Trẻ em vật vã trên “đường đua” thành tích

Posted in Kỹ Năng Làm Cha Mẹ

chaydua

Suốt ngày ở trường, chiều tan học lại phải ngốn vội mẩu thức ăn khi được chở đến chỗ học thêm, đến khuya mới về nhà dùng bữa tối rồi học nhồi đống bài vở, nằm ngủ chưa đã giấc lại bị xốc dậy để đi học; cặp kính cận thị ngày một dày cộp, nặng trĩu…

Trẻ ngày nay có khổ không? Nhiều phụ huynh xót con nhưng cũng vì nhiều lý do “vô cùng chính đáng”, họ tiếp tục đẩy trẻ vào đường đua điểm số, thành tích. hậu quả: không ít trẻ phải điều trị tâm thần.


Vì quá đặt nặng thành tích học tập, nhiều phụ huynh đã ép con học quá mức. Theo thạc sĩ Phạm Thị Thúy (ảnh - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM), phụ huynh cần quan tâm giúp trẻ phát triển toàn diện, tinh thần vui vẻ, thoải mái, yêu đời, vì nhờ đó, trẻ sẽ dễ thành công hơn.


Thấp còi, suy nhược vì bị ép học. Mỗi đứa trẻ đều có 24 giờ một ngày, nếu quỹ thời gian của việc học được “bơm” quá căng thì giấc ngủ sẽ bị “xẹp”, trong khi ngủ là thời gian cơ thể phóng thích hormon tăng trưởng. Cha mẹ cần giúp trẻ sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học, hiệu quả, bảo đảm cho trẻ ngủ đủ, ngủ sâu, ngủ sớm từ khoảng 21g để phát triển chiều cao, đầu óc sảng khoái. Người Việt Nam vừa được công bố “kỷ lục”… lùn nhất châu Á vì lười vận động. Trẻ cần được tập thể dục, chơi môn thể thao ưa thích. Vận động hợp lý giúp phát triển thể chất, tế bào xương, các cơ quan vận hành tốt, tăng sức đề kháng, điều hòa hoạt động của hệ nội tiết. Chơi thể thao không chỉ giúp trẻ khỏe đẹp, cân đối mà còn là cơ hội học hỏi, trau dồi kỹ năng sống, phối hợp nhóm, rèn luyện sự tự tin.


Những trò chơi vận động giúp trẻ phát triển thể chất, tăng sức đề kháng, trau dồi kỹ năng sống, rèn luyện sự tự tin


Đừng “góp vốn” cho tiến trình dậy thì sớm! Để nhanh chóng, tiện lợi, nhiều khi phụ huynh vô tình cho trẻ tiếp cận những món kích thích tiến trình dậy thì sớm như: cho trẻ ăn thức ăn nhanh, đồ chiên rán, ăn hàng quán với nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, ăn rau quả trái mùa có chất tăng trưởng… Nhiều gia đình cho con ăn/uống thuốc bổ, đồ bổ thường xuyên mong con khỏe, thông minh, nhưng vô hình trung thúc đẩy cơ thể phát triển quá nhanh và dậy thì sớm. Trẻ học nhiều nên ít có thời gian để đọc sách, xem chương trình truyền hình phù hợp với lứa tuổi; trẻ rảnh lúc nào xem lúc nấy, xem cả phim người lớn cùng cha mẹ. Những hình ảnh, những câu thoại “mặn” sẽ góp phần kích hoạt, thổi bùng cảm xúc giới tính...

Trẻ dậy thì sớm (khởi phát trước tám tuổi ở bé gái và chín tuổi ở bé trai) dễ có nguy cơ bị dụ dỗ, xâm hại do có nhu cầu tình dục, trong khi nhận thức chưa đầy đủ, chưa lường được hậu quả. Trẻ dậy thì sớm thường bị thấp còi vì đầu xương sớm đóng kín, đồng thời dễ có tâm trạng không ổn định, hay bị sốc, trầm cảm, khả năng tập trung hạn chế.


Giúp con xây dựng tình bạn đẹp. Ở tuổi dậy thì, trẻ cần tách mẹ, vươn ra xã hội, giao lưu, quan hệ, kết bạn. Hơn bao giờ hết, ở tuổi này, trẻ mong muốn có bạn thân để chia sẻ buồn vui, cùng tìm hiểu cuộc sống. Nhiều phụ huynh không hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi đã phản ứng và cố gắng điều chỉnh thói “khôn nhà dại chợ” của trẻ. Nhiều người không chịu nổi khi trẻ răm rắp tuân thủ bạn bè, trong khi lại nổi loạn với cha mẹ; thường nghĩ “chơi với bạn không được gì, xui xẻo lại gặp đứa xấu sinh học đòi sa ngã, thay vì vậy dành thời gian để học sẽ bổ ích hơn”.

Tuy nhiên, dù cha mẹ không muốn hoặc cấm cản thì trẻ vẫn kết bạn theo cách của chúng. Chi bằng cha mẹ giúp con chọn bạn có nếp nhà đàng hoàng, bản thân có chí hướng tốt, tạo điều kiện để con xây dựng tình bạn thân thiết, bền chặt. Bạn là giá đỡ thứ hai của trẻ sau gia đình. Phụ huynh không nên hoang mang khi con có bạn khác phái. Trẻ học lớp 8, 9 đã có cảm xúc giới tính. Bên cạnh đó, với tính a dua, chạy theo đám đông, trẻ sẽ chọn người yêu. Thật ra đấy không phải là yêu mà là cần người để an ủi, chia sẻ. Thật tuyệt vời khi phụ huynh bày cho con cách chơi, cách hóa giải mâu thuẫn, giận hờn, giúp con thiết lập một giới hạn trong quan hệ bạn bè.


Con muốn mai này mình là ai? Ước mơ sẽ nâng bước trẻ trưởng thành. Trẻ dậy thì thường mơ mộng, suy ngẫm về tương lai và “bật mí” khát vọng của mình. Trong quỹ thời gian hạn hẹp, phụ huynh nên dành một ít để lắng nghe, nói với con về những ước mơ và con đường dẫn đến, tránh giáo điều, sáo rỗng khiến trẻ dễ cụt hứng.

Trẻ dậy thì có cá tính ương bướng, nếu cha mẹ nói trực diện, áp đặt, trẻ sẽ càng làm ngược lại. Hơn nữa, mỗi đứa trẻ có con đường riêng, cách đi riêng, cần cha mẹ là người đồng hành chứ không phải chỉ đường, càng không thể đi thay.


TÔ DIỆU HIỀN (ghi)

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.