đó có phải là một cách lắng nghe chính mình, hiểu và thương chính mình của chị?

– Vâng, thiền chính là cách tôi lắng nghe tâm mình. Hiểu mình để yêu thương bản thân, để mỗi ngày chăm sóc bản thân, hoàn thiện bản thân, không tìm cầu sự hài lòng từ bên ngoài mà tìm về sự bình an nội tâm. Tôi đang tập thiền như người tập đi thôi, tôi chưa biết nhiều, chưa luyện nhiều về thiền. Tôi thường thiền hành buổi tối, thiền buông thư trước khi đi ngủ, thiền động theo phương pháp của thầy Thích Nhất Hạnh – tập chánh niệm trong từng hành động của mình mỗi ngày. Suy nghĩ tích cực và cùng lan tỏa những điều thiện lành trên Facebook, trên các lớp học, diễn đàn với tôi là một nhiệm vụ tôi cần làm cho chính mình và cho mọi người cùng an vui!

* Có một điều mà người làm cha làm mẹ vẫn hay trăn trở đó là “khoảng cách thế hệ”, không thể hiểu được con vì nhiều nguyên nhân, chị có lời khuyên nào để các bậc phụ huynh và con em không trở nên xa cách? Và kinh nghiệm cá nhân của chị trong vấn đề rút khoảng cách, lắng nghe con trong chính tổ ấm của mình?

– Khoảng cách thế hệ ngày càng xa, tỷ lệ nghịch với số năm giữa các thế hệ ngày càng rút ngắn, 5 năm một thế hệ, 3 năm một thế hệ chứ không phải 20 năm như ngày trước… Mỗi chúng ta rất khác với người sinh cách ta 3-5 năm. Vậy cha mẹ và con cái cách nhau mấy thế hệ? Ít nhất bốn thế hệ! Công nghệ càng phát triển, xã hội càng thay đổi thì con người càng ngày càng khác xa nhau về cách nghĩ, cách hành động, sở thích, lối sống… Vì vậy cha mẹ càng cần lắng nghe con nhiều hơn, đặt mình vào vị trí của con để hiểu hoàn cảnh sống, môi trường học tập của con, hiểu những khó khăn thuận lợi, cơ hội và thách thức trong xã hội con đang sống…

Lắng nghe không phán xét, lắng nghe không so sánh, lắng nghe không kỳ vọng… khi đó cha mẹ mới có thể là bạn của con, hiểu con và đồng hành được với con trên đường đời đang có quá nhiều thay đổi hiện nay. Tôi cũng đang học cách lắng nghe các con theo cách này mỗi ngày. Có câu mất 3 năm để học nói nhưng cần cả đời để học nghe. Cha mẹ không thể chủ quan mình sinh con ra, nuôi dưỡng, chăm sóc con thì mình hiểu con. Con lớn khôn mỗi ngày trong một xã hội ngày càng phức tạp thì để hiểu con, giúp con luôn cần cha mẹ lắng nghe bằng tâm từ bi.

Tương lai bất định, cha mẹ cần trao cho con sức mạnh nội tâm bằng cách nghe – hiểu – thương – chấp nhận – giúp đỡ con để con tự tin, có bản lĩnh vững vàng trong cuộc đời nhiều cơ hội, lắm thử thách như hiện nay.

* Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!

Lưu Đình Long thực hiện

 

Nguồn: http://maythongdong.vn/tien-si-pham-thi-thuy-noi-ve-nghe-tham-van-hanh-lang-nghe/?fbclid=IwAR1xt_idtjnsQoJ2jUNH56gXiOXVyOamrpy-NzkzMc-cF67v1AaphbLj_MM

Mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đang được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, hữu ích.
Mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
 

Trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia vừa qua thu hút hơn 15 triệu lượt xem trên kênh YouTube Next Sports, trong đó có 1,5 triệu lượt xem cùng thời điểm. Một cá nhân livestream suốt 3 tiếng đồng hồ để “bóc phốt” người khác cũng thu hút đến 15 triệu lượt xem, trong đó có 500.000 lượt xem cùng lúc.

Từ khi nào người dùng mạng xã hội mê xem “bóc phốt” cũng gần như mê bóng đá? Việc một cá nhân lên mạng chỉ trích người khác có vi phạm đạo đức hay pháp luật, có phải là một hành vi “lệch” chuẩn?

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định: "Khi chúng ta có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân bên cạnh việc chấp hành pháp luật cũng phải tuân thủ chuẩn mực văn hoá khi tham gia không gian mạng. Từ đó, người dân có sự thay đổi, tuân thủ luật pháp và điều chỉnh về mặt đạo đức.”

“Thượng vàng hạ cám” trên mạng xã hội

Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay chị tham gia mạng xã hội từ năm 2009. Đến nay, trang cá nhân của chị có 18.600 người theo dõi.

Chị nhận thấy rằng “cộng đồng” của mình nhìn chung là văn minh, lịch sự. Mọi người chia sẻ với nhau những điều quý giá. Mỗi khi chị có điều gì đó muốn chia sẻ thì thông tin được lan tỏa nhanh đến nhiều người. Chị khẳng định mạng xã hội có nhiều mặt tích cực với đời sống.

Bo quy tac ung xu: Dieu tiet hanh vi cua nguoi tham gia mang xa hoi hinh anh 1Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, mạng xã hội ẩn chứa không ít tiêu cực như hiện tượng quảng cáo tràn lan những sản phẩm kém chất lượng, một số cá nhân ăn mặc hở hang, phản cảm trong các livestream bán hàng... 

“Trước những hiện tượng như vậy, người dùng mạng chỉ tiếp nhận mà không có thời gian để kiểm chứng, điều đó rất nguy hiểm. Chúng ta phải thừa nhận rằng mạng xã hội là nơi ‘thượng vàng hạ cám,’ khi tham gia thì bạn phải tự biết chọn ‘vàng’ thôi,” tiến sỹ Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Chị cho rằng mặt trái của mạng xã hội có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em. Người lớn có kinh nghiệm, có sự hiểu biết để nhận thức đúng sai nhưng trẻ em thì chưa có khả năng nhận biết và loại bỏ những thông tin độc hại.

“Những người đăng tải nội dung độc hại trên mạng xã hội như Facebook hay YouTube là những kẻ làm ô nhiễm trí tuệ và tâm hồn trẻ em,” chị khẳng định.

Chia sẻ về vấn đề này, ca sỹ Thái Thùy Linh cho hay: Trẻ em Việt Nam vốn đã thiếu những những sản phẩm văn hoá và chương trình giải trí chất lượng, giờ văn hoá độc hại lại nhan nhản khắp nơi, điều đó khiến tôi rất lo lắng.”

Là nghệ sỹ nhưng Thái Thùy Linh tự giới hạn số người tham gia vào “cộng đồng” của mình để đảm bảo môi trường lành mạnh và văn minh. Chị chủ động chặn những người có phát ngôn mất lịch sự, gây hấn.

Thái Thùy Linh cho rằng những cuộc bóc phốt, đấu tố nhau hay clip đánh ghen trên mạng chính là hành vi “gây rối trật tự công cộng trên mạng xã hội,” cần phải dẹp bỏ như những cuộc ẩu đả ngoài đời thực. Chính quyền cần sớm có những biện pháp quyết liệt hơn để làm trong sạch môi trường mạng xã hội.

Ứng xử trên mạng xã hội cần có quy tắc

Theo một con số thống kê vào đầu năm nay, Việt Nam có hơn 70 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, chiếm gần 70% dân số. Điều đó cho thấy mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Bo quy tac ung xu: Dieu tiet hanh vi cua nguoi tham gia mang xa hoi hinh anh 2Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng biên tập tạp chí Tiếp thị và Gia đình. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng biên tập tạp chí Tiếp thị và Gia đình cho rằng sự phát triển của mạng xã hội là tất yếu, con người không thể đi ngược lại tiến trình đó mà chỉ có thể hình thành những quy tắc ứng xử để tạo ra một mạng xã hội có trật tự.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào thời điểm này là rất kịp thời và đúng đắn,” ông Sơn cho biết.

Ông cho rằng Bộ quy tắc là một công trình dày dặn, có ý nghĩa, gồm những khoản mục chi tiết, dành riêng cho nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, liệt kê ra các hành vi nên và không nên làm.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định rằng việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử có tác dụng rất lớn để có thể điều tiết hành vi của mỗi người trên môi trường mạng. Trong đó, những người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những hành động, phát ngôn, hình ảnh của mình.

Theo ý kiến của tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, bên cạnh Bộ quy tắc này, các cơ quan chức năng cần triển khai những quy tắc đạo đức nghề nghiệp đặc thù.

Bo quy tac ung xu: Dieu tiet hanh vi cua nguoi tham gia mang xa hoi hinh anh 3Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viên Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng các hội nghề nghiệp sẽ lấy bộ quy tắc do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành làm kim chỉ nam để xây dựng quy tắc đạo đức cho phù hợp với thành viên và hoàn cảnh của hội mình.

Cần chế tài xử lý các hành vi "lệch chuẩn" trên mạng xã hội

Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy nhận định rằng Bộ quy tắc mang ý nghĩa tích cực, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trong pháp luật, nâng cao trách nhiệm của người dùng mạng xã hội, tuy nhiên người dân cần phải hiểu đúng về bản chất và chức năng của Bộ quy tắc này.

“Bộ quy tắc mang tính chất khuyến khích mọi người hành xử cho đúng, không mang tính chất bắt buộc hay có chức năng xử phạt,” tiến sỹ Thúy chia sẻ.

Do đó, tiến sỹ Phạm Thị Thúy khẳng định rằng song hành với Bộ quy tắc vẫn cần có quy định pháp luật, chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm.

“Dựa trên Bộ quy tắc, người dùng nhận biết được đâu là hành vi sai trái, từ đó có thể báo cáo lên bộ phận quản trị trang mạng. Hãy tận dụng quyền lợi của mình để loại bỏ những hành vi ảnh hưởng đến môi trường mạng,” tiến sỹ Thúy khuyến cáo.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng cần phải tăng cường tuyên truyền nội dung Bộ quy tắc đến với người dân thông qua những trường hợp cụ thể để Bộ quy tắc dễ hiểu và thực sự đi vào đời sống. Sau 6 tháng, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại, loại bỏ những điều khoản không phù hợp, bổ sung những điều cần thiết, có như vậy mới theo kịp sự phát triển của xã hội.

“Quy tắc ứng xử phải có nội dung gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đời sống hiện đại, hài hòa với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, có như vậy thì Bộ quy tắc mới có thể song hành cùng đời sống,” nhà báo Nguyễn Trường Sơn nói.

Phân tích kỹ hơn về điều này, nhà báo cho rằng cơ quan nhà nước cần tuyên truyền để người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiểu được quy tắc ứng xử ở mỗi nơi mỗi khác, phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa-xã hội và thuần phong mỹ tục của quốc gia đó. Người dân cần hiểu rằng để có một nền chính trị ổn định, một xã hội trật tự, bình yên thì phải chấp nhận những quy tắc ràng buộc đó.

Nhờ có quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, người dân sẽ phân biệt được đúng sai, biết chọn lọc và tiếp thu những thông tin có ích. Đối với những hành vi tiêu cực, dù chưa thể xử lý theo pháp luật thì cộng đồng cũng sẽ lên án. Nhà báo Trường Sơn cho rằng thái độ của dư luận mới là hình phạt nặng nề, có tính răn đe nhất dành cho những người có hành vi sai trái./.

Minh Thu (Vietnam+)
 
Page 7 of 15

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.