Cẩm nang phương pháp sư phạm - Học để nói hấp dẫn

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Phương Pháp Sư Phạm

Tôi được tặng cuốn sách này đã gần hai tháng! Nhưng tôi đã biết về nó hơn một năm nay, vì tác giả nhiều lần chia sẻ ý định viết sách về phương pháp giáo dục chủ động, những bí quyết khiến cho việc nói chuyện trước đám đông trở nên thú vị. Những cuốn sách dạng này, hằng hà sa trên thị trường sách, nhưng tôi vẫn mong đợi nó, vì tôi muốn biết, bí quyết nào khiến cho tác giả nói thu hút và tự tin như vậy!

 Vì thế, nên mặc dù cầm cuốn sách trên tay, với lời đề tặng khá hấp dẫn, tôi vẫn cân nhắc trước khi đọc nó, hay viết về nó. Tôi biết nó là một quá trình học hỏi, trải nghiệm, tìm tòi và ứng dụng. Tôi biết nó là một tấm lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục, chân thành với từng hành động, từng lời nói của tác giả. Tôi biết nó là một quá trình rút tỉa, đúc kết những sai lầm, khó khăn và thành công. Tôi biết tôi không nên đọc nó với một cái đầu bề bộn.

Buổi chiều thứ bảy không cafe, không beer, không đi lòng vòng với những câu chuyện lòng vòng, tôi trở về nhà và đọc nó – cuốn sách Cẩm nang Phương Pháp Sư Phạm của th.s Phạm Thị Thúy, giảng viên Học Viện hành Chính Quốc Gia.

Một điều gây ấn tượng đặc biệt ngày ở lời đề tựa sách, trích dẫn một câu nói thông minh – chân lý: ” Ta không thể dạy người khác bất cứ điều gì. Ta chỉ có thể giúp họ khám phá những gì có sẵn trong họ” (Galileo Galilei). Đây chính là bản chất của cuốn sách và phương pháp này: Khơi gợi khả năng và ý thức tiềm ẩn của con người, chứ không dạy họ cái bạn đang có! Tôi thích tư duy này!

Tôi có điều kiện quan sát tác giả nói chuyện ở nhiều chủ đề, nhiều cấp bậc, nhiều môi trường khác nhau. Có những chủ đề về kỹ năng làm cha mẹ như “Giúp con niềm đam mê đọc sách”, “dạy con ứng xử với tiền lì xì”, hay “Nghệ thuật đàm phán với con”, hoặc những chủ đề về phụ nữ như “Nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu trong đời sống vợ chồng”, hoặc những chủ đề lớn, khó hơn như “Văn Hóa ứng xử học đường”, hay “Thai giáo – dạy con từ trong bụng mẹ”, với quy mô từ 100 người đến 4000 người! Nhưng dù ở đề tài nào, quy mô nào, tác giả cuốn sách này đều làm được một điều mà tất cả các diễn giả mơ ước: lôi được, kích thích được gan ruột của người nghe!


Tại sao tác giả làm được điều đó? câu trả lời đã nằm hết trong cuốn sách này.

Với kết cấu chặt chẽ, logic và thân thiện, cuốn sách lý giải những lợi ích của các phương pháp giảng dạy tích cực. Điểm khác biệt giữa phương pháp giảng dạy tích cực với những phương pháp khác, là nó khiến người nghe chủ động trong đề tài của họ, nhìn thấy chính họ trong buổi thảo luận đó, tóm lược và rút tỉa được những kinh nghiệm tốt, kiến thức chính ngay trong buổi học (tọa đàm) mà không cần phải ôm một đống giấy tờ hay slide về nhà nghiềm ngẫm!

Bắt đầu với việc nêu ra những trở ngại khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, nhìn từ phía người dạy và cả người tham dự, để biết rằng thay đổi một thói quen, một lề lối là điều rất khó. Cũng như việc bạn thấy một đứa trẻ nước ngoài (Châu Âu – châu Mỹ..) làm quen và thoải mái trao đổi về đề tài nào đó với người lớn, người lạ một cách rất tự tin, trong khi đó con em chúng ta dường khá rụt rè, e ngại, thậm chí sợ hãi. Cũng như việc bạn thấy rất nhiều người tham dự một buổi hội thảo mà vẫn facebook, yahoo, skype, vẫn ngáp ngắn ngáp dài và rên rỉ với dòng trạng thái: họp chán ngắt! Cũng như việc bạn tham dự một buổi sinh hoạt nhóm và trở về với tinh thần hoàn toàn hưng phấn, những dòng ý tưởng mới và nhiệt huyết tuôn chày trong bạn, khác biệt với một buổi làm việc nhóm mà ra về cùng tâm trạng uể oải, chán chường! Điều gì khiến cho sự khác biệt này trở nên gần lại? Điều gì có thể biến bản chất của việc nói chuyện chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia? Tôi không nghĩ đó là vì diễn giả (MC, phát thanh viên, chủ trì hội thảo, cô thầy giáo…) xinh đẹp, hấp dẫn, thiếu vải, uốn éo, hay pha trò sex…, mà là nội lực, sự chân thành và kỹ năng nói của họ.

Bằng  việc nêu ra những nguyên tắc trong giảng dạy, từ việc “liên hệ thực tế”, “tạo không khí tích cực trong giờ giảng”, “trực quan hóa – trình bày nội dung bằng hình ảnh”, “khuyến khích người học tự làm”, “neo lại kiến thức cho người học”, đến việc lập kế hoạch bài giảng, bao gồm việc xác định đối tượng học (nghe), số lượng người, thời gian trao đổi, mục tiêu bài nói, tài liệu tham khảo… để lên kế hoạch chi tiết cho bài giảng.

Bằng việc ứng dụng các phương pháp “Tia chớp”, “phương pháp hỏi chuyên gia”, “phương pháp Hỏi Đáp”, phương pháp “Nêu ý kiến ghi lên bảng”, “phương pháp làm việc nhóm”, “phương pháp bể cá”, “phương pháp sàng lọc”, “phương pháp neo kiến thức bằng câu đố”,” phương pháp tình huống”, “phương pháp đóng vai”…., là những phương pháo mà tôi đã có cơ hội thấy tác giả ứng dụng, có thể khiến cho hàng ngàn học sinh À, Ồ, Wow, reo lên thú vị. Trong buổi nói chuyện của chị ở chương trình “Văn Hóa Ứng Xử Học Đường” tại 30 trường PTTH, THCS tại TPHCM và các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây Nam Bộ, các em học sinh rất hoan nghênh và hào hứng, khiến không khí trở nên sôi động không ngừng. Đây là điều lạ đối với nghề nói ở Việt Nam.

Bằng việc giới thiệu các phương tiện trong giảng dạy, từ việc liệt kê các lỗi thường gặp khi sử dụng bảng, bảng ghim, bảng giấy lật, áp phích, đến việc giới thiệu một số cách sắp xếp bàn ghế trong lớp học, cách thực hiện Power Point và các nguyên tắc vàng khi soạn slide, giới thiệu các trò chơi sư phạm như trò băng reo, bài hát giáo dục, thi hát, hò, vè, “trò chơi với gối”, “trò chơi nặn tượng”, “trò chơi viết thư”, “trò chơi vẽ chân dung”, “trò chơi ném bóng tưởng tượng”…., tin rằng từ các trò chơi này, người thụ hưởng sẽ cảm nhận được thông điệp mà người nói chuyển tải một cách vui vẻ và trọn vẹn nhất!

Cuốn sách cũng gây ấn tượng với quan điểm về về ứng xử văn hóa của người thầy – bài học quý nhất đối với học trò, Khi mà hình ảnh người thầy trong xã hội ngày một bình thường hóa, phức tạp hóa, thì việc xác định lại tác phong, ứng xử của người Thầy là điều rất quan trọng. Làm sao để học sinh gìn giữ lòng tôn trọng tuyệt đối với người Thầy mà vẫn gần gũi thân thiện? Làm sao để đi đến sự bình đẳng trong giao thoa tư tưởng mà vẫn giữ được tôn ti thầy trò? Đó là câu hỏi hỏi khó nhưng cuốn sách này đã làm được điều đó: trả lời bằng các gạch đầu dòng đơn giản.

Một phần khá thú vị của cuốn sách này, đó là các phụ lục sách. Ở phần phụ lục 5, tác giả chia sẻ về việc các nhà sư phạm Đức nhìn nhận việc học sinh ghi chép trên lớp như thế nào? hay câu chuyện về một chuyên gia sư phạm Đức với quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy ở Việt Nam (phụ lục 6), hay việc chia sẻ các bí quyết để có giọng nói hay và khỏe, một số điều cần biết về kỹ thuật thở, nén hơi, nén khí!

Kết thúc cuốn sách bằng việc trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Charles Handy về những điều mà các nhà trường cần dạy cho học sinh: “để làm cho tương lai trở thành hiện thực, chúng ta cần phải tự tin và tin tưởng vào giá trị của chính mình”. Đây chính là nguyên lý đúng cho tất cả mọi trường hợp, kể cả trường đời. Ta cần chủ động và khuyến khích người khác chủ động trong mọi thứ, kể cả cuộc đời mình.

Dù chưa hẳn tôi xứng đáng với lời đề tặng của chị – tác giả cuốn sách, nhưng tôi vẫn tự tin rằng: đọc cuốn sách này, tôi biết cách hệ thống và kiểm soát tốt tư duy, lời nói của mình.

Cuốn sách với giá 108 ngàn đồng, được xuất bản bởi nhà xuất bản hàng đầu Việt Nam – First News, font chữ thân thiện, màu sắc phong phú, xứng đáng làm một món quà tặng cho những ai đang làm nghề nói, từ phát thanh viên, biên tập Viên, người dẫn chương trình truyền hình, đến những người chủ trì hội thảo, giáo viên… Tôi chỉ có thể nói: tôi yêu cuốn sách này! Chúc mừng bạn của tôi!

Ngô Thị Phương Thảo (www.facebook.com/ngothiphuongthao)

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.