"Ch\u1ecdn con d\u00e2u, s\u00e2u con m\u1eaft"

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho phụ nữ

  Nhiều cha mẹ (nhất là các bà mẹ) hay than thở rằng bây giờ con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Tuy nhiên, chưa hẳn đã vậy khi mà giờ đây gia đình nào cũng chỉ có từ một đến hai con, các bà mẹ càng thương con trai càng lo lắng chuyện chọn vợ cho con.

Có rất nhiều kiểu để cho các bà mẹ than phiền về cái “gu” của con trai. Một bà mẹ kể chuyện, đi coi mắt vợ cho con mà thấy không hài lòng, bởi con bà ưng quá đành chịu, chứ bà không thích cô dâu tương lai gầy ốm, chỉ sợ bệnh tật rồi còn sinh nở. Phụ nữ bây giờ cũng là trụ cột gia đình, bà lo con  trai khổ!

Bà mẹ này khó tính. Con trai bà năm nay 30 tuổi, công ăn việc làm ổn định, cậu quen cô nào bà cũng không ưng. Cô thì chê gầy quá làm sao nuôi con, lấy về có nước hầu cả đời, cô thì chê mô-đen quá không biết lo, cô thì chê quê mùa quá, đi ra đường không xứng đôi, chồng sau này dễ thay lòng đổi dạ...Lần này, cậu con trai quyết định không để mẹ can thiệp vào chuyện hôn nhân nữa. Và thế là bà mẹ suốt ngày thở vắn than dài, sao số bà… khổ, có độc một mụn con trai mà không biết nghe lời!

Một bà mẹ khác cũng có một anh con trai độc nhất. Ngày đưa người yêu về ra mắt anh đến hoảng bởi ý kiến của mẹ: “Nó ỏn a, ỏn ẻn như vậy sau này con phải hầu cả đời, tay chân yếu ớt làm sao làm công việc nhà, sanh con đẻ cái nữa…”. Sau này ra riêng, chả thấy cô con dâu ẻo lả gì cả mà một tay chị gánh vác gia đình cho anh đi công tác hết nơi này, nơi khác. Khi ấy bà mẹ lại cho rằng, con trai bà cũng làm ra tiền chứ đâu phải ngồi không (!).

Có bà mẹ có hai con trai, tuy còn nhỏ nhưng đã định hướng chọn dâu: “Kinh nghiệm cho thấy, nhìn vào bàn tay một cô gái là biết cô có đảm đang hay không, sau này chọn dâu mình sẽ chỉ nhìn vào đôi bàn tay (?). Con dâu có đảm đang con trai mình mới không khổ”.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một bà mẹ khác đã có cháu nội kể lại giai đoạn bà chọn dâu, ai nghe cũng phát ớn: “Hồi xưa tôi đâu có ưng bụng. Hai đứa tuổi tác bằng nhau, phụ nữ luôn mau già hơn đàn ông, sau này làm sao nó phục vụ được con mình?”. Ấy là bà dựa vào kinh nghiệm của bà, chồng hơn bà mười tuổi, giờ đây ấm lạnh, se mình có bà còn khỏe mạnh săn sóc. Cuối cùng, do đôi trẻ thương nhau quá nên mới có đám cưới. Lại thêm, cô con dâu hiền lành, nết na, biết ăn, biết ở nên xoá tan hết mọi định kiến ban đầu.

Một bà mẹ lại lâm vào hoàn cảnh khác. Con trai bà năm nay 28 tuổi, từng đi học nước ngoài và về nước làm phó giám đốc kỹ thuật một Công ty liên doanh. Anh chàng sống phóng khoáng, có cô bồ cũng phóng khoáng luôn. Mỗi cuối tuần đến chơi nhà bạn trai, cô ta ở lại qua đêm, mà cứ ở miết trong phòng, đến bữa cơm, người giúp việc lên mời hai anh chị mới uể oải xuống nhà. Trong mâm cơm, cô bạn gái chỉ biết có anh bạn trai, hai người cứ nói chuyện riêng với nhau, thỉnh thoảng lại cười khúc khích, lơ luôn sự có mặt của cha mẹ. Bà mẹ tức lắm, cô gái vừa về, bà tuôn hết nỗi ấm ức với con trai, không còn lời nào chê bai cô gái, bà chuyển sang chì chiết, cuối cùng buông một câu: “Cái ngữ ấy không xong rồi, con mà ưng nó thì đừng nhìn mặt mẹ cha”. Anh con trai bực quá: “Chưa gì mà mẹ căng quá, con quen vậy chớ đã chọn đâu”. Bà mẹ tiếp: “Lỡ có bầu  thì sao, lúc đó phải ngậm đắng nuốt cay mà cưới”. Anh con trai hết chịu nổi, đẩy ghế đứng dậy: “Chuyện của con, con lo, mẹ sao dài tay quá!”.

Một bà mẹ khác lại có cách nhìn cô con dâu tương lai khác hơn. Con trai bà quen với một cô gái khá xinh lại hiền lành, tốt bụng. Chỉ một khuyết điểm duy nhất là bị… cận thị. Bà mẹ khó tánh, muốn cái gì cũng phải… điểm mười. Con trai bà là một người thành đạt giỏi giang, thì con dâu cũng phải vẹn toàn. Bà không thích sau này lũ cháu đứa nào cũng mang cặp kính trắng. Chỉ có người thân thuộc mới biết lý do bà không thích con dâu cận thị là do ngày xưa bà từng  yêu một người… mang kính, bị người ấy phụ bạc, bà ôm hận đến suốt đời!

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thương đâu gả đó là câu đầu môi chót lưỡi của các bà mẹ thời nay, nhưng xem ra “nói vậy chớ không phải vậy”. Đã từng ẵm bồng, nuôi nấng con cái, chăm bón từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy dỗ con học, nuôi con thành tài, nên bà mẹ nào cũng có hơi chút ích kỷ trong việc kén chọn bạn trăm năm cho con trai mình, chung quy cũng phát xuất từ lòng thương con. Các bà mẹ thương con trai quá đến nỗi sợ con mình khổ (vì phải theo hầu người ta), trong khi ấy cũng lo con gái mình khổ vì sợ chồng không hầu nó. Đã có không ít các bạn trẻ không chịu đựng nổi khi bước vào cuộc sống hôn nhân chỉ vì cả hai đều là con cưng, lấy nhau sẽ không ai chiều ai, khó có hạnh phúc.

Rào cản trong hôn nhân xuất phát từ các bà mẹ hai bên, đôi khi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đổ vỡ sau này trong các gia đình trẻ nếu không biết vượt qua. “Cưới con dâu sâu mắt, cưới con rể xể môi”, người xưa đã đúc kết. Xem ra, vấn đề chọn vợ cho con trai từ xưa đến nay vẫn là... chuyện dài nhiều tập của các bà mẹ! 

 TÂM AN

 

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.