Những sai lầm thường gặp khi cho trẻ dưới 1 tuổi ăn

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Thai Giáo

 

Không phải bà mẹ nào cũng có thể hiểu hết các kiến thức nuôi con một cách đầy đủ và chính xác, nhất là với trẻ dưới 12 tháng. Có những vấn đề mà không ít người cho là hợp lý nhưng thật ra, đó lại là điều không nên. Dưới đây là những sai lầm thường gặp mà các bậc cha mẹ cần biết để tránh, nhằm nuôi dưỡng con khỏe mạnh hơn.

Thay thế hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa bột

Nếu bé chịu uống sữa bột thì chỉ vài ngày là hết một hộp sữa và mỗi tháng phải cần đến 5 - 6 hộp sữa. Tiền bạc theo đó mà tự hao hụt. Nhưng đó mới là chuyện nhỏ. Khi bé uống sữa bột, biết bao chuyện phiền phức xảy ra cho bé như: ộc sữa, tiêu chảy, táo bón,… khiến cả nhà lo lắng.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, thích hợp nhất của trẻ vì có đầy đủ chất dinh dưỡng, chứa nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, dễ tiêu và không tốn công… pha chế. Ngoài ra, khi cho con bú sữa mẹ, sợi dây liên hệ tình cảm giữa mẹ và con càng thêm khăng khít, quyến luyến hơn. Nếu phải đi làm, các bà mẹ cũng nên cho con bú sữa mẹ vào ban đêm. Nếu các mẹ gặp khó khăn trong việc cho con bú sữa mẹ thì nên đến bác sĩ để được giúp đỡ và hướng dẫn cụ thể.

Thay đổi loại sữa bột để con không còn nôn trớ

Khi thấy trẻ có các hiện tượng nôn trớ khi uống sữa bột, nhiều bà mẹ đã cho con dùng nhiều loại sữa khác nhau để thử nghiệm xem trẻ phù hợp với loại sữa nào. Điều này làm cho bác sĩ khó xác định chính xác nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ: do bé dị ứng sữa, bị ợ chua hay một bệnh nào khác.

Bạn nên hợp tác với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân của việc bé không chịu tiếp nhận đồ ăn, nhất là khi thấy bé không tăng cân (có khi còn giảm), hay phân có máu, bởi có thể con bạn bị dị ứng sữa.

Nếu bé bị chứng nôn trớ vì dư axit, hãy thay loại núm vú khác (loại không có bọt khí trong núm), bế vác bé lên trong nửa giờ sau khi ăn xong và cho con ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì vài bữa lớn.

Trộn bột với sữa, hoặc một số thực phẩm khác

- Trộn bột với sữa để cho trẻ ăn là thói quen của nhiều người. Các loại sữa bột đã được nghiên cứu để cung cấp lượng dưỡng chất tối đa, phù hợp với khả năng hấp thu của cơ thể bé. Nếu trộn thêm bột hay bất cứ thực phẩm nào khác sẽ làm thay đổi công thức tối ưu này. Việc làm sữa trở nên đặc thêm sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, trẻ rất dễ bị sình bụng, khó tiêu, nhất là khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì ở tuổi này, cơ thể trẻ chưa tạo được men tiêu hóa tinh bột và trẻ có thể không hấp thu hết các thành phần trong sữa. Cũng không nên pha sữa lẫn với nước hoa quả, vì điều đó là không cần thiết; hơn nữa vitamin C trong nước quả có thể làm sữa trở nên khó tiêu. Vì vậy, nếu trẻ ăn sữa bột thì tốt nhất chỉ nên pha sữa bột với nước sôi khoảng 60 độ C, theo đúng tỉ lệ ghi trong hướng dẫn sử dụng, pha đặc hơn sẽ gây khó tiêu, làm yếu thận, pha loãng thì không đủ dinh dưỡng.

- Cho trẻ ăn bột với đường: Bữa ăn của bé phải đầy đủ và cân đối 4 nhóm chất: bột-đường, đạm, béo, vitamin và khoáng. Vì vậy, tốt nhất vẫn là bột mặn với thịt, cá, rau, dầu ăn... Một bát bột ngọt sẽ thiếu đạm và thừa đường, nếu có đủ thì thường lờ lợ khó ăn. Việc thừa đường sẽ làm tăng men chua trong dạ dày và ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa. Bột có thể ứ đọng trong ruột, cản trở hấp thu canxi và dẫn đến còi xương. Chất ngọt nhanh gây cảm giác no nên dễ làm cho trẻ trở nên biếng ăn.

Cho bé ăn dặm quá sớm

Nếu các bà mẹ cho bé ăn dặm khi bé chưa được 4 tháng sẽ gây nặng nề cho bộ máy tiêu hóa của bé. Do khó tiêu nên bé sẽ biếng ăn, từ đó bé sẽ chậm tăng cân và dễ bị suy dinh dưỡng. Trẻ dưới 4 tháng tuổi chỉ nên bú sữa hoàn toàn. Không có thức ăn nào thích hợp cho bé ở giai đoạn này, ngoài sữa.

Cho trẻ ăn dặm quá trễ

Ngược lại, khi trẻ trên 6 tháng tuổi mà chưa tập ăn thức ăn nào khác sữa thì trẻ cũng chậm tăng cân. Sữa không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của trẻ, nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn từ bên ngoài. Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm từ 1-2 bữa bột trong ngày. Nhớ rằng, chỉ cho trẻ ăn hoa quả khi bắt đầu ăn dặm.

Cho bé ăn dặm không đúng

Ăn quá ít hay quá nhiều đều không tốt như nhau. Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, các bà mẹ cần chú ý:

Cho bé ăn từ ít đến nhiều: Từ vài muỗng bột/ngày tăng dần đến ½ chén rồi đến 1 chén/ngày. Từ một lần bột/ngày lúc bé 4-5 tháng tuổi đến 2 lần bột/ ngày lúc bé 6 - 7 tháng tuổi.

Cho bé ăn từ loãng đến đặc: Từ loãng như nước cơm rồi sệt dần, sau đó sẽ là bột đặc.

Cho bé ăn từ đơn giản đến phức tạp: Đầu tiên pha bột gạo với nước rau; sau đó thêm nước thịt, rồi thêm dầu ăn và sau đó ăn luôn cả xác rau, thịt.

Nấu cháo với xương thịt hầm

Đây là sai lầm thường gặp nhất, vì hình như có khá nhiều bà mẹ cho rằng ăn cháo hầm với xương, thịt thì con mình sẽ cứng xương. Thực sự không đơn giản như vậy. Nước xương, thịt hầm chứa rất nhiều chất nitơ (không phải protid) làm cho nước có mùi vị thơm ngon; còn protid, chất cần thiết cho trẻ, vẫn còn ở trong xác thịt. Protid và calci là những chất khó hòa tan trong nước. Vì thế, nên cho bé ăn luôn cả nước lẫn xác thịt.

 

Cho bé ăn cơm sớm để mau cứng cáp

Nhiều bà mẹ quan niệm, cho bé ăn cơm sớm sẽ làm cho bé mau cứng cáp. Điều này là một sai lầm, vì lứa tuổi này, bé chỉ có vài cái răng cửa (dùng để cắn chứ không phải để nhai). Do đó cho trẻ ăn cơm sớm, trẻ chỉ nuốt chửng làm cho thức ăn khó tiêu hóa và chậm hấp thu, khiến bé chậm tăng cân. Nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm như cháo, nui, bột đặc, phở, bún,….

Cho ăn quá nhiều chất bổ dưỡng

Lượng đạm bé cần mỗi ngày là 4-4,5g/kg thể trọng (với trẻ 1 tuổi, mỗi ngày dùng tối đa 1 lạng thịt), lượng dầu mỡ cũng tương tự như vậy, trong đó 50% là mỡ thực vật. Lượng bột phải cao gấp 4 lần.


Trong năm đầu, việc nuôi trẻ có một mâu thuẫn: trẻ cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển trong khi hệ tiêu hóa lại còn rất yếu, nếu nuôi không khéo sẽ gây tiêu chảy, kéo theo suy dinh dưỡng và còi xương. Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức chú ý vấn đề vệ sinh và đừng vì sốt ruột mà cho trẻ ăn quá bổ dưỡng. Nhiều bà mẹ cho trẻ ăn vài lạng thịt/ngày và ngạc nhiên thấy bé ngày càng còi cọc, đó là do khẩu phần quá nhiều đạm, khiến hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn, gây phân sống, tiêu chảy, càng nuôi càng chậm lớn.

Không cho bé ăn dầu

Trong mỗi bát cháo, hoặc bột của bé nên cho thêm 1-2 muỗng cà phê dầu ăn, dầu mè càng tốt. Tuy số lượng dầu không nhiều, nhưng nó mang đến nhiều năng lượng cho bé. Để cho bé quen dần, các bà mẹ nên cho từ ít đến nhiều, bắt đầu từ vài giọt, sau tăng dần đến 2 muỗng trong mỗi bữa ăn. Khả năng tiêu hóa chất béo của bé rất cao, ngay trong sữa mẹ cũng đã có tới 50% năng lượng được cung cấp từ chất béo. Ngoài ra, dầu ăn còn là chất cần thiết để hấp thu vitamin A,D.

Không cho bé ăn trứng

Chỉ nên kiêng ăn trứng khi trẻ bị dị ứng với trứng. Những dị ứng thường gặp là ngứa, nổi mẩn đỏ, tiêu chảy… Đối với trẻ bình thuờng thì nên cho trẻ ăn 1-3 lòng đỏ trứng/tuần, tùy theo tuổi của trẻ. Thành phần acid amin trong trứng rất cân đối và trứng còn chứa rất nhiều calci, sinh tố A. Do đó, các bà mẹ đừng nên bỏ qua nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng này.

Ngậm thìa của bé khi cho con ăn

Nhiều bà mẹ trước khi bón bột, đồ ăn cho con thường cho thìa vào miệng mình trước để "vun đều" hay làm sạch những thức bám xung quanh. Nhưng nếu làm thế, chính bạn sẽ là nguồn truyền bệnh sâu răng cho bé.

Trước hết, bạn cần phải giữ vệ sinh răng miệng cho chính mình, bằng cách đi khám đều đặn, đánh răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày, nếu dùng kẹo cao su thì nên chọn loại không có đường. Ngoài ra, khi cho con ăn, tốt nhất, bạn đừng cho thìa của bé vào miệng mình, trừ phi thức ăn ấy đòi hỏi phải được nếm trước.

 Hội quán các bà mẹ mời tham dự chuyên đề:

“Dõi theo con yêu từ 0-6 tháng tuổi”

Thời gian: 8g30 -10g30 sáng thứ 7 ngày 28/07/2012

Địa điểm: Lầu 7 Nhà sách Tân Định số 387-389 Hai Bà Trưng, P7, Q.3

Trong buổi chuyên đề: BS Phan Thị Hiền Thu – Phòng khám Trung tâm Dinh Dưỡng Tp.HCM sẽ chia sẻ cùng các bà mẹ trẻ những kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm trong việc nuôi dạy bé từ  sơ sinh cho đến 6 tháng tuổi về sự phát triển thể chất, vận động, phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và giao tiếp. Những thắc mắc của các mẹ xoay quanh chuyện mới sinh ra bé có thể biết bày tỏ cảm xúc với bố mẹ bằng cách nín khóc khi nghi bố mẹ hát ru hoặc trò chuyện cùng bé? Tại sao từ tháng thứ 4 bé lên cân ít hơn, hoặc lên 4 tháng bé không còn ngủ nhiều như lúc mới sinh, thời điểm này bé không còn thích bế nằm và thích đưa nhiều thứ vào miệng, lên 6 tháng bé ngồi có sợ bị gù lưng không? ….

Đặc biệt, các bố mẹ sẽ được Điều dưỡng viên Đinh Thị Thu Hoàn trang bị kỹ năng sơ cấp cứu khi bé bị sặc sữa, ọc sữa.

Chương trình hoàn toàn miễn phí.

Vui lòng đăng ký: 0949.742.792 / 0909.003.783  hoặc

E-mail:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. .


Trân trọng kính mời !

   Nguồn: mangthai.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.