Bản lĩnh của bà mẹ đơn thân

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho phụ nữ

bame Trước đây, việc các cô gái “không chồng mà chửa” bị coi là chuyện tày đình, là nỗi nhục của gia đình và dòng họ. Kẻ phạm tội sẽ bị gọt đầu bôi vôi, thậm chí thả trôi sông. Song, ngày nay, chuyện “gà mái nuôi con” không còn xa lạ, thậm chí, đó còn là sự lựa chọn của nhiều bà mẹ trong xã hội hiện đại.

Các nhà xã hội học trên thế giới thống kê, hiện nay có khoảng 12% phụ nữ đang nuôi con một mình. Có nhiều ý kiến khác nhau về những mẹ đơn thân. Một số gọi họ là những người dũng cảm, người khác nói họ điên rồ, sai lầm…Không ít người cho rằng, chấp nhận làm mẹ đơn thân là một thái độ ích kỷ với chính con mình. Cũng có người chửi rủa, miệt thị họ là "hư hỏng", “lăng loàn”, “kẻ phá họai hạnh phúc gia đình người khác” … Tất cả những ý kiến ấy, dù sai dù đúng, đều không thể ngăn cản trào lưu nuôi con một mình đang dần trở thành một hiện tượng phổ biến.

Xuất thân từ một làng quê nghèo, Tú quyết tâm đổi đời bằng cách lao vào học. Tốt nghiệp đại học lọai xuất sắc, Tú có việc làm tại một công ty nước ngoài với mức lương tính bằng đô. Không dừng lại, cũng chẳng thèm để mắt tới các “vệ tinh” bao quanh, Tú miệt mài phấn đấu để một thời gian sau trở thành phó rồi trưởng phòng tiếp thị. Mãi mê với công việc, Tú đã qua tuổi 30 từ lúc nào. Nhìn xung quanh, bạn bè đã tay bế tay bồng. Lúc này đây, Tú mới cho phép mình dành thời gian tìm kiếm “một nửa kia”. Song, với địa vị của Tú, tìm được người phù hợp không dễ vì những người đàng hòang, tử tế đã bị “ràng buộc”. Số còn lại, “không đui què sứt mẻ thì đầu óc cũng có vấn đề” (lời Tú). Đúng lúc đó, Khoa, phó giám đốc một công ty đối tác xuất hiện. Dù biết Khoa đã có vợ và 2 con, Tú vẫn không thể ngăn trái tim mình lọan nhịp. Ngược lại, Khoa cũng bị Tú cuốn hút bởi vẻ ngòai xinh đẹp và sự thông minh, năng động. Khi Tú có bầu, Khoa thú nhận là không thể từ bỏ gia đình. Dù vậy, Tú vẫn quyết định giữ “kỷ niệm tình yêu”, chấp nhận làm mẹ đơn thân.

Biết chuyện, bạn bè và gia đình Tú phản đối kịch liệt. Ai cũng khuyên Tú không nên làm mẹ đơn thân vì vô vàn khó khăn phải đối mặt. Vốn là người mạnh mẽ, Tú tin rằng mình đủ khả năng nuôi dạy con một mình.Và Tú đã thành công.

Để bù đắp những thiệt thòi cho con, Tú học cách vừa làm mẹ vừa làm cha thông qua việc đọc sách, tra cứu qua mạng, học hỏi kinh nghiệm người đi trước… Để bé Vi không mặc cảm, thiếu tự tin, ngại giao tiếp… Tú cho con đi nhà trẻ từ nhỏ. Ở nhà, cô rủ trẻ con trong xóm đến chơi với con gái. Mặt khác, Tú tập cho bé Vi tính tự lập từ rất sớm để không ỷ lại vào mẹ. Năm, sáu tuổi, Vi đã biết giúp mẹ nhặt rau, quét nhà, rửa chén bát…Bên cạnh đó, dù công việc bận rộn, Tú vẫn dành thời gian trò chuyện hay đưa con đi chơi, đến nhà sách, ra ngọai ô… Điều đó khiến hai mẹ con luôn gắn bó, gần gũi nhau.

Không có chồng bên cạnh nên nhiều việc cần bàn tay đàn ông như thay bóng đèn hư, sửa vòi nước hỏng, lắp công tắc điện…Tú đều mày mò tự học, tự làm. Nhờ thế, mỗi khi có “sự cố”, Tú không phải chạy sang nhờ vả hàng xóm hoặc thuê thợ, vừa không chủ động, vừa mất thời gian, lại tốn kém. Năm tháng trôi qua, con gái Tú lớn lên, xinh xắn, ngoan, học rất giỏi. Với khả năng của Tú, chuyện cho con đi du học không khó. Nhưng Tú vẫn để Vi “tự thân vận động” bằng chính khả năng của mình. Kết quả là cô bé vừa “kiếm” được học bổng du học Úc khi đang là sinh viên năm thứ 2 trường đại học Kinh tế.

Tuy vậy, không phải bà mẹ đơn thân nào cũng có kết cục tốt đẹp như Tú mà chuyện của Ngân là ví dụ. Ngân và Thắng yêu nhau, giữ gìn cho nhau suốt thời sinh viên. Tin tưởng hai đứa sẽ cưới nhau khi có việc làm, Ngân đã trao thân cho Thắng. Song, chỉ mấy tháng sau, bị cám dỗ bởi một tương lai rạng rỡ, Thắng đã bỏ Ngân để theo đuổi con gái giám đốc công ty nơi anh ta làm việc. Tuy rất đau khổ, Ngân vẫn không nỡ bỏ đứa con đang tượng hình với suy nghĩ, dù không có chồng, cô vẫn sẽ nuôi dạy con nên người.

Lúc đó, Ngân chưa hình dung hết những vất vả mà cô sẽ phải gánh chịu. Đầu tiên là sự tủi thân khi cô tự mình đi siêu âm, đi khám thai, một mình đi mua đồ chuẩn bị cho con, một mình đi sinh con…trong khi những người vợ khác luôn có chồng bên cạnh.

Khó khăn càng chồng chất khi cu Bom ra đời. Không như những bà mẹ khác được nghỉ ngơi, Ngân phải quay cuồng với vô vàn công việc như tắm rửa cho con, giặt dũ, nấu ăn, pha sữa, dọn dẹp nhà cửa…Rồi những đêm thức khuya, rã tay ôm con, ru con ngủ, những ngày lo cuống cuồng khi con khó ở, những lúc tất tả đến bệnh viện vì con ốm ….Đồng lương tập sự chỉ cho phép Ngân chi tiêu hết sức dè xẻn. Để tăng thu nhập, Ngân nhận sổ sách, tài liệu, báo cáo tài chính …về nhà làm thêm. Vất vả, bận rộn, lại không có tiền bồi dưỡng nên Ngân gần như kiệt sức, già trước tuổi. Cu Bom thiếu sữa cũng còi cọc, suy dinh dưỡng.

Nỗi nhọc nhằn của Ngân chưa dừng lại ở đó. Cô thường xuyên phải đối mặt với những ánh mắt xoi mói, những cái nhìn dè bỉu, những lời nói khó nghe của những ngừơi xung quanh. Ngày đầu tiên đến trường, cu Bom đã rất ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ khác có ba. Còn nó thì không. Từ đó, nó thường dày vò mẹ bằng câu hỏi: “Tại sao con không có ba?”. Lúc đầu Ngân trả lời qua loa: “Ba con đi làm ăn xa, lâu lắm mới về”. Nhưng khi con trai lớn hơn, nó biết mẹ nói dối. Bị bạn bè trêu chọc, nó quay sang trách và xa lánh mẹ. Từ một cậu bé ngoan ngõan, học giỏi, nhanh nhẹn… cu Bom trở nên mặc cảm, rụt rè, học hành chểnh mảng. Không chỉ thế, nó còn dễ bị kích động, dễ nổi khùng khi có ai động đến. Nuôi cu Bom vất vả bao nhiêu thì Ngân cũng từng rất hạnh phúc bấy nhiêu. Song, giờ đây, đôi lúc, cô cảm thấy hình như đã sai lầm khi giữ lại đứa con mà không cho nó một gia đình trọn vẹn.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Làm mẹ là niềm hạnh phúc không gì so sánh được của người phụ nữ. Tuy vậy, việc nuôi con một mình không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. Do đó, những ai muốn làm một bà mẹ đơn thân, cần phải suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định.

 LÊ PHƯƠNG

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.