Khi phụ nữ nuôi con một mình

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho phụ nữ

phununuoiconmotminh

Nằm trong chương trình 1.000 cơ hội cho Phụ nữ kém may mắn, ấn phẩm Phụ nữ ngày nay do Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Đại Việt phối hợp với QSpa tổ chức tọa đàm “Nuôi con một mình”.

Tham dự tọa đàm là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng nhiều chị em ở các vai trò xã hội khác nhau đang cùng đồng hành trong một xu hướng chung: một mình chăm sóc, nuôi dạy con cái. Áp lực từ nhiều phía Theo bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Gia đình và Ly hôn TPHCM (FDC) khái niệm nuôi con một mình đang được nói đến với nhiều chiều của cuộc sống chứ không hẳn chỉ là những phụ nữ không có chồng mà có con. Thế nhưng, ở các gia đình người chồng qua đời vì tai nạn, tật bệnh, người phụ nữ phải một mình nuôi con tuy có khó khăn nhiều mặt nhưng vấn đề tâm lý, tình cảm của con trẻ ít trục trặc hơn.Những gia đình mà thực trạng của xã hội  hiện nay diễn ra kiểu như những phụ nữ lỡ thì kiếm con để an ủi tuổi già, những phụ nữ thụ tinh ống nghiệm để có con…các rắc rối vẫn thường xảy ra, đặc biệt nhất là trong những gia đình cha mẹ ly hôn hoặc giả có cả cha lẫn mẹ nhưng hầu như trách nhiệm nuôi con được khoán trắng cho phụ nữ.

Những câu hỏi cha của con là ai? Tại sao con không có bố? trở thành áp lực tâm lý từ nhiều phía. Và khi xu hướng gia đình đơn thân nuôi con ngày một gia tăng  theo tỉ lệ ly hôn thì việc nuôi dạy chăm sóc con cái càng khó khăn, phức tạp hơn. Đó không chỉ là yếu tố kinh tế mà còn là chăm sóc, bởi trẻ bao giờ cũng phải hoàn chỉnh cả hai vấn đề nuôi và dạy.

Vượt qua những cái không thông thường để nuôi con bình thường là một thực tế đầy thử thách, bởi vậy không chỉ người mẹ phải vượt lên chính mình để làm cả hai phận sự của ông bố – bà mẹ mà cả những người thân khác cùng cộng đồng cũng phải chung lưng giúp phụ nữ vượt qua chặng đường gian nan này.

Chia sẻ với ý kiến này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và Truyền thông Cộng đồng TPHCM, nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục con trẻ. Theo chị, những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh này thường tự ti, mặc cảm, cho rằng gia đình mình không bình thường, mình là người thiếu may mắn… sự hòa nhập cộng đồng là không tốt. Vì vậy, yếu tố cần quan tâm đầu tiên là người mẹ phải giúp trẻ vượt qua rào cản tâm lý này.

Nhưng quá trình này là không đơn giản mà phải biết cân bằng bởi có những đứa trẻ mà mẹ lúc nào cũng nghĩ con mình thiệt thòi nên phải bù đắp sẽ rơi vào tâm lý thực dụng, luôn chỉ biết đòi hỏi, đón nhận mà không sẻ chia. Chưa kể trong một số trường hợp, cha mẹ ly dị, người mẹ không thận trọng sẽ đẩy con mình nhìn người cha bằng sự ích kỷ, thiếu tôn trọng, thậm chí là thù hận.

Sự dang rộng vòng tay để trẻ được sống trong tình thương yêu không giới hạn chỉ là mái ấm gia đình riêng mà còn là môi trường xã hội sẽ giúp trẻ cân bằng và hòa đồng hơn.

Chia sẻ từ thực tế, những người trong cuộc cũng nêu ra nhiều khó khăn và thử thách đã qua, những tình huống mà cách ứng xử không biết thế nào là trọn vẹn, nhiều ý kiến cũng hướng đến một cách nhìn khác, tạo cho trẻ các cơ hội và tự bản thân mỗi phụ nữ trong hoàn cảnh đó phải thấy mình là bình thường chứ không phải khác thường để giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống một cách bình tĩnh hơn, đơn giản hơn, tất cả vì một môi trường sống tốt nhất cho con trẻ.

Có ý kiến nhấn mạnh rằng nuôi con một mình phải quyết liệt và tình yêu thương dành cho con phải chân thành, không đưa trẻ vào những tình huống phức tạp cũng như làm khó chúng bằng sự giận dỗi, hơn thua…

Tiến sĩ  xã hội học Trần Thị Kim cho rằng, bản thân cha mẹ luôn cần kiến thức để nuôi con, riêng những phụ nữ một mình đảm nhiệm trọng trách này lại càng cần thu nạp kiến thức để có thể vững vàng giải quyết các vấn đề khác nhau của đời sống. Thực tế minh chính rằng người mẹ thương con thôi chưa đủ, họ phải hiểu con thì mới có thể hóa giải được các sự việc xảy ra.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Kim Bắc nêu một thực tế là trẻ con luôn quan tâm và quan sát các vấn đề xảy ra trong cuộc sống của gia đình. Và những gì trẻ biết thường nhiều hơn những điều người cha, người mẹ vẫn hiểu. Bởi vậy khi một mình nuôi con, người mẹ hãy để con trẻ cùng đồng hành giải quyết các vấn đề có thể xảy ra. Áp đặt hay quan trọng hóa mọi vấn đề chỉ làm phát sinh thêm  những rắc rối không nên có.

Với cái nhìn đa chiều cho một sự việc, buổi tọa đàm đã khắc họa được nhiều vấn đề mà theo chị Nguyễn Lan Anh, phụ trách chương trình 1.000 cơ hội cho phụ nữ kém may mắn nhận xét: Các ý kiến đã hỗ trợ phương pháp nuôi dạy con cái, giúp phụ nữ tự tin, cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Cuộc sống đáng yêu, con trẻ lại càng đáng yêu. Vậy phải làm sao cho việc nuôi con không phải là gánh nặng, là nỗi nhọc nhằn mà con là niềm vui trong hành trình cuộc sống vốn không phải lúc nào người phụ nữ cũng dễ dàng vượt qua “một mình”.

Dư Hà (nguoidothi.vn)

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.